KCN Yên Phong II-C Bắc Ninh: Chính quyền nói làm đúng, dân kêu 'đền bù quá bèo bọt'?

Trước đó, như đã phản ánh về tình trạng hàng trăm hộ dân ở thôn Trác Bút, thị trấn Chờ (H.Yên Phong, Bắc Ninh) ‘kêu trời’ vì mức đền bù quá thấp.
Trước đó, như đã phản ánh về tình trạng hàng trăm hộ dân ở thôn Trác Bút, thị trấn Chờ (H.Yên Phong, Bắc Ninh) ‘kêu trời’ vì mức đền bù quá thấp. Dù chính quyền đã đối thoại với dân để bàn giải pháp thích hợp nhất, tuy nhiên đến thời điểm này người dân vẫn còn quá nhiều trăn trở.
 
Lãnh đạo các cấp huyện và thị trấn đối thoại cùng bà con thôn Trác Bút.
 
Theo đó, dự án Khu công Nghiệp Yên Phong II-C có diện tích 219,22ha nằm tại các xã: Đông Tiến, Tam Giang, thuộc địa phận thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư, có tổng vốn là 2.234 tỷ đồng (trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 357,4 tỷ đồng, vốn vay là 558,5 tỷ đồng và vốn khác là 1.318 tỷ đồng). Thời gian hoạt động khu công nghiệp là 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư, hiện tại dự án đang đi vào giai đoạn thi công.
 
Vì còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết dẫn tới tình trạng dự án bị chậm nên mới đây nhất, ngày 6/1/2019, lãnh đạo các cấp huyện, thị trấn cùng cấp xã đã có buổi đối thoại với các hộ dân thôn Trác Bút. Trong suốt buổi đối thoại, 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung do ách tắc trong khâu đền bù. Chính quyền đã có nhiều biện pháp để tháo gỡ, song vẫn chưa giải quyết được dứt điểm những kiến nghị của người dân. Theo các hộ dân, khoản tiền đền bù bình quân 158 triệu đồng/1sào như hiện tại là quá thấp.
 
Bà Mẫn Thị Phương, một trong số hàng trăm hộ dân thôn Trác Bút tỏ rõ sự bức xúc: "Người dân chúng tôi đều thống nhất chủ trương việc thu hồi đất để phục vụ xây dựng dự án KCN Yên Phong II-C, nhưng với mức hỗ trợ như thế thì thấp quá. Mức giá này đã được đưa ra cách đây 5 năm rồi và cũng không được dân đồng ý, đến thời điểm hiện tại mà mức giá này vẫn giữ nguyên thì chúng tôi đồng ý làm sao được, bởi thời buổi kinh tế thị trường, đồng tiền mất giá, cái gì cũng tăng cao, làm sao có thể mua được đất để canh tác, sản xuất, chứ nói gì là đất ở. Hiện tại chỉ có một vài hộ đã nhận tiền đền bù, chủ yếu là những gia đình có ruộng đã bán. Các hộ ở đây đều nghèo khó, chứ khá giả thì lâu nay việc gì chúng tôi phải sống ở đây. Chính vì vậy nên chúng tôi yêu cầu chính quyền các cấp đưa ra giải pháp đền bù hợp lý cho người dân".
 
Bà Mẫn Thị Phương bức xúc bày tỏ những quan điểm mà toàn thể người dân thôn Trác Bút mong muốn các cấp chính quyền giải quyết dứt điểm.
 
Cùng nói về vấn đề này tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Hoàng đặt ra nhiều dấu hỏi: "Việc thu hồi đất của bà con thôn Trác Bút, các cấp chính quyền đã làm đúng hay chưa? Nếu làm đúng thì tại sao lại chỉ có một cuộc họp duy nhất với dân vào ngày 23/5, sau đó thì không có cuộc họp khác nào?Trong buổi họp với dân ngày hôm đó, chúng tôi không đồng ý mức giá đền bù 158 triệu/1sào. Tại sao chúng tôi vẫn nhận được thông báo nếu không nhận tiền thì sẽ lập biên bản? Qua cách hành xử cũng như cách ép dân nhận tiền của chính quyền các cấp như vậy khiến chúng tôi vô cùng bức xức, chúng tôi yêu cầu các cấp chính quyền đưa ra mức đền bù thỏa đáng cho bà con".
 
Không chỉ có ý kiến của ông Hoàng, bà Phương mà còn rất nhiều hộ dân khác bức xúc về vấn đề này, họ yêu cầu đưa ra mức giá phù hợp. "Chúng tôi sẽ làm tới cùng, chúng tôi không chịu mức giá 158 triệu/1sào, bởi mức giá này quá thấp, không những vậy, nếu bán hết đất thì chúng tôi sẽ lấy gì để sống những năm tháng tiếp theo? Đáng lo ngại hơn là việc khi KCN đi vào hoạt động thì chúng tôi có được làm việc tại đây hay không, chúng tôi được hưởng những gì dự án này?", ông T. người dân thôn Trác Bút bày tỏ quan điểm.
 
Trả lời bà con thôn Trác Bút tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Tài Nguyên Môi Trường huyện Yên Phong nhấn mạnh: "Về tất cả những nội dung bà con nêu, chúng tôi đã làm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Sau khi có chủ trương và sự đồng ý của UBND tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi sẽ thu hồi đất để phục vụ dự án KCN Yên Phong II-C theo đúng tiến độ. Pháp luật yêu cầu chúng tôi phải triển khai dự án chứ không phải việc dân không đồng ý mà chúng tôi phải nghe theo".
 
Tuy nhiên, chưa trả lời xong, ông Hòa đã bị bà con phản ứng mạnh, cho rằng ông Hòa trả lời như vậy là hoàn toàn sai. Bởi lẽ đó là tài sản của bà con, chính quyền quyết định thành lập KCN tại đây thì vẫn phải có sự nhất trí, đồng thuận của bà con nhân dân, chứ không có chuyện dân không đồng ý vẫn thực hiện.
 
Người dân thôn Trác Bút vẫn còn quá nhiều trăn trở về vấn đề này.
 
Qua cuộc đối thoại căng thẳng kéo dài, ông Nguyễn Duy Phúc - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Phong cho rằng: "Chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của người dân. Chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý và có văn bản trả lời bà con vào một ngày gần nhất. Tuy nhiên vẫn phải nói rằng đất này là nhà nước thu hồi để phát triển kinh tế nên không có sự thỏa thuận ở đây. Mức giá này chúng tôi đã làm đúng theo chủ trương. Nếu nâng mức giá cao hơn thì doanh nghiệp sẽ không vào đầu tư tại đây. Không đầu tư đồng nghĩa với việc Bắc Ninh sẽ không phát triển được. Bắc Ninh đang cố gắng để trong năm 2020 sẽ trở thành TP trực thuộc Trung ương".
 
Cũng theo ông Phúc, nhà đầu tư đã phải ứng tiền ra trước để giải phóng mặt bằng và số tiền đó sẽ được trừ vào tiền thuê đất của doanh nghiệp hàng năm. "Chúng tôi làm hoàn toàn đúng theo pháp luật. Nếu chúng tôi làm sai chúng tôi sẽ kiểm điểm và chịu hoàn toàn trách nhiệm", ông Phúc nhấn mạnh.
 
Ông Phúc cũng xin lỗi toàn bộ bà con tại thôn Trác Bút trước sự việc làm không đúng của cấp dưới về việc đưa các văn bản, giấy tờ cho bà con vào buổi tối mà không đưa ban ngày gây ra sự hiểu lầm. Ông Phúc hứa sẽ báo cáo lãnh đạo cấp trên về nội dung này và sẽ có văn bản trả lời bà con trong thời gian sớm nhất.
 
KCN Yên Phong II-C thuộc địa phận thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đã mang đến cho người dân tỉnh Bắc Ninh cuộc khiếu nại tranh chấp kéo dài suốt nhiều năm nay.
 
Báo Sức khỏe Cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin...
 
Minh Quang