Nhiều người dân ở thôn Cơ Giới, xã Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) rất bức xúc và có đơn phản ánh về việc xã Thụy An chôn hơn 6 tấn lợn dịch của gia đình chị Lê Thị Nhung, ngay trong vườn nhưng khoảng cách không quy định.
Phản ánh tới
Báo điện tử Sức khỏe Cộng đồng, ông Trần Qúy Sử - cụm trưởng cụm 3 thôn Cơ Giới, đại diện người dân chia sẻ: "Chúng tôi không hề hay biết về việc chính quyền xã Thụy An tiến hành chôn lợn mắc dịch tả của nhà chị Lê Thị Nhung (chồng là anh Nguyễn Văn Chiến) ở ngay trong khu vườn”.
Người dân thôn Cơ Giới phản ánh UBND xã cho đào hố chôn lợn dịch quá gần nhà dân, chưa đúng quy định tối thiểu từ 30m.
“Sự việc diễn ra có thể từ khoảng 13h chiều 25/5, vì có thấy tiếng máy xúc nhưng chỉ nghĩ là xây dựng gì thôi. Cho đến tận hơn 20h tối, sau khi chính quyền xã tiến hành xong, những người dân xung quanh cũng mới được biết là đã chôn hơn 6 tấn lợn dịch tại chỗ, tức là hố chôn ở ngay trong khu vườn đó". – ông Sử nói.
Đơn phản ánh của người dân thôn Cơ Giới gửi Báo Sức Khỏe Cộng Đồng điện tử.
Ông Sử thắc mắc rằng: “Bản thân tôi là cụm trưởng cụm 3 thôn Cơ Giới nhưng cũng không được biết sự việc này. Thậm chí, những người mà đáng lẽ phải có mặt như: Bí thư thôn, Trưởng thôn, Phó thôn thì đều không có mặt hôm đó. Người dân chúng tôi chỉ được biết là khi thực hiện chôn lấp có các đồng chí Công an xã, Thú y viên xã… còn lại, chúng tôi không được biết là có ai?”.
Người dân thôn Cơ Giới và khu vực xung quanh bức xúc vì khoảng cách hố chôn hơn 6 tấn lợn dịch quá gần nhà dân, không đúng quy định 30m.
Mọi người dân thuộc cụm 3 thôn Cơ Giới rất lo lắng về sau này. Liệu sau khi hơn 6 tấn lợn dịch dưới hố chôn đó phân hủy có ảnh hưởng đến sức khỏe con em, ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là nguồn nước...? Vì chỉ có 3/11 hộ là nối nhờ nước sạch, còn lại các hộ dân xung quanh đều sử dụng nước sinh hoạt là giếng khơi.
Bà Đỗ Thị Thúy Sinh (74 tuổi, người dân cụm 3 thôn Cơ Giới) bức xúc: "Tôi không đồng ý vì chính quyền xã Thụy An (hay là Tổ dập dịch) đã cho chôn hơn 6 tấn lợn bị dịch tả của nhà anh chị Nhung Chiến không đúng quy định, hố chôn lợn chết quá gần nhà dân thì sau này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, các con em trẻ nhỏ và nguồn nước ngầm tại địa bàn”.
Văn bản số 645 của UBND huyện Ba Vì ngay 7/5/2019, do Phó Chủ tịch Nguyễn Đình Dần ký gửi các xã, thị trấn về việc Hướng dẫn phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, nêu rõ khoảng cách hố chôn cách nhà dân, giếng nước tối thiểu 30m.
“Trước đó, ngày 7/5/2019, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần đã ký ban hành văn bản số 645/UBND về việc hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, gửi các xã, thị trấn… trong đó nêu rõ, hố chôn cách nhà dân, giếng nước tối thiểu 30m. Vậy, tại sao xã vẫn thực hiện hố chôn lợn khoảng cách không đúng quy định?”, bà Sinh thắc mắc.
Ông Nguyễn Trường Cửu (65 tuổi, dân sống ở cụm 3 thôn Cơ Giới) bày tỏ: "Khi một lượng lớn lợn dịch lại chôn quá gần nhà dân (cách khoảng 15-20m), không đúng theo quy định là phải từ 30m. Khu vực hố chôn lơn dịch lại rất gần các giếng nước sinh hoạt của các hộ như vậy, liệu sau này phân hủy, mưa xuống có bị rò rỉ ngấm vào nước ngầm, gây ô nhiễm hay không?"
Khoảng cách hố chôn lợn dịch đến nhà dân, giếng nước gần nhất dưới
"Thậm chí, biên bản thực hiện hôm đó lãnh đạo xã Thụy An cũng không cho người dân chúng tôi được biết. Chẳng ai được thấy quá trình xã thực hiện chôn lấp, khoảng cách và kích thước hố chôn được đào có đúng theo quy định không? Các bước tiến hành, dụng cụ trang thiết bị để dập dịch như vôi, bạt, bao tải, hóa chất, áo nion, phun thuốc phòng chống khử dịch...
Những ai là thành viên trực tiếp tổ dập dịch, quyết toán tổng kinh phí hay ngân sách hỗ trợ cho việc dập dịch, chôn lấp là bao nhiêu? Rất mong UBND huyện Ba Vì kiểm tra, làm rõ những vấn đề này và có hướng xử lý thấu tình đạt lý cho người dân. Chúng tôi rất lo lắng vì nguy cơ ô nhiễm môi trưởng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, con em xung quanh sau này", - Những người dân thôn Cơ Giới bức xúc nói.
Khảng cách hố chôn lợn dịch đến nhà ông Sử cũng dưới
Theo ghi nhận thực tế của PV, khu vực hố chôn lợn dịch (ở nhà anh chị Nhung Chiến, cụm 3 thôn Cơ Giới, xã Thụy An) nằm trong mảnh vườn rộng hơn 500 m2, hố chôn nằm trong góc vườn (dài rộng khoảng 4m - 2m), cách khu dân cư khoảng 15m và gần nhiều giếng sinh hoạt của các hộ dân cụm 3 thôn Cơ Giới.
Ngày 10/5/2019, UBND xã Thụy An có thực hiện kiểm tra tại hộ gia đình Nhung Chiến và tổng số lợn khai trong biên bản chỉ có là 42 con.
Ngoài ra, trước đó vào ngày 10/5, người dân thôn cụm 3 thôn Cơ Giới có phản ánh về tình trạng mùi hôi thối từ hộ chăn nuôi lơn nhà chị Lê Thị Nhung gây ảnh hưởng xung quanh. Nội dung biên bản có nêu: "Hiện tại hộ chăn nuôi: 1 dãy chuồng trại dài khoảng 20m, rộng khoảng 6m, với quy mô: 15 lợn nái, 27 lợn con. Có hệ thống biogas xử lý nước thải chăn nuôi...".
Tuy nhiên, tổng số lượng con lợn dịch tiêu hủy ngày 25/5/2019 lại là 80 con, lên đến hơn 6 tấn?
Như vậy, điều khiến người dân thôn Cơ Giới không chỉ bức xức mà còn đặt ra câu hỏi: "Liệu công tác kiểm tra, khai báo thống kế số liệu từ trước của gia đình anh chị Nhung Chiến, cũng như của lãnh đạo chính quyền xã Thụy An có minh bạch, đúng sự thật hay không?".
Trả lời xác nhận với PV, ông Nguyễn Đắc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Thụy An xác nhận: “Việc chôn lấp số lợn dịch của hộ Nhung Chiến ở xã Thụy An thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" khẩn trương, để dịch không lây lan... Dù việc hố chôn lợn dịch gần nhà dân là không đúng theo quy định khoảng cách tối thiểu là từ 30m (căn cứ do Bộ NN-PTNT). Nhưng, quá trình chôn lấp xã làm rất cẩn thận, có lớp bọc nilon, đổ nhiều vôi, hóa chất dập dịch…”.
Ông Nguyễn Đắc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Thụy An trả lời.
Còn theo ông Đỗ Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Thụy An cho hay, lý do xử lý chôn lợn dịch tại chỗ là do: "Hiện tại, địa bàn huyện Ba Vì chưa có quy hoạch vùng, khu vực chôn lợn dịch rõ ràng. Cho nên, nếu xã không tiến hành chôn lợn dịch ở ngay vườn nhà dân thì cũng chưa biết chôn ở đâu nữa?
Ông Đỗ Đình Đạt cũng cho biết thêm: Đến nay, công tác xử lý dập dịch chôn lấp tại xã được thực hiện theo đúng chỉ đạo, có báo cáo, biên bản... Về khu vực hố chôn lấp tại nhà chị Nhung, thì xã cũng có phân công bộ phận, sẽ kiểm tra thường xuyên. Chính quyền xã cũng đã chuyển đề nghị di dời của người dân lên huyện, để tìm phương án xử lý thích hợp.
Trụ sở HĐND-UBND xã Thụy An.
Liên quan đến kiến nghị di dời của người dân thôn Cơ Giới, Chủ tịch xã Thụy An Nguyễn Đắc Nguyên cũng bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi không thể di dời, việc đó không thể làm được, vì không thể lường được trước những gì xảy ra, dịch bệnh có thể lây lan không?”.
“Chúng tôi hứa sẽ giám sát, sau đó sẽ có quan trác, tiến hành giám định môi trường… Nếu không đủ điều kiện, chúng tôi sẽ báo cáo huyện, cơ quan chức năng sẽ giải quyết… Còn những thắc mắc liên quan đến trang thiết bị vật tư là việc bên Trạm thú y huyện hay kinh phí thì làm việc với Phòng Kinh tế với Phòng Tài chính huyện”, ông Nguyên trả lời.
Ông Nguyên cũng lý giải: “Hiện tại vẫn chưa quyết toán kinh phí. Toàn bộ là xã tự bỏ ngân sách của xã. Việc hỗ trợ kinh phí cho đến thời điểm này (11/6/2019) mới chỉ có 3/19 hộ chăn nuôi lợn bị mắc dịch là được nhận”.
Để làm rõ những phản ánh của người dân thôn Cơ Giới, cũng như trách nhiệm của UBND xã Thụy An thực hiện hố chôn lơn không đúng khoảng cách quy định, PV đã liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Ba Vì nhưng vẫn chưa có phản hồi cụ thể nào liên quan đến sự việc này.
Thiết nghĩ, lãnh đạo UBND huyện Ba Vì cần sớm có chỉ đạo, kiểm tra làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân liên quan. Đồng thời, xem xét và có phương án xử lý phù hợp đối với đề nghị di dời hố chôn này đến khu vực khác, để đảm bảo thỏa đáng nguyện vọng của nhân dân và bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân xung quanh.
Sức Khỏe Cộng Đồng sẽ tiếp tục thông tin.
Quyết định số 3400/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn phương pháp giết hủy gia súc, gia cầm bị bệnh.
Theo đó khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các đô thị, các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, công trình văn hoá, khu du lịch, chùa chiền, bệnh viện, trạm y tế phải từ 3.000 m trở lên; Khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các cụm dân cư phải trên 300 m; Khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các công trình khai thác nước ngầm, nước bề mặt phụ vụ cấp nước cho sinh hoạt (ăn uống, tắm, giặt...) từ 50 đến 100 m; Khoảng cách từ bãi chôn lấp tới nguồn nước xung quanh (nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản) từ 30 m trở lên.
Đại Lộc