Người dân cho rằng đất nông nghiệp của họ bị thu hồi theo một nghị định nhưng lại được chi trả chế độ bồi thường theo một nghị định khác là không hợp lý.
Nhiều hộ dân thôn Trần Xã (Yên Trung, Yên Phong, Bắc Ninh) gửi đơn đến Báo Sức khỏe cộng đồng gửi cho rằng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) của chính quyền địa phương khi thu hồi đất nông nghiệp của họ là không thỏa đáng. Người dân đã nộp đơn khiếu kiện nhiều nơi và nhiều năm, dự án đình trệ, ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế và cuộc sống của nhiều hộ gia đình.
Các hộ dân thôn Trần Xá bức xúc cho rằng chính quyền chi trả quyền lợi cho người mất đất không thỏa đáng.
Theo trình bày, từ năm 2006 thì UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định và bắt đầu cho thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân thôn Trần Xá để giao cho Tổng công ty
Viglacera (Viglacera) xây dựng
KCN Yên Phong. Nhưng mãi đến 2 năm sau, Viglacera mới có phương án bồi thường hỗ trợ cho người dân.
Người dân cho rằng vì Viglacera không đủ nguồn lực để bồi thường 1 lần cho tất cả các diện tích bị thu hồi nên phải chia ra thành 6 đợt lớn và nhiều đợt nhỏ khác nhau. Vì thời gian chi trả chế độ bồi thường kéo dài dẫn đến chính sách thay đổi, từ khi Nghị định 84/2007/NĐ-CP chưa hết hiệu lực cho đến lúc Nghị định 69/2009/NĐ-CP ra đời.
Điều này dẫn đến việc những hộ dân được chi trả chế độ BTGPMB trước tháng 10/2009 khi Nghị định 69 chưa có hiệu lực thì được nhận đất dân cư dịch vụ (10% diện tích thu hồi), những hộ dân được chi trả chế độ BTGPMB sau thời điểm này thì chỉ được nhận tiền mặt.
Dân khiếu kiện, dự án "chết lâm sàng".
Những hộ dân không được hỗ trợ đất dân cư dịch vụ cho rằng phương án bồi thường không thỏa đáng vì đất nông nghiệp của họ thực tế đã bị thu hồi trước khi Nghị định 69 ra đời. Họ cho rằng nhà nước thu hồi đất của dân ở thời điểm nào thì phải áp dụng chính sách hỗ trợ GPMB ở thời điểm đó, vì vậy họ phải được chi trả quyền lợi về diện tích đất dân cư dịch vụ.
Ông Phạm Văn Mạnh (74 tuổi) cho biết gia đình ông bị thu hồi trên 2.000m2 cho dự án KCN Yên Phong, hơn 800m2 cho dự án dân cư dịch vụ 10%. Nhưng ông chỉ được xã duyệt 1 lô 100m2. Theo quy định, gia đình ông phải được 200m2. Đến nay ông cũng chưa được đền bù phần thu hồi 800m2 nhưng xã vẫn san lấp.
Cũng theo ông Mạnh, đất của ông và các hộ gia đình được bồi thường sau 1/10/2009 nhưng bị thu hồi từ trước đó thì phải được hưởng quyền lợi áp dụng phương án bồi thường hỗ trợ theo Nghị định 84 (tức quy định cũ), không thể áp dụng theo phương án mới. Ngoài ông Mạnh, còn có gia đình ông Đinh Văn Viết bị mất 3700m2 cho Yên Phong, 500m2 cho đất dịch vụ. Xã chỉ đồng ý trả 200m2. Ông Mạnh cũng chưa nhận đền bù.
PV đã làm việc với UBND huyện Yên Phong. Theo đại diện UBND huyện này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có kết luận liên quan đến đơn thư khiếu kiện của người dân nên UBND huyện không giải quyết nữa nếu không có chỉ đạo từ tỉnh.
Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bắc Ninh, thời điểm UBND tỉnh
Bắc Ninh ra quyết định thu hồi đất tổng thể để phục vụ việc xây dựng KCN Yên Phong thì Nghị định 84/2007/NĐ-CP chưa hết hiệu lực. Tuy nhiên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được chia làm nhiều đợt. Vì vậy các phần đất nhận bồi thường trước tháng 10/2009 thì vẫn được hỗ trợ đất dân cư dịch vụ theo Nghị định 84, các diện tích nhận bồi thường sau khi Nghị định 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 thì chỉ được nhận tiền mặt.
Tuy nhiên người dân thôn Trần Xá vẫn cho rằng, cách giải thích như thế là không thỏa đáng. Bởi lẽ, nhà nước đã có quyết định phê duyệt dự án và thu hồi đất thì tính từ thời điểm đó người dân đã bị mất đất, không còn canh tác sản xuất được nữa. Việc ra văn bản thu hồi từng phần và bồi thường chậm trễ là do năng lực của chủ đầu tư phải cắt ra nhiều giai đoạn. "Chính sách bồi thường đất đai trong 1 dự án không thể khác nhau vô lý như vậy." - Một người dân thôn Trần Xa chia sẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề này, năm 2009, UBND xã Yên Trung đã lập dự án đất dân cư dịch vụ để chi trả cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ xây dựng dự án KCN Yên Phong. Dự án có 455 lô đất, tuy nhiên xã chỉ bàn giao 290 lô cho các hộ dân được hưởng theo Nghị định 84, 165 lô còn lại dự kiến sẽ đấu giá. Các hộ được giao đất phải tạm nộp 300 triệu đồng/1 lô để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Vì bị người dân phản đối, đã hơn 10 năm trôi qua nhưng dự án đất dân cư dịch vụ này vẫn đang “chết lâm sàng”, ngổn ngang, nhiều hạng mục chưa hoàn thiện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế và đời sống của người dân.
Sự việc người dân cho rằng chính quyền bồi thường GPMB không thỏa đáng dẫn đến khiếu kiện kéo dài, chính quyền địa phương cần có giải pháp để ổn định cuộc sống, đảm bảo sinh kế cho người dân.
Thanh Bá - Tiến Trần
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/02/15/duanthanhnien_15022020192412.mp4[/presscloud]