Vậy là chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, các bạn học sinh sinh năm 2004 (2k4) sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2022. Để cổ vũ, động viên cũng như gợi ý chút bí quyết ôn thi hiệu quả do bản thân tích góp được cho các bạn học sinh đang bước dần vào giai đoạn "nước rút", mới đây, nữ MC của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" - người từng được biết đến với biệt danh "hot girl 7 thứ tiếng" cùng thành tích học tập "không phải dạng vừa" đã có những chia sẻ đầy tâm huyết.
Theo Khánh Vy, có 5 điều các sĩ tử cần lưu ý để tránh rơi rớt kiến thức hay tinh thần trong giai đoạn căng thẳng trước kì thi quan trọng:
1. Yêu sách giáo khoa
Cho dù nguồn tài nguyên trên mạng có nhiều cỡ nào thì SGK vẫn luôn là nguồn tài liệu phục vụ ôn thi tốt nhất. Bởi đây cũng là nơi tập hợp đầy đủ và chi tiết các kiến thức cơ bản, định nghĩa và kỹ năng cần thiết cho kì thi quan trọng sắp tới. Không nên lan man, ôm đồm quá nhiều làm gì, chỉ cần nắm vững những kiến thức căn bản trong sách trước đã. Làm sao để học đến đâu, hiểu đến đó, ăn chắc điểm phần đó là quá tuyệt rồi.
2. Ghi nhớ có hệ thống
Việc học nhiều môn sẽ khiến cho lượng kiến thức dễ bị lẫn lộn vào với nhau, lúc nhớ lúc quên. Vậy nên nếu chỉ hy vọng vào việc nhìn vào sách giáo khoa và học thuộc làu làu thì chỉ có số ít làm được điều đó mà thui. Hãy tham khảo thử một số cách sau đây nhé:
- Sử dụng sơ đồ tư duy - Mind-mapping
Cực kỳ hiệu quả trong việc hệ thống và tóm gọn kiến thức, chú trọng vào từ khóa để chúng ta có kỹ năng nhớ và tư duy logic hơn. Bí kíp là các bạn có thể hệ thống kiến thức vào một tờ giấy và dán/treo lên tường, ở góc học tập, để bạn có thể nhìn vào bất cứ lúc nào, và hình dung được rõ ràng hơn, theo một cách có hệ thống. Hiện tại, có rất nhiều ứng dụng công nghệ có thể dùng cho việc vẽ sơ đồ tư duy, ví dụ như iMindMap. Hoặc đơn giản hơn là bạn vẽ trong một quyển sổ và mở quyển sổ đó ra nhìn và lướt qua, đọc lại mỗi ngày.
- Soạn dàn ý
Cũng là một cách tóm gọn kiến thức. Nhưng thay vì vẽ sơ đồ thì chúng mình viết ra thành những phần nhỏ tương ứng với những kiến thức trong sách. Biến tấu câu cú, chữ nghĩa trong sách thành lời văn của mình sao cho thật ngắn gọn. Hệ thống hoá từ mục lớn đến mục nhỏ (VD: Phần 1…. trong đó 1.1: Định nghĩa…. 1.2: Công thức…). Các này có thể thực hiện khi bạn đang ôn hoặc là đã học thuộc xong hết rồi và muốn tự mình kiểm tra lại kiến thức.
3. Luyện đề thi thử
Đến giai đoạn nước rút thì chắc chắn là chúng ta đã nhớ hầu hết các kiến thức cơ bản rồi. Cố gắng luyện đề thi thử càng nhiều càng tốt, hẹn giờ làm y chang như là thời gian đang ngồi trong phòng thi ý. Làm càng nhiều thì chúng ta sẽ càng vỡ ra là mình đang yếu ở đâu, thiếu ở đâu, phần kiến thức nào còn chưa rõ. Hãy tham khảo 1 số đề thi những năm gần nhất nữa để quen hơn với mô típ đề, dạng bài cũng như luyện cách phân bố thời gian cho từng phần hợp lý.
4. Ôn lại trước khi đi ngủ
Hãy dành ra 10 - 15 phút trước khi đi ngủ để hệ thống hoá, nhẩm lại những kiến thức đã ôn được trong ngày. Tự đặt cho bản thân những câu hỏi như là “Khái niệm của cái này là gì?”... như 1 cách để kích thích bộ não rà soát, nhắc lại. Còn không thì cứ mở vở, mở sơ đồ ra đọc lại một lần nữa từ đầu đến cuối. Sắp ngủ rồi nên đừng bắt bản thân phải học thêm gì nữa, ôn lại rồi đóng vở đi ngủ thế là xong rùi.
5. Đảm bảo sức khoẻ ôn thi
Cứ có sức khoẻ thì làm gì cũng được, học bao hiệu quả lun.
- Học ngắt quãng, tương tự như thời gian trên lớp học 1 tiết rồi ra chơi 5 phút vậy. Tránh học liền tù tì mấy tiếng đồng hồ, vừa mệt vừa oải lại khó vào lắm nha.
- Phân chia thời gian học và nghỉ ngơi hợp lý. Không nên quá tạo áp lực cho bản thân mà bỏ ăn bỏ ngủ để học bài nhá. Vẫn ưu tiên ngày ngủ đủ 8 tiếng, ăn đủ từ 2-3 bữa và bổ sung nước cũng như vitamin c để tăng phần tỉnh táo.
- Áp dụng các bài tập thể dục ngắn để giãn cơ, tinh thần thoải mái hơn.
Với những bí quyết nhỏ do Khánh Vy chia sẻ, hi vọng các sĩ tử sẽ ôn luyện thật tốt và đạt được kết quả như ý!