
Chi nhánh Vietnam Airlines tại sân bay Đà Nẵng đã liên hệ với bộ phận y tế chuẩn bị xe cứu thương và đón hành khách N.T.H. từ trên máy bay đưa thẳng tới bệnh viện. Theo một số nguồn tin, hành khách này được chẩn đoán bị vỡ túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ bên trái do chênh lệch áp suất trên máy bay.
Không có chuyện vỡ túi ngực
Chính xác là bệnh nhân bị chảy máu từ vết mổ do mới phẫu thuật và các bác sĩ phát hiện túi ngực của bệnh nhân vẫn còn nguyên vẹn.
Được biết, nữ hành khách làm phẫu thuật thẩm mỹ tại một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ở TP.HCM. Hành khách này đã lên máy bay sớm khi vết mổ chưa được chăm sóc, theo dõi, điều trị ổn định sau phẫu thuật.

Cũng theo BS Hồng, hiện nay, các loại túi nâng ngực được làm từ chất liệu dẻo, dai và bền, bên trong chứa silicon dạng gel đặc rất bền nên không thể vỡ do thay đổi áp suất khi đi máy bay, hay do chèn ép, tai nạn, chấn thương...
Thực tế, nhiều năm trước đã ghi nhận các trường hợp hành khách nghi bị nổ túi ngực khi đi máy bay, giới chuyên gia đã tiến hành mổ xẻ nguyên nhân. Tuy nhiên cho đến hiện tại, chưa có một nghiên cứu nào đưa ra nguy cơ nổ túi ngực khi đi máy bay.
Chăm sóc sau phẫu thuật đặt túi ngực
TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ, BV Xanh Pôn cho biết, bệnh nhân mới phẫu thuật đặt túi ngực trong vòng 1 tuần hay thậm chí 10 ngày vẫn có nguy cơ chảy máu ồ ạt. Nguyên nhân do bật các đốt cầm máu ở các mạch máu lớn của tuyến vú hay dưới da, gây chảy máu.
Cũng theo TS Dung, người phẫu thuật nâng ngực thường được xuất viện sau 10 ngày. Để hạn chế chảy máu sau nâng ngực, các chị em cần tuyệt đối tránh kéo nặng, bê vác nặng, thường xuyên làm các động tác giơ tay cao.
Đặc biệt, các chị em cần duy trì mặc áo ổn định phom dáng ít nhất trong 3 tuần để giúp bầu ngực ít xê dịch khi di chuyển, giảm nguy cơ chảy máu.