Các giai đoạn chuyển dạ
Chuyển dạ là một quá trình sinh lý để đưa thai nhi và toàn bộ phần phụ của thai (gồm bánh nhau, màng ối và dây rốn) ra khỏi tử cung của mẹ. Đặc trưng của quá trình chuyển dạ là những cơn gò tử cung và sự xóa mở cổ tử cung nhằm đẩy thai ra ngoài.
Quá trình chuyển dạ phụ thuộc vào nhiều yếu tố của cơ địa từng người như lực co bóp của cơn gò, ống sinh dục, tiểu khung chậu của mẹ hay ngôi thai, kích thước đầu thai.
Tuy nhiên thông thường sản phụ sinh con so (sinh con lần đầu) thời gian chuyển dạ thường dài hơn do cổ tử cung mở chậm hơn và tầng sinh môn còn rắn chắc, thời gian trung bình là 16 đến 24. Sản phụ sinh con rạ có thời gian chuyển rạ nhanh hơn chỉ 8 đến 16 tiếng.

Toàn bộ quá trình chuyển dạ gồm 3 giai đoạn:
1. Xóa mở cổ tử cung: Được tính từ lúc xuất hiện cơn gò đầu tiên đến khi cổ tử cung mở trọn.
2. Giai đoạn sổ thai: Được tính từ lúc cổ tử cung mở trọn đến khi thai nhi được sổ hoàn toàn ra ngoài. Áp suất của trong buồng tử cung tăng lên qua mỗi cơn gò cùng với lực rặn đẩy thai nhi ra ngoài.
3. Giai đoạn sổ nhau: Được tính từ lúc thai nhi được sổ ra ngoài đến khi phần phụ cũng được sổ hoàn toàn ra ngoài. Quá trình này bao gồm bước tróc nhau và tống suất nhau.
Ngay sau khi thai nhi được sổ ra ngoài, tử cung người mẹ lập tức co nhỏ lại, làm nhau chùn lại và bong tróc ra. Lúc này các cơn gò tử cung vẫn tiếp diễn tác động đẩy bánh nhau xuống âm đạo và sổ ra ngoài.
Các dấu hiệu nhận biết chuyển dạ
Trước khi sinh khoảng vài ngày đến 1 tuần, cơ thể mẹ đã có một số thay đổi là dấu hiệu nhận biết chuyển dạ.
Vòng bụng nhỏ lại, sụt cân nhẹ
Nếu như các tháng trước bụng bầu to lên nhanh chóng thì gần cuối thai kỳ, mẹ bầu có thể thấy bụng không tăng thêm hay thậm chí nhỏ lại bất thường. Đồng thời, cân nặng của người mẹ cũng ít thay đổi hay giảm nhẹ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do thai sắp đủ ngày, lượng nước ối trong bào thai giảm dần chuẩn bị cho quá trình sinh nở.

Buồn tiểu liên tục
Đi tiểu nhiều là biểu hiện thường xuyên trong suốt thai kỳ nhưng thời điểm gần sinh, tần suất đi tiểu của mẹ bầu có thể dầy đặc hơn nữa. Nguyên nhân do đầu của thai nhi quay xuống khung chậu, chèn éo vào các tạng xung quanh trong đó có bàng quang. Khi đó mẹ bầu sẽ thấy bụng dưới của mình nặng nề hơn trong khi phần bụng trên lại khá nhẹ nhàng. Bà bầu sẽ đi tiểu nhiều hơn những tháng trước đó.
Khi nhận thấy hiện tượng mẹ bầu biết rằng con đã quay đầu, có thể sinh thường qua ngả âm đạo. Với thai nhi “ngôi ngược”, sẽ không có dấu hiệu này.
Cơn gò tử cung rải rác
Từ tuần 30 đến 37, mẹ bầu đã có thể cảm nhận được những cơn gò tử cung rải rác. Đó là những cơn gồng cơ lan tỏa khắp bụng, gây cảm giác đau nhẹ hay trằn trọc khó ở.
Cơn gò có thể xuất hiện khi mẹ cử động, di chuyển mạnh hay bé xoay trở. Các cơn gò nhẹ chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn dưới 10 phút và biến mất và đặc biệt không làm thay đổi độ xóa mở cổ tử cung. Các mẹ lưu ý điều này để phân biệt với cơn gò khi chuyển dạ.
Bung chất nhầy âm đạo màu hồng
Trong suốt thai kỳ, ở vị trí chỗ nối cổ tử cung và âm đạo luôn có một nút nhầy vững chắc góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào bên trong lớp ối, bảo vệ thai nhi trước các tác động ngoại lực. Khi cổ tử cung bắt đầu mở ra, nút nhầy sẽ bị bung ra và thoát ra ngoài cửa âm đạo như một chút nhầy nhớt, có màu hồng. Khi thấy dấu hiệu này, mẹ bầu biết rằng mình sắp sinh.
Mẹo kích thích chuyển dạ nhanh cho bà bầu
Khi nhận thấy các dấu hiệu sớm cảnh báo sắp chuyển dạ, có thể áp dụng một số mẹo chuyển dạ nhanh cho bà bầu để rút ngắn ngày sinh, bạn được chào đón em bé sớm hơn.
Ăn dứa
Các chuyên gia đã chỉ ra trong quả dứa có một loại enzyme phân giải protein được gọi là bromelain, có tác dụng làm mềm tử cung, kích thích co thắt tử cung. Chính vì lý do này mà mẹ bầu được khuyến nghị không nên ăn dứa đặc biệt trong những tháng đầu thai kỳ. Với bà bầu gần tới ngày sinh có thể ăn dứa như một loại trái cây giải khát hoặc uống nước ép dứa để kích thích chuyển dạ. Tuy nhiên, chị em lưu ý không ăn quá nhiều dứa trong ngày có thể gây tiêu chảy.

Đi bộ
Dân gian vẫn quan niệm bà bầu đi bộ cho dễ đẻ, điều này không phải không có cơ sở. Khi đi bộ cơ thể giải phóng hormon oxytocin, gây co thắt tử cung.
Trước đó, mẹ bầu có thể đi bộ thường xuyên vào buổi sáng hoặc tối để kích thích em bé quay đầu. Nhờ vào tác động của trọng lực hấp dẫn và do nhịp lắc lư của hông em bé sẽ dễ di chuyển xuống phần khung chậu của mẹ hơn. Những tuần cuối thai kỳ bà bầu có thể tăng cường độ đi bộ nhiều hơn.
Quan hệ tình dục
Khi quan hệ tình dục, cơ thể cũng giải phóng oxytocin, hormon này được sinh ra khi bạn hưng phấn, gây ra co thắt ở tử cung. Mặt khác, một số nghiên cứu còn phát hiện ra tinh dịch (có chứa chất prostaglandin) có thể kích thích các cơn co thắt tử cung. Do đó, việc "yêu" vào những tuần cuối thai kỳ có thể giúp em bé chào đời sớm hơn.
Kích thích núm vú
Núm vú cũng là một bộ phận cực kỳ nhạy cảm trên cơ thể nữ giới. Xoa bóp, kích thích núm vú khoảng 20 -30 phút mỗi ngày cũng làm giải phóng hormon oxytocin. Lưu ý rằng nếu kích thích núm vú quá lâu có thể gây ra những cơn co bóp tử cung rất mạnh và đau đớn.