Các chuyên gia nhận định, axit folic là vitamin nhóm B cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
Bà bầu cần bổ sung axit folic
Theo các bác sĩ, axit folic (còn gọi là folat hay vitamin B9) cần thiết cho dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể người để phục vụ quá trình tạo mới tế bào. Nhu cầu bổ sung chất này sẽ tăng cao ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
Song song với đó, axit folic rất cần thiết góp phần tạo hồng cầu bình thường và có sự ảnh hưởng nhất định đến sự tổng hợp DNA và RNA, đồng nghĩa với việc liên quan mật thiết đến quá trình phân chia và nhân đôi tế bào. Khi cơ thể thiếu axit folic dễ dẫn đến bệnh lý thiếu máu hồng cầu khổng lồ. Đặc biệt, thai phụ không được cung cấp đầy đủ axit folic có khả năng gây ra sự khiếm khuyết trong sự hình thành ống tủy sống của bào thai, thai nhi có nguy cơ bị tật nứt đốt sống (spina bifida).
Bổ sung axit folic giúp thai nhi tránh bị dị tật ống thần kinh
Spina bifida là một trong dị tật bẩm sinh phổ biến nhất. Theo một số liệu thống kê tại Úc, cứ 1000 trẻ em được sinh ra sẽ có 1 trẻ bị khuyết tật ống thần kinh như nứt đốt sống. Nó thường xảy ra trong những tuần đầu của thai kỳ, khi não và tủy sống của thai nhi đang hình thành. Hầu hết các trường hợp dị tật ống thần kinh có thể ngăn ngừa nếu mẹ bầu bổ sung đầy đủ axit folic trước và trong quá trình mang thai. Chị em có thể bổ sung chất này thông qua thực phẩm ăn uống hàng ngày hoặc sử dụng sản phẩm chức năng bổ trợ.
Cách bổ sung axit folic cho mẹ bầu
Thực tế, axit folic rất cần thiết với cơ thể người nói chung. Cụ thể, với nam giới và nữ giới trên 19 tuổi sẽ cần bổ sung 0,4 mg/ngày; phụ nữ
mang thai sẽ cần bổ sung khoảng 0,6 mg/ngày và phụ nữ cho con bú cần bổ sung 0,5 mg axit trong một ngày. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ mang thai thậm chí là có dự định mang thai phải bắt đầu bổ sung axit folic trước 3 tháng.
Mẹ bầu cần ít nhất 0,6 mg axit folic mỗi ngày
Có rất nhiều loại thực phẩm giàu axit folic tự nhiên chị em có thể lựa chọn luân phiên. Nhưng lưu ý rằng, axit folic dễ bị tan trong nước và cũng dễ bị phá hủy khi nấu. Do đó, tốt nhất đối với các loại rau nên nấu tái hoặc thậm chí ăn sống. Hoặc nấu bằng lò vi sóng, hấp để bảo toàn được lượng axit tối đa trong thực phẩm. Những nguồn axit folic dồi dào trong tự nhiên như rau (bông cải xanh, cải brussels, bắp cải, súp lơ, rau bina Anh, đậu xanh, rau diếp, nấm, rau mùi tây, ngô ngọt, bí xanh); trái cây (quả bơ, bưởi, cam); các loại đậu (đậu xanh, đậu nành, đậu lima, đậu đỏ, đậu lăng, đậu haricot); trứng; quả hạch; nước ép (nước táo và cam)…
Ngoài thực phẩm, thai phụ có thể bổ sung axit folic bằng các sản phẩm bổ trợ. Axit folic không chỉ tốt cho thai nhi, nó còn có hiệu quả cao trong việc chống lại trầm cảm sau sinh. Bà bầu có thể sử dụng thuốc uống với liều lượng 0,4 mg axit folic/ngày. Viên uống sẽ hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch, hỗ trợ tăng cường tế bào hồng cầu và thần kinh đồng thời hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho bà bầu. Mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Bổ sung axit folic dạng hữu cơ tránh táo bón cho bà bầu
Một số phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi khuyết tật ống
thần kinh sẽ được khuyên dùng liều cao hơn 5mg axit folic mỗi ngày cho đến khi họ mang thai được 12 tuần. Những trường hợp này bao gồm người vợ (chồng) bị khuyết tật ống thần kinh; người vợ (chồng) có tiền sử gia đình bị dị tật ống thần kinh; phụ nữ có lần mang thai trước đó bị ảnh hưởng bởi khuyết tật ống thần kinh; bà bầu bị tiểu đường… Ngoài ra, những phụ nữ đang dùng thuốc chống động kinh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn vì họ cũng có thể cần bổ sung axit folic với hàm lượng cao hơn.
Phụ nữ mang thau có thể uống axit folic kèm với với sắt. Đồng thời, vitamin C sẽ làm tăng khả năng hấp thụ sắt, bởi vậy mẹ bầu có thể uống viên sắt, axit folic chung với nước cam (nước trái cây). Tuy nhiên, không nên uống chung với trà, cà phê, rượu… Nên uống giữa hai bữa ăn để cơ thể hấp thụ được một cách tối đa. Để tránh bị táo bón trong thời gian mang bầu, chị em nên bổ sung axit folic dạng hữu cơ, đồng thời uống nhiều nước và bổ sung trái cây tươi, rau xanh. |
Như Quỳnh (t/h)