Hải Dương: Dự án Khu du lịch 15 năm không xong, người dân khiếu nại liên miên

Không chấp nhận phương án bồi thường tại dự án Khu du lịch dịch vụ và khu đô thị Hồ Mật Sơn, người dân đã nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Báo Sức khỏe & Cộng đồng nhận được đơn của các hộ dân thuộc Khu dân cư Trần Hưng Đạo – phường Sao Đỏ - Thành phố Chí Linh – tỉnh Hải Dương phản ánh về công tác điều tra nguồn gốc đất, công tác kiểm đếm cũng như thống kê tài sản gắn liền với đất tại địa phương có nhiều bất thường.
 
Theo phản ánh, những hộ dân này có đất thuộc diện phải thu hồi cho dự án Khu du lịch, dịch vụ và khu đô thị Hồ Mật Sơn tại Chí Linh - Hải Dương từ năm 2004. Đây là một trong những dự án chậm tiến độ GPMB nhất của tỉnh Hải Dương mà nguyên nhân là chính quyền địa phương với các hộ dân bị thu hồi đất chưa có được sự đồng thuận. Dự án này cũng bị người dân đặt dấu hỏi về tính minh bạch.
 
Trong đơn, bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết bà là một trong số hơn 10 hộ dân còn lại chưa chấp nhận phương án bồi thường. Bà Tuyết sẵn sàng bàn giao đất khi nào chính quyền địa phương trả lời và đưa ra các lập luận có tính chất pháp lý trong việc thu hồi đất của gia đình. Theo bà Tuyết diện tích đất của gia đình bị thu hồi không được minh bạch. Việc xác định nguồn gốc đất của gia đình chưa thỏa đáng dẫn đến các quyền lợi của mình bị ảnh hưởng rất lớn.
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết thửa đất mà gia đình bà đang sinh sống là của bố chồng (ông Nguyễn Đức Luyện) khai hoang. Năm 1985, UBND thị trấn Sao Đỏ xác nhận diện tích đất đó là của ông Luyện. Đến năm 1990, ông Luyện chuyển nhượng cho con trai là Nguyễn Đức Hiền (chồng bà Tuyết). Thửa đất này được đăng ký quyền sử dụng tại bản đồ địa chính năm 1993 bao gồm 3 thửa. Bà lấy chồng và về đây sinh sống trên mảnh đất từ năm 1980. Chính quyền địa phương cũng đã xác nhận gia đình sinh sống hợp pháp tại đất của cha chồng chuyển nhượng.

Hai-Duong-Ly-do-nao-khien-nhieu-ho-dan-khong-chap-nhan-phuong-an-boi-thuong-

Bà Tuyết chỉ khu đất sẽ bị thu hồi.

Đến tháng 6/2018, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chí Linh Nguyễn Văn Cương ký Quyết định thu hồi 2.071,4 m2 đất của gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết, trong đó chỉ công nhận 120m2 đất ở, 137 m2 đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) thuộc thửa đất số 253; 654 m2 đất nông nghiệp tại thửa đất số 254 ;315 m2 đất tại thửa đất số 255. Như vậy, 1.249,4m2 đất được xác định là đất nông nghiệp được sử dụng sau ngày 15/10/1993, trước ngày 1/7/2004 đã không được đo đạc hiện trạng diện tích theo tờ bản đồ năm 1993; cũng như 226m2 đất nông nghiệp sử dụng sau ngày 1/7/2004.
 
Theo bà Tuyết, điều này rất khó hiểu và là nguyên nhân khiến quyền lợi của gia đình bà bị thiệt thòi. Bà đã đưa ra những tài liệu liên quan đến việc chứng nhận đất và diện tích đất của gia đình được khai hoang, lập thổ từ trước khi chị về làm dâu. Căn cứ vào các giấy tờ, chính quyền địa phương xác nhận đất ở trong phần điện tích bị thu hồi 654m2 là đất thổ cư. Nhưng điều vô lý là khi ra quyết định thu hồi đất, quyết định hỗ trợ hoa màu, vật kiến trúc UBND thị xã Chí Linh chỉ xác định đất ở là 120m2 đất. Như vậy, hơn 400m2 đất thổ cư bị biến thành đất nông nghiệp, để áp dụng mức giá bồi thường thấp hơn.

      Hai-Duong-Ly-do-nao-khien-nhieu-ho-dan-khong-chap-nhan-phuong-an-boi-thuong-

Bà Tuyết cũng cho biết, dự án đã có từ năm 2004, được UBND thị xã Chí Linh ra 2 Quyết định số 462 và 463 về việc thu hồi đất và phê duyệt phương án quyết định hỗ trợ GPMB cho chính gia đình mình, nhưng phải đến ngày 06/7/2018 gia đình mới nhận được 2 quyết định trên. UBND thị xã Chí Linh, Hội đồng GPMB đã đo đạc, kiểm đếm nhưng gia đình bà không hề nhận được bất cứ thông báo kiểm đếm nào. Từ đó, bà Tuyết cho rằng văn bản thu hồi đất được áp dụng với gia đình bà là thiếu cơ sở pháp lý, thiếu tính dân chủ, cũng như các quyền của công dân. Do đó, bà Tuyết đã không chấp nhận phương án hỗ trợ của Hội đồng GPMB xác lập và làm đơn yêu cầu các đơn vị chức năng cần làm rõ bảo vệ các quyền lợi chính đáng của gia đình bà.
 
Bà Tuyết cho biết thêm, sau nhiều năm sử dụng, căn nhà nơi gia đình ăn ở đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Bà Tuyết đã làm đơn gửi UBND thị trấn Sao Đỏ (nay là phường Sao Đỏ) xin cho đập bỏ nhà cũ dột nát, để xây dựng lại cho chắc chắn hơn, đồng thời xin phép được xây dựng theo kiểu nhà nhiều gian phòng với mục đích làm nhà trọ cho thuê, tạo điều kiện có thêm thu nhập. Nhưng UBND phường Sao Đỏ đã không đồng ý. Dù bà Tuyết đã liên tục làm đơn được dựng căn nhà cấp 4, khi mà mỗi khi mưa giông, chị phải cùng 2 con chạy sang hàng xóm ngủ nhờ. Bà Tuyết không rõ lý do gì mà chính quyền địa phương gây khó khăn cho mình.
 
Bà Tuyết cho biết, gia đình bà bị thu hồi toàn bộ đất ở và đất vườn, không còn nơi ở nào khác, gia đình gồm 2 hộ tách biệt. Nếu bị thu hồi đất thì không có nhà ở, không có nơi nương thân nhưng trong phương án bồi thường hỗ trợ không bố trí tái định cư cho gia đình theo quy định pháp luật.
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoài Bắc (Chủ tịch UBND phường Sao Đỏ) cho biết, dự án kéo dài vì những khó khăn trong việc xác định lịch sử nguồn gốc của từng thửa đất để thông qua đó áp dụng vào từng điều luật cụ thể và điều quan trọng nhất là áp dụng chính sách luật pháp sao cho có lợi nhất đối với người dân. Đối với gia đình chị Tuyết, chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm của chính quyền cơ sở.
 
Khi được hỏi UBND TP Chí Linh đã công nhận đất của gia đình bà Tuyết là đất ở, vậy tại sao sau đó tại Biên bản xét duyệt của hội đồng đăng ký đất đai do chính phường Sao Đỏ lập lại chỉ công nhân đất ở là 120m2 ? Ông Bắc không trả lời mà đề nghị PV liên hệ cơ quan cấp trên.
 
Luật sư Nguyễn Thị Hòa (Đoàn Luật sư Tp Hải Phòng) cho biết: Nghị định số 43NĐ-CP năm 2014 quy định: Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Luật đất đai 2013 gồm: Sổ mục kê, số kiến điền lập trước ngày 15/12/1980; Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người sử dụng đất là hợp pháp. Luật Đất đai quy định Hộ gia đình, cá nhân khi bị Nhà nước thu hồi đất vườn, ao trong cùng 1 thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng không công nhận là đất ở, có đủ điều kiện được bồi thường về đất theo đúng quy định thì ngoài bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng mục đích sử dụng còn được hỗ trợ bằng tiền. Đối với đất hình thành trước 15/10/1993, sẽ được bồi thường bằng 50% đất ở vị trí liền kề. Đối với đất hình thành từ 15/10/1993, đến trước 01/7/2004, được hỗ trợ bằng 25% đối với giá đất ở vị trí liền kề.

 Báo Sức khỏe & Cộng đồng sẽ tiếp tục, tìm hiểu thông tin sự việc để gửi đến với bạn đọc.        

Tuấn Anh

Xem thêm: Người đàn ông bị chém chết tức tưởi chỉ vì câu nói vu vơ… “giang hồ phải ngồi quan sát”