Các nhà khoa học Trung Quốc đã thành công trong việc dạy AI tìm ra mặt người từ những nét vẽ đơn giản, nhờ vào việc sử dụng dữ liệu gương mặt của 17.000 người.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học Học viện khoa học Bắc Kinh và Đại học Hong Kong cho biết đã thành công trong việc dạy
trí tuệ nhân tạo AI tìm ra mặt người từ những nét vẽ đơn giản. Nhờ vào thuật toán này, một phác thảo với các nét vẽ cơ bản cũng có thể được máy tính biến thành chân dung người thật với đầy đủ các chi tiết trên khuôn mặt.
Theo Futurism, để đào tạo cho hệ thống AI, các nhà khoa học cần có một cơ sở dữ liệu đủ lớn về các khuôn mặt. Vì vậy họ đã sử dụng dữ liệu từ 17.000 khuôn mặt có sẵn trên Internet, đây đa số đều là những hình ảnh của người nổi tiếng.
Nhóm nghiên cứu xác định một khuôn mặt sẽ bao gồm 5 khu vực chính, đó là: 2 mắt, mũi, miệng, đường tròn mặt và tóc. Từng khu vực trên khuôn mặt sẽ được kỹ thuật số hóa thành các điểm ảnh.
Nhiều điểm ảnh kết hợp sẽ tạo thành các đường nối khác nhau. Sử dụng cách tiếp cận này, khi đưa cho AI xem hình ảnh có những đường nối vẽ khuôn mặt, AI sẽ truy xuất theo điểm ảnh và tìm ngược lại đúng khuôn mặt người thật.
Nếu được tiếp tục cập nhật thêm nguồn dữ liệu khuôn mặt cho AI, thuật toán này sẽ rất hữu ích trong việc điều tra nghi phạm, hoặc ứng dụng vào ngành công nghiệp sản xuất phim hoạt hình, trò chơi điện tử...
Tuy nhiên, hiện tại nhóm nghiên cứu gặp không ít khó khăn về vấn đề dữ liệu. 17.000 khuôn mặt được AI được dạy đều toàn là người da trắng đến từ châu Âu hay các quốc gia như Mỹ nên kết quả hình ảnh máy tính trả về đều là người da trắng.
"Việc thu thập cơ sở dữ liệu về khuôn mặt của người dùng không phải chuyện dễ dàng, chúng tôi sẽ tập trung làm việc để dạy AI phân biệt màu da trong thời gian tới", Hongbo Fu - một thành viên của nhóm nghiên cứu nói.
Các nhà khoa học cũng cho biết sẽ tiếp tục phát triển thêm các tố màu sắc như màu da, màu mắt, màu tóc, hình xăm để máy tính có thể tìm ra được chính xác khuôn mặt nhờ những nét vẽ cơ bản.
Theo Kiều Đỗ/SKCĐ