Bà bầu bị ợ nóng do đâu?
Ợ nóng là hiện khá phổ biến với chị em trong thời kỳ mang thai. Biểu hiện ợ nóng là trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản và họng, cảm giác nóng rát ở phần ngực dưới và cuống họng.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng này chủ yếu do sự thay đổi của hormone progesterone. Loại hormone tiết ra này có tác dụng làm giãn cơ tử cung, hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi từng ngày. Song song với quá trình này, progesterone cũng tác động và vô tình làm giãn van nắp dạ dày, làm một lượng axit trào ra gây nóng ran thực quản.

Đồng thời, hormone này cũng tác động làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn. Thai nhi lớn dần cũng chèn ép dạ dày, đẩy dịch vị trào ngược lên thực quản.
Ợ nóng có thể liên quan tới chế độ ăn uống dư axit, bà bầu ăn thực phẩm lên men chua cũng gây ra hiện tượng này.
Mẹo đẩy lùi chứng ợ nóng cho bà bầu
Ợ nóng khi mang thai không phải hiện tượng nghiêm trọng đe dọa sức khỏe, tuy nhiên chúng gây phiền toái khiến bà bầu luôn có cảm giác khó chịu, ăn không ngon. Một số cách đưới dây sẽ giải quyết cơn ợ nóng cho thai phụ.
Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn ít bữa, mỗi bữa với nhiều thức ăn bà bầu nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều phần, mỗi lần ăn từng chút một. Thay vì ăn 3 bữa lớn mỗi ngày, chị em nên chia thành 6 bữa nhỏ. Giảm lượng thức ăn nạp vào cùng lúc cũng là giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa.

Hạn chế ăn thực phẩm nhiều axit: Các loại hoa quả hay thực phẩm lên men, có vị chua ví dụ như cam, chanh, cà chua… những thực phẩm cay, nóng, nhiều dầu mỡ, thức uống có ga, caffein hay dưa cà muối... bà bầu nên tránh xa để tránh gia tăng tình trạng ợ nóng.
Nên ăn thực phẩm dạng lỏng: Thức ăn dạng lỏng vừa dễ tiêu hóa hơn lại cải thiện tình trạng ợ nóng. Ví dụ như: Súp, sinh tố, sữa chua, sữa lắc… rất phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu.
Tư thế ngủ đúng: Ngủ cũng ảnh hưởng tới tình trạng trào ngược dạ dày. Thai phụ bị ợ nóng không nên ăn gì trước 3 tiếng khi ngủ, khi ngủ nên nằm nghiêng bên trái đây là tư thế đúng để tránh axit trào ngược.