Hiện tại, hai vợ chồng chị Hương đang ở trọ, nuôi 2 con một bé 5 tuổi, một bé đang học lớp 2. Do làm ca kíp thường xuyên nên anh chị gửi 2 bé về quê cho ông bà nội chăm sóc từ khi 3 tuổi. Mỗi tháng, vợ chồng lại về quê thăm con 1-2 lần.

Dù phải sống xa con nhưng được cái học phí các bé ở quê thấp hơn rất nhiều so với trên thành phố. Nhà gần trường học nên ông bà đưa đón cũng tiện. Bé thứ hai học mầm non, ăn trưa tại trường nên sáng tối ông bà đưa đi đón về. Bé lớn đang học cấp 1 nên trưa về ăn cơm, nghỉ ngơi rồi chiều lại đi học tiếp. Mỗi tháng, vợ chồng chị Hương gửi về 5 triệu để ông bà lo tiền ăn, học cho các con là thoải mái.
Vì suy tính sau này sẽ về quê mở cửa hàng buôn bán nên anh chị không nghĩ đến việc mua nhà trên này mà chỉ chăm lo tiết kiệm. Nhà ở thuê, tiền lương không cao nhưng mỗi tháng chị Hương vẫn để dành tiền, phân riêng ra 3 sổ tiết kiệm rõ ràng.
Theo chị Hương, 1 sổ anh chị tích lũy sau này về quê làm ăn, 2 sổ dành cho 2 con gái. Mỗi tháng nhận lương, vợ chồng chị đều cất luôn đi khoản tiền cần để ra để tránh tiêu "quá tay". Được cái, anh chỉ phần lớn thời gian đều đi làm ở công ty lại ăn một bữa ở chỗ làm nên cũng hạn chế được chi phí.


Theo đó, tiền chi tiêu cụ thể của 2 vợ chồng chị Hương trong 1 tháng như sau:
Tiền nhà: 1.2 triệu
Tiền điện nước: 500k
Tiền xăng xe: 300k
Tiền ăn: 2 triệu
Tiền gửi về quê nuôi con: 5 triệu
Tiền đối nội đối ngoại 2 bên: 1 triệu
Như vậy, với tổng thu nhập 18 triệu/tháng, mỗi tháng 2 vợ chồng chị để ra được 8 triệu, chia 4 triệu cho sổ tích lũy chung, mỗi sổ của con gái là 2 triệu. Sau 5 năm kiên trì, hiện tại 2 cuốn sổ tiết kiệm của 2 con chị Hương đã có 120 triệu/cuốn (chưa kể lãi) và sổ của vợ chồng để dành làm ăn là 240 triệu (chưa kể lãi).
Theo Thùy Nguyễn/SKCĐ