Bác sĩ lý giải nguyên nhân chàng trai bị 'tai súp lơ', ai muốn xỏ khuyên cần cẩn trọng

Chỉ vì ham hố xỏ khuyên tai cho 'ngầu', chàng trai 19 tuổi bị biến chứng 'tai súp lơ'. Suốt 8 năm qua, chàng trai phải 4 lần thực hiện phẫu thuật cắt những cục thịt thừa ở tai.
Nam thanh niên N.M.H., sinh năm 2000 ở Hà Nội cho biết năm 9 tuổi, cậu bắt đầu đi bấm lỗ tai để đeo khuyên cho "ngầu". Đeo được khoảng 1 năm cậu bé tháo khuyên thì nhận thấy hai tai có biểu hiện bất thường.
 
Phần tai sau của bé 10 tuổi mọc nhiều cục thịt nhỏ li ti như đầu tăm. Cậu nhóc tò mò nặn ra thấy có nhân màu trắng. Thế nhưng càng nặn các cục thịt này càng sưng to, lồi ra bằng đầu ngón tay và gây ngứa ngáy khó chịu.

Ngay thời điểm đó cậu bé được gia đình đưa đi viện cắt bỏ những cục thịt thừa. Đáng nói là cứ 2, 3 năm, khối sẹo này tái phát, mọc to hơn trước.
 
Đôi tai nam thanh niên 'nở hoa' chỉ vì ham hố xỏ khuyên tai cho 'ngầu'
Một cục sẹo lồi được cắt ra từ vành tai nam thanh niên

Kể từ đó, cậu nhóc đã ba lần thực hiện phẫu thuật nhưng vẫn không thể trị triệt để. Đỉnh điểm là năm 2018, phần sẹo lồi của em đã to và tròn như quả trứng gà, với đường kính lên tới 3-4cm. Không còn cách nào khác, cậu quyết định phẫu thuật lần thứ tư.

Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân tiêm thuốc kết hợp phẫu thuật, ghép da để xử lý khối sẹo. Kể từ lần phẫu thuật đó tới nay là hơn 1 năm, kết quả lần tái khám gần đây nhất cho thấy vết sẹo đã xẹp và chưa có biểu hiện tái phát.

Dù vậy, TS. BS Đào Văn Giang, Phó Khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức nhận định, dù vùng tổn thương của bệnh nhân có tiến triển tốt nhưng chưa thể khẳng định được đã triệt tiêu hoàn toàn khối sẹo hay không. Bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát nên cần theo dõi điều trị lâu dài.

Được biết, mới đây Bệnh viện Việt Đức một bệnh nhân nữ 26 tuổi dù xinh đẹp nhưng luôn tự ti vì vành tai xù xì, biến dạng như bông súp lơ. Hàu hết các trường hợp bị sẹo lồi đến thăm khám tại bệnh viện đều có tiền sử bấm khuyên tai và bị nhiễm trùng.
 
Đôi tai nam thanh niên 'nở hoa' chỉ vì ham hố xỏ khuyên tai cho 'ngầu'
Hiện chưa có phương pháp chữa trị triệt để sẹo lồi ở tai
 
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình – Thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), có 3 loại sẹo chính thường gặp là sẹo thông thường, sẹo phì đại và sẹo lồi.

Khác với sẹo phì đại chỉ to lên nhưng không gây cảm giác khó chịu thì sẹo lồi không chỉ sưng to mà còn gây ngứa ngáy khó chịu cho người bệnh. Khi ngứa ngáy, bệnh nhân thường gãi nhưng càng gãi sẹo càng ngứa hơn và sưng to hơn.

Các bác sĩ cho biết hiện chưa thể xác định nguyên nhân hình thành sẹo lồi ở tai (tai súp lơ). Sẹo lồi ở tai thường gặp ở người bấm khuyên tai, gặp chấn thương ở tai và các nguyên nhân gây nhiễm trùng…

Y học Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn trong điều trị sẹo lồi. Phương pháp chủ yếu được chỉ định là phẫu thuật cắt bỏ khối sẹo kết hợp ghép da hay sử dụng tia xạ với liều nhỏ, áp lạnh, áp lực…

PGS.TS Hà cho hay, kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào cơ địa từng người bệnh. Sau điều trị kích thước sẹo giảm được 30 – 50% đã được coi là điều trị tích cực. Một số trường hợp khác càng phẫu thuật khối sẹo mọc lên càng lồi to, xù xì và ngứa ngáy hơn.
 
Bệnh không gây nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
 
Các bác sĩ khuyến cáo người dân tránh những tổn thương gây nhiễm trùng tai. Nếu có sở thích bấm khuyên tai nên lựa chọn cơ sở đảm bảo yếu tố vô trùng, tránh nguy cơ gây sẹo lồi cũng như nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh khác.
 
 [presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/08/08/Tai sưng phồng như quả bóng do bấm khuyên từ 11 năm trước - VTC14_08082019194637.mp4[/presscloud]
Tai sưng phồng như quả bóng vì bấm lỗ tai từ 11 năm trước. Video: VTC14
 
 
Hà Ly (t/h)