Chị em chịu chi cả trăm triệu nhưng 'đánh cược' nhan sắc và tính mạng cho cơ sở thẩm mỹ

Phụ nữ hiện đại ngày càng có nhu cầu hoàn thiện sắc đẹp bản thân tuy nhiên không ít chị em chịu chi hàng trăm triệu nhưng làm thẩm mỹ hoài không đẹp, thậm chí tiền mất tật mang.

Mất 400 triệu nhưng làm hoài không đẹp

 
Chiều 11/9, nhóm 7 cô gái tìm đến thẩm mỹ viện Gang Nam (số 68 Lý Tự Trọng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng) phản ánh việc chi ra cả trăm triệu đồng nhưng làm đẹp không hiệu quả.

Trước đó, nhóm khách hàng này trực tiếp đến cơ sở để tìm hiểu và đăng kí các dịch vụ làm đẹp: nâng ngực, làm gọn vòng eo, làm trắng da... Được biết, trong số này người nộp ít nhất cũng mất 25 triệu đồng, người chịu chi nhất đã bỏ ra 129 triệu đồng (có phiếu thu). Tổng cộng một nhân viên nữ đã thu của 7 khách hàng này tổng cộng hơn 400 triệu đồng.
 
Chị em chịu chi cả trăm triệu nhưng 'đánh cược' nhan sắc và tính mạng cho cơ sở thẩm mỹ
Nhóm 7 hành khách làm việc với cơ quan công an tại thẩm mỹ viện

Sau một thời gian thực hiện phác đồ trị liệu nhưng không hiệu quả, các nữ khách hàng đã tìm tới cơ sở thẩm mỹ đòi lại tiền như đã cam kết trước đó nhưng không được. Sau đó, họ tiếp tục trình báo với công an phường Thạch Thang xử lý vụ việc. Chị Vân (một trong số 7 khách hàng) chia sẻ: “Chúng tôi đề nghị đại diện cơ sở phải cam kết nếu việc làm đẹp không hiệu quả thì phải hoàn tiền”.

Không dừng lại ở đó, thẩm mỹ viện này còn có dấu hiệu sử dụng thuốc, dung dịch không rõ nguồn gốc. “Một lần họ tiêm 20 mũi trên bụng mà tôi hỏi tiêm thuốc gì, có nguồn gốc xuất xứ ra sao thì họ không nói nên cảm thấy lo lắng", chị Vân kể lại.
 
Chị em chịu chi cả trăm triệu nhưng 'đánh cược' nhan sắc và tính mạng cho cơ sở thẩm mỹ
Lực lượng chức năng phát hiện nhiều dung dịch làm đẹp không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo biên bản của Công an phường Thạch Thang chiều 11/9, thời điểm kiểm tra, thẩm mỹ viện Gang Nam chưa xuất trình được giấy phép hoạt động cũng như không có đại diện pháp nhân của cơ sở. Ngoài ra, qua kiểm tra tại các phòng của cơ sở này, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều sản phẩm thuốc, dung dịch... làm đẹp không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thiết nghĩ, cả 7 cô gái nãy vẫn còn quá may mắn dù mất cả trăm triệu nhưng vẫn bảo toàn sức khỏe, tính mạng. Nếu một trong số các cô bị biến chứng, lở loét hay viêm nhiễm, chắc hẳn không thể trực tiếp 'lột mặt' thẩm mỹ viện với cơ quan chức năng.

Gần 300 triệu 'rước' về vùng ngực lở loét


Không may mắn như 7 cô gái trên, chị N.N.L. (36 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng mất hàng trăm triệu để làm đẹp nhưng rước về hậu quả nặng nề.

Chị L. tìm đến một bệnh viện thẩm mỹ ở Hà Nội, được quảng cáo là có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, kỹ thuật viên làm đẹp đến từ Hàn Quốc để phẫu thuật nâng ngực và nâng mũi. Sau khi nộp 13.000USD, chị được phẫu thuật nâng ngực kéo dài 7 tiếng đồng hồ. Hai ngày sau ca phẫu thuật, chị L. được xuất viện nhưng sức khỏe yếu, ngực sưng tấy bất thường khác xa so với tư vấn ban đầu của bác sĩ. Chưa dừng lại, một tuần sau ca phẫu thuật, ngực chị xuất hiện nhiều vết thâm tím, tại vết mổ chảy máu và lở loét không thể cắt được chỉ.

Mất mạng vì phẫu thuật gọt cằm


Cũng là nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ nhưng chị T.T.Đ (35 tuổi, quận Thủ Đức, TP.HCM) phải không chỉ mất tiền mà còn phải trả giá bằng tính mạng. Tháng 9/2017, chị Đ. tìm tới Bệnh viện thẩm mỹ Emcas (địa chỉ tại quận 10) để phẫu thuật gọt cằm.

Sau phẫu thuật, sức khỏe chị D. ổn định, bệnh nhân được rút nội khí quản, chuyển về phòng hồi sức. Tuy nhiên, khoảng 20 phút sau, bác sĩ phát hiện chị Đ bị chảy máu trong khoang miệng nên tiến hành xử lý cầm máu. Khoảng 30 phút sau, bệnh nhân đột ngột giảm ôxy máu, suy hô hấp, vùng sàn miệng phù nề nên được bác sĩ mở nội khí quản tại giường.

Trong lúc mở nội khí quản, chị D. ngưng tim nguy kịch nên được chuyển gấp tới Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng hôn mê. Sau 5 tháng được điều trị tích cực ở trong nước và ở Singapore, bệnh nhân vẫn không qua khỏi và tử vong vào tháng 2/2018.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/09/12/hon-me-sau-phau-thuat-got-cam_12092019180150.mp4[/presscloud]
Video: VTV24

Niềm tin đặt nhầm chỗ


Những nhân vật trên chỉ là số ít trong rất nhiều nạn nhân phải trả giá đắt cho những tham vọng làm đẹp viển vông bị đặt nhầm chỗ. Phẫu thuật thẩm mỹ không xấu, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ là chính đáng nhưng lại sai khi chọn mặt gửi vàng nhầm cơ sở thẩm mỹ 'chui', nhân viên không tay nghề kinh nghiệm...
 
Chị em chịu chi cả trăm triệu nhưng 'đánh cược' nhan sắc và tính mạng cho cơ sở thẩm mỹ
Chị em cần tỉnh táo lựa chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín, tránh tiền mất tật mang

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước hiện có khoảng 400 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, một nửa trong số này nằm ở TPHCM, Hà Nội cũng chiếm số lượng không nhỏ.

Theo quy định, tất cả các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có triển khai kỹ thuật y tế phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra nhiều spa, thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp hoạt động 'chui', trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau, quảng cáo tràn lan sai sự thật. Đáng nói, cơ sở thẩm mỹ phó thác nhan sắc và tính mạng khách hàng cho nhân viên thẩm mỹ không có tay nghề hoặc chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho một người nhưng người trực tiếp 'cầm dao kéo' phẫu thuật lại không hề có kinh nghiệm.

Dịch vụ thẩm mỹ nở rộ buộc các chị em phụ nữ phải có lựa chọn sáng suốt, tìm đến cơ sở thẩm mỹ uy tín với bác sĩ có tay nghề trình độ cao. Tuyệt đối không cả tin vào những quảng cáo được thổi phồng trên mạng xã hội mà tiền mất tật mang.
 
 
Hà Ly (t/h)