"Tại Việt Nam, sự kiện âm nhạc hoành tráng nhất đến nay có thể tiêu tốn 2 triệu USD, tức khoảng 50 tỷ đồng, chưa tính các khoản chi phí cho truyền thông", ông Nguyễn Tuấn Nhựt, CEO ST Events, đồng thời cũng là nhà tổ chức Hội Music Festival chia sẻ.
Con số này đã phần nào chứng minh sự phát triển và bùng nổ của thị trường tổ chức lễ hội và sự kiện âm nhạc, bởi trước đó, các đơn vị thường chỉ chi khoảng vài tỷ đồng.
Ban tổ chức ngày càng "chịu chi"
Theo kinh nghiệm của ông Nhựt, hiện với những sự kiện có nghệ sỹ quốc tế tham gia, con số đầu tư không dưới 1 triệu USD.
Ở những concert hoành tráng, thu hút đông khán giả như Anh trai say hi hay Anh trai vượt ngàn chông gai, quy mô đầu tư còn cao hơn nhiều do chi phí thuê địa điểm lẫn dàn dựng sân khấu, âm thanh, cũng như tổng cát-xê cho các nghệ sỹ.
Nhà sản xuất ngày càng chịu chi cho đạo cụ, hiệu ứng sân khấu. Ảnh: NSX. |
Thực tế, các đêm concert "Anh trai" vừa qua đều được đầu tư hoành tráng, thậm chí không hề kém cạnh quy mô của đêm nhạc BlackPink cách đây hơn một năm. Anh trai say hi tạo ấn tượng về mặt âm thanh, khâu kiểm soát khán giả, an ninh chỉn chu, chuyên nghiệp. Ý tưởng sân khấu cũng đa dạng, mới mẻ, thỏa mãn kỳ vọng của khán giả về cả phần nghe lẫn phần nhìn.
Trong khi đó, concert Anh trai vượt ngàn chông gai hoành tráng về thiết kế sân khấu, đồ họa, kỹ xảo 3D, hiệu ứng và ánh sáng. Ngoài sân khấu chính rộng tới 70 m, concert còn có sân khấu phụ ở phía trước kèm theo bàn nâng có thể di chuyển, chạy dọc qua khu vực Cá lớn. Ban tổ chức cũng bố trí 11 đèn LED lớn khắp các góc giúp khán giả ở khu vực nào cũng có thể dễ dàng theo dõi chương trình.
Các ê-kíp cho thấy sự nỗ lực và chỉn chu trong việc đưa người hâm mộ tới trải nghiệm các concert đẳng cấp quốc tế, và đây là điều rất đáng ghi nhận.
"Do thị hiếu của khán giả ngày càng được nâng cao, các đơn vị tổ chức phải đầu tư nhiều hơn vào hiệu ứng sân khấu, âm thanh, ánh sáng, nghệ sỹ trình diễn...", ông Nhựt nói.
Theo ông, nếu trước đây, các sự kiện sử dụng màn hình LED trung bình 200-300 m2, hoành tráng nhất khoảng 600 m2, thì hiện tại, quy mô màn hình LED ở một chương trình như GENfest mà công ty ông tham gia tổ chức đã lên đến 1.000 m2.
"Khán giả đông hơn đòi hỏi sân khấu phải to hơn, dàn dựng phức tạp hơn, các loại loa sử dụng phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Các chi phí vì vậy có thể tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với trước đây", ông nói thêm.
Mặt khác, với những sự kiện như vậy, nhân sự vận hành chính có thể lên đến hơn 1.000 người với sự tham gia của 8-10 đơn vị liên quan việc lắp đặt sân khấu, bộ phận âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng, đạo cụ, dàn dựng sân khấu, ê-kíp nghệ sỹ, cũng như bộ phận logistics từ an ninh, phòng cháy chữa cháy, đến vệ sinh...
Riêng về cát-xê cho nghệ sỹ, hạng mục chi phí này cũng đã tăng rất nhanh trong các năm qua. Theo một số nguồn tin, sau hai chương trình nổi bật nhất thời gian qua là Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai, nhiều nghệ sỹ đã tăng vọt cát-xê gấp nhiều lần, thậm chí từ sao hạng D "đổi đời" lên tương đương hạng B. Một số "anh trai" được săn đón với lịch hoạt động dày đặc và cát-xê tiền tỷ.
Bài toán "đau đầu" nhất
Tại Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 18/12, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia chia sẻ bản thân là một trong số hơn 50.000 khán giả tại concert 2 của Anh trai vượt ngàn chông gai tối 14/12.
"Ở đó, hơn 50.000 khán giả cùng hát vang những điệu chèo, trống quân, Dạ cổ hoài lang... với sự đồng bộ về âm thanh, ánh sáng, Thời trang. Các nhà sản xuất cho rằng chương trình này dự kiến thu 340 tỷ đồng", PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.
Nhìn vào con số doanh thu ước tính này, không ít người đặt vấn đề vì sao nhà sản xuất Yeah1 không tổ chức các concert liên tục như đối thủ Anh trai say hi. Thực tế, chương trình của DatViet VAC được tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) trong tối 7/12 và 9/12, tận dụng được dàn dựng sân khấu và hệ thống trang thiết bị.
Tuy nhiên, theo ông Nhựt, sân Mỹ Đình nằm trong top địa điểm tổ chức sự kiện có giá thuê đắt nhất thị trường. Do đó, việc kéo dài thời gian thuê cũng rất tốn kém, chưa kể ê-kíp còn phải chi thêm tiền thuê các trang thiết bị, máy móc và nhân sự, nghệ sỹ... Vì vậy, ông cho rằng không thể nói việc tận dụng như vậy là tiết kiệm.
Trong khi đó, nhiều khả năng concert Anh trai vượt ngàn chông gai ở Hưng Yên không cần tốn tiền thuê địa điểm. Dĩ nhiên, chi phí tự dựng sân khấu ngoài trời cũng gần như tương đương việc thuê địa điểm tại sân Mỹ Đình, bởi riêng thời gian dựng sân khấu ngoài trời có thể đã lên đến khoảng 20 ngày.
Vấn đề chính trong quyết định tổ chức liền mạch hay ngắt quãng vài tháng có lẽ xuất phát từ lịch trình riêng của các nghệ sỹ.
Nhưng từ câu chuyện này, có thể thấy bài toán khó nhất khi tính toán chi phí của các nhà sản xuất sự kiện, lễ hội âm nhạc chính là địa điểm tổ chức.
Hiện, các sự kiện lớn với quy mô hàng chục nghìn khán giả chỉ có 2 lựa chọn là các địa điểm sẵn có như sân vận động hay trung tâm hội nghị, hoặc các khu vực đất trống ở ngoại thành. Và dù lựa phương án nào, đơn vị tổ chức cũng phải "đau đầu" về các khoản chi phí và phương án tổ chức khác nhau.
Thực tế, các sân vận động là lựa chọn ít rủi ro vì đảm bảo về hạ tầng, sức chứa, nguồn điện... Tuy nhiên, chi phí không hề thấp, và các địa điểm này cũng không được thiết kế riêng theo nhu cầu của các hoạt động Giải trí, nghệ thuật.
Thậm chí, trong trường hợp của concert Anh trai say hi tổ chức ở sân Mỹ Đình mới đây, nhà sản xuất DatViet VAC còn vấp phải dư luận trái chiều khi vô tình khiến trận đấu trong khuôn khổ AFF Cup 2024 của đội tuyển Việt Nam phải dời đến sân vận động Việt Trì (Phú Thọ).
Concert Anh trai say hi tổ chức ở sân vận động Mỹ Đình. Ảnh: Thế Bằng. |
Trong khi đó, những nơi có diện tích trống đủ lớn như Vinhomes Ocean Park 2-3 (Hưng Yên) hay The Metropole Thủ Thiêm, The Global City (TP.HCM) đảm bảo sức chứa nhưng lại không có cơ sở hạ tầng.
Điều này đồng nghĩa với việc khi tổ chức sự kiện ca nhạc quy mô lớn tại đây, ê-kíp sản xuất phải đầu tư, chuẩn bị kỹ càng, chỉn chu và tốn kém hơn, từ sân khấu, chỗ ngồi, cho đến các vấn đề liên quan như an ninh, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh... Ngoài ra, đơn vị tổ chức phải tính đến các rủi ro phát sinh như sự cố về âm thanh, ánh sáng, thời tiết xấu...
Đây cũng là một phần lý do khiến concert Anh trai vượt ngàn chông gai mới đây bị phản ánh còn nhiều bất cập, đặc biệt về vấn đề âm thanh.
Vì vậy, từ góc độ một đơn vị sản xuất và tổ chức sự kiện, ông Nhựt bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý và các địa phương quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư các cơ sở, địa điểm phù hợp với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành giải trí.
Ý kiến tương tự cũng được PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương nêu tại hội nghị vừa qua. Theo Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, các chính sách khuyến khích như giảm thuế cho các tổ chức nghệ thuật, tạo lập quỹ hỗ trợ sáng tạo, đầu tư xây dựng các cơ sở văn hóa, trung tâm nghệ thuật công cộng... là những biện pháp quan trọng giúp nâng cao đời sống văn hóa của Xã hội, đồng thời tạo động lực cho sáng tạo nghệ thuật thăng hoa.