Bệnh đau mắt đỏ nếu phát hiện muộn hoặc điều trị không thích hợp có thể dẫn tới các biến chứng như loét giác mạc, viêm giác mạc, thậm chí là mù lòa.
Đau mắt đỏ là bệnh gì?
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng
nhiễm trùng mắt thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra, hoặc phản ứng dị ứng với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột (cấp tính), lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh. Bệnh dễ gây thành dịch và một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần.
Bệnh đau mắt đỏ gia tăng khi thời tiết chuyển mùa
Virus là nguyên nhân gây bệnh hay gặp nhất, với các triệu chứng ra ghèn dây, ngứa, chảy nước mắt do cộm, sưng mi,
thị lực giảm, chói sáng khi biến chứng khô mắt. Bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân, ho, hắt hơi khi viêm họng hay cảm cúm đi kèm. Bên cạnh đó, các loại vi khuẩn như Staphylococcus, Haemophilus, Influenzae… có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng thường gặp như ghèn vàng hay màu vàng hay màu xanh nhạt gây dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng, ngứa và chảy nước mắt. Nếu bệnh nặng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi. Bệnh lây qua dịch tiết nước mắt hoặc vật dụng dính dịch tiết mắt.
Các yếu tố dị ứng như bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc… cũng tác động khiến xuất hiện bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh thường xuyên chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều,
viêm mũi dị ứng, bệnh xảy ra cả hai mắt, nhưng không lây. Bệnh đau mắt đỏ chữa được nếu như phát hiện sớm và có hướng điều trị thích hợp. Bệnh thường khỏi trong 7-10 ngày. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh muộn, tự ý điều trị, điều trị không chính xác sẽ để lại nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm: loét giác mạc, viêm giác mạc, thậm chí là mù lòa.
Phòng ngừa đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính ít để lại di chứng. Thế nhưng, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài và có biến chứng xấu ảnh hưởng thị lực sau này. Hơn nữa, đau mắt đỏ là một loại bệnh khi phòng bệnh tốt sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều khi chữa bệnh. Bởi vậy, mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được can thiệp kịp thời khi bị mắc bệnh.
Tránh dụi mắt, đặc biệt khi chưa vệ sinh tay
Để phòng bệnh, bạn cần vệ sinh cá nhân thường xuyên, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Chú ý không dùng chung khăn rửa mặt, chậu rửa và nhất là lọ thuốc nhỏ mắt. Ngay cả khi cả nhà cùng bị đau mắt đỏ thì cũng không được dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt. Dùng riêng khăn, chậu rửa mặt khi bị bệnh để tránh lây lan sang người khác. Tránh dụi tay vào mắt và đặc biệt không đi bơi trong giai đoạn có dịch. Khuyến cáo mọi người trong gia đình tránh ôm ấp trẻ em khi bị bệnh, nên ngủ riêng hoặc ngủ khác gối. Không tiếp xúc trực tiếp (trò chuyện) với người đau mắt, hạn chế đến chỗ đông người.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ tránh virus gây bệnh đau mắt đỏ
Ngoài ra, bạn nên tránh tiếp xúc với những vật dụng dễ nhiễm nguồn bệnh (nước mắt của bệnh nhân). Rửa tay với xà phòng, diệt khuẩn là một biện phát hữu hiệu để phòng bệnh. Không tự ý dùng thuốc nhỏ có chất “Dexa” hoặc những thuốc cổ truyền vì có thể sẽ gây biến chứng tại mắt. Nhiều người tự ý dùng thuốc có chứa thành phần corticoid chữa đau mắt đỏ gây suy giảm hệ miễn dịch, khiến thời gian điều trị lâu hơn. Không tự ý dùng các biện pháp dân gian để chữa bệnh, có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Như Quỳnh (t/h)