Những thành phần của mướp đắng tốt cho thai kỳ
Mướp đắng chứa nhiều dưỡng chất như phốt pho, mangan, kẽm và magiê,... đồng thời rất giàu các loại vitamin B1, B2, B3, vitamin C và là một nguồn phong phú của can-xi, sắt và beta-caroten.

Các chuyên gia chỉ ra, trong quả mướp đắng chứa folate hàm lượng cao. Folate là một thành phần dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong thai kỳ, có tác dụng ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Mướp đắng có thể đáp ứng 25% nhu cầu folate hàng ngày của mẹ bầu.
Mướp đắng rất giàu chất xơ, có tính thanh nhiệt có tác dụng rất tốt trong ngăn ngừa táo bón và trĩ. Đặc biệt với bà bầu là những đối tượng thường gặp vấn đề về hệ tiêu hóa như trĩ hay táo bón.
Mướp đắng được biết đến là "thần dược" chữa tiểu đường. Thành phần charatin trong mướp đắng có tác dụng kiểm soát đường huyết không chỉ hiệu quả với người mắc bệnh tiểu đường mạn tính mà cả với tiểu đường thai kỳ.
Ngoài ra, mướp đắng rất giàu kẽm, mangan, kali, sắt và các loại vitamin rất cần thiết cho bà bầu.
Mang thai tháng thứ 4 có được ăn mướp đắng không?
Rất nhiều mẹ bầu chia sẻ khi đang mang thai mà thèm ăn canh mướp đắng nhồi thịt. Dù vậy nhiều người không dám ăn vì lo sợ ảnh hưởng tới thai nhi.
Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà, phó khoa sản A, bệnh viện Từ Dũ TP.HCM hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học đầy đủ nào chứng minh ăn mướp đắng có hại cho thai kỳ. Tuy nhiên, người ta chỉ ra một số vấn đề có thể gặp phải khi ăn mướp đắng, đặc biệt với bà bầu.
Đầy hơi, ợ nóng
Ăn quá nhiều mướp đắng có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, đau bụng, ợ nóng… Đáng nói, đây là các triệu chứng rất phổ biến ở phụ nữ mang thai, không bà bầu nào muốn trải qua cảm giác khó chịu này.

Gây ngộ độc
Dù chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng mướp đắng có các thành phần gây ngộ độc cao như quinine, saponic glycosides và morodicine. Nếu ăn quá nhiều có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc như nôn ói, mờ mắt, nổi mẩn đỏ, tiêu chảy…
Nguy cơ sảy thai, sinh non
Một nghiên cứu thử nghiệm trên chuột cho thấy ăn mướp đắng khi mang thai cũng có thể kích thích co thắt tử cung, dễ dẫn tới nguy cơ sinh non, sảy thai, thậm chí là đột biến gene ở thai nhi.
Dựa trên những cơ sở này, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều mướp đắng. Đặc biệt trong những tháng đầu thai kỳ, thai nhi cần ổn định trong buồng tử cung vì vậy cần tránh các thực phẩm gây co thắt tử cung.
Hiện chưa có công trình nghiên cứu nào chỉ ra mang thai tháng thứ mấy được ăn hay không được ăn mướp đắng. Cách tốt nhất là bà bầu trong những tháng đầu thai kỳ không nên ăn. Kể từ giai đoạn tam nguyệt cá thứ hai có thể ăn mướp đắng với lượng vừa phải, vì giai đoạn này nguy cơ sảy thai đã không còn. Sau khi ăn nếu có bất cứ hiện tượng bất thường nào cần tới ngay cơ sở y tế.