Hà Nội: Chuyện ông già hơn 20 năm 'không thở được' vì nhà bị bịt mất cửa

Admin
Công trình xây dựng trái phép tại ngõ 231 phố Chùa Bộc, phường Trung Liệt, Đống Đa (Hà Nội) đã tồn tại hơn 20 năm nay nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý.

“Biến” đất công thành đất riêng?

Phản ánh đến Sức khỏe Cộng đồng, ông Lê Minh Chí (cư trú tại ngõ 231 phố Chùa Bộc, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: Từ năm 1998 đến nay, gia đình ông Nguyễn Lan (cư trú tại ngách 40, ngõ 231, phố Chùa Bộc) đã lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép công trình trên đường đi ở ngõ, nơi cách nhà riêng của ông Lan chừng 50m. Công trình này đã gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Công trình này đã chiếm dụng không gian sống của nhà ông Chí, áp sát và che mất cửa sổ duy nhất của gian bếp và phòng ăn, ánh sáng và không khí không thể vào nhà khiến gia đình ông rất bí bức, ảnh hưởng không gian sinh hoạt, tổn hại sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Theo quan sát, ngay phía bên đường vào ngõ 231, phần đất giáp nhà ông Chí có một công trình với cửa cuốn bằng sắt và mái tôn. Công trình này nhô ra mặt ngõ. 

Hà Nội: Kỳ lạ một công trình xây dựng trái phép có “tuổi đời” gần 30 năm? 
Hình ảnh công trình bị tố xây dựng trái phép tại ngõ 231 phố Chùa Bộc của gia đình ông Lan.

Ông Chí cho biết: Việc chiếm dụng đất công diễn ra từ năm 1998. Lúc đó, ông Chí là Phó Giám đốc Văn phòng Tư vấn - Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 1 và ông Nguyễn Lan là cán bộ của Công ty này. Cả hai ông đều được cơ quan cho phép cải tạo nhà cấp bốn thành nhà kiên cố. Riêng ông Lan được Công ty điều chỉnh diện tích nhà ở từ 18m2 lên 38m2. 

Quá bức xúc trước hành vi công khai lấn chiếm đất công, từ ngày 10/2/1998, ông Chí đã có đơn khiếu nại gửi UBND phường Trung Liệt đề nghị chính quyền giúp đỡ giải tỏa công trình này. Liên tiếp vào tháng 5, tháng 10 và tháng 11/1998, ông liên tục có đơn thư gửi UBND phường Trung Liệt để tố cáo hành vi xây dựng trái phép của ông Lan.

Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy Lợi I cũng đã có các văn bản gửi tới cấp có thẩm quyền đề nghị chính quyền giúp đỡ giải tỏa công trình này (Công văn số 188 TVXD/TH ngày 09/6/1998 về việc “Giải tỏa lều, quán xây dựng trái phép” và Công văn số 312 TVXD/TH ngày 1/11/1998 về việc “Giải tỏa quán hàng ông Lan”).

Liên tiếp trong các năm 2003, 2017, 2018, 2019 và hiện tại 2020, ông Chí cùng gia đình đã gửi rất nhiều đơn thư trong vô vọng. Không hiểu vì lý do gì mà đến nay, đã hơn 20 năm, việc chiếm đất, xây dựng trái phép của gia đình ông Lan vẫn không bị xử lý.

Động thái “khó hiểu” của chính quyền?

Trước sự việc trên, ông Lê Minh Chí đã bày tỏ những bức xúc của mình trước động thái khó hiểu của UBND phường Trung Liệt. 
 
Hà Nội: Kỳ lạ một công trình xây dựng trái phép có “tuổi đời” gần 30 năm?
Ông Lê Minh Chí trao đổi với PV về nội dung đơn thư.

Từ khi nghỉ hưu vào năm 2001 đến nay, ông Chí có rất nhiều đơn thư tới lãnh đạo UBND phường Trung Liệt. Vậy mà vẫn không có một hồi âm chính thức nào, ngoại trừ một số lần thông báo chuyển đơn. Ngày 7/10/2019, Ban Tiếp công dân (Văn phòng HĐND, UBND quận Đống Đa) đã có Văn bản số 127/BTCD gửi UBND phường Trung Liệt về việc “Đôn đốc giải quyết đơn thư của công dân Lê Minh Chí”. Văn bản này có yêu cầu giải quyết vụ việc và báo cáo Quận ủy trước ngày 15/10/2019. Song từ đó đến nay, gia đình ông Chí không nhận được bất cứ thông báo nào từ phía chính quyền phường.

Cũng theo phản ánh của ông Chí, vào ngày 29/11/2019, công trình lấn chiếm trái phép này được cải tạo thành một nhà kho cho thuê. Cho dù ông Chí thông báo bằng điện thoại cho chủ tịch UBND phường Trung Liệt, cán bộ công an phụ trách khu vực, Tổ trưởng Tổ dân phố nhưng tất cả không có động thái can thiệp hay ngăn chặn.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Chính (cán bộ địa chính phường Trung Liệt) cho biết đây là diện tích đất công nhưng rất khó để xử lý vì khi phần diện tích đất này được trường Đại học Thủy Lợi bàn giao cho UBND phường quản lý thì hiện trạng đã có như bây giờ. “Việc này đã tồn tại đến nay là 28 năm, phường không đủ tính chất để cưỡng chế", ông Chính phân trần.

Vẫn theo ông Chính, việc cải tạo của công trình này cũng khó để kiểm soát vì: “Người dân làm kiểu năm nay xây một tý, sang năm xây một tý, không thể kiểm tra được”.

Sức khỏe Cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin...

Liên Nguyễn – Nguyễn Hạnh