Ngôi chùa đồ sộ xâm phạm đất di tích quốc gia khiến căng thẳng của người dân địa phương ngày càng đẩy lên cao. Chính quyền huyện Thanh Chương vẫn ngồi chờ tỉnh Nghệ An quyết định.
UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) vừa có văn bản trả lời đơn thư của người dân ở đây tố cáo việc xây chùa không phép xâm phạm di tích quốc gia.
Theo văn bản, trước đó, chính quyền địa phương nhận được đơn của ông Nguyễn Cảnh Nhu (trú tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương) tố cáo nhiều người gần đây xây một ngôi chùa trên đất khoanh vùng bảo vệ di tích Đền Hữu tại địa phương.
Qua xác minh, UBND huyện Thanh Chương xác định nội dung tố cáo là đúng sự thật. UBND huyện khẳng định đã chỉ đạo đình chỉ thi công công trình và tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận, kiểm điểm và xử lý một cách nghiêm túc đối với các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm vi phạm.
Tuy nhiên vấn đề xử lý khắc phục hậu quả, UBND huyện Thanh Chương cho biết đã báo cáo và chờ chỉ đạo từ UBND tỉnh Nghệ An.
Vụ tố cáo xâm phạm di tích quốc gia tại Thanh Chương (Nghệ An) đã gây xôn xao dư luận địa phương thời gian qua.
Lâu nay, người dân tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương (Nghệ An) phản ánh một công trình không phép xây dựng gần hoàn thiện trên đất di tích quốc gia đền Hữu nhưng không bị chính quyền xử lý.
Công trình đồ sộ không phép trên đất di tích đền Hữu.
Trả lời báo chí và dư luận, chính quyền địa phương cho biết công trình xây dựng trên đất di tích này có tên là chùa Linh Sâm, chưa được cấp phép xây dựng.
Theo Quyết định số 99/QĐ-VHHTTDL ngày 22/12009 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc công nhận đền Hữu là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia, cơ quan chức năng đã khoanh vùng khu vực quản lý theo Bản đồ khoanh vùng đã được xác lập ngày 20/5/2008 và không có phần đất nào dành cho chùa Linh Sâm.
Vậy nhưng trả lời trên một tờ báo, lãnh đạo UBND huyện Thanh Chương từng tuyên bố rằng trước đây ở xã Thanh Yên có chùa Linh Sâm nhưng bị hoang phế. Đến nay, một số con em và doanh nghiệp kêu gọi xã hội hóa để phục dựng lại ngôi chùa.
Thượng điện của đền Hữu.
Mặc dù sự việc ngôi “chùa” không phép xây trên đất di tích này đã bị phản ánh từ lâu nay. Tuy nhiên suốt thời gian dai, chính quyền tại tỉnh Nghệ An vẫn không có phương án xử lý dứt điểm. 6 ngôi nhà và cổng tam quan được xây thô của công trình vẫn sừng sững “thi gan cùng tuế nguyệt”.
Ngoài việc vi phạm xây dựng, việc một số cá nhân xây chùa còn gây nên sự bức xúc của nhiều người dân, gây nguy cơ đe dọa mất an ninh trật tự tại địa phương.
Theo thần phả, đền Hữu là nơi thờ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576), một võ tướng có nhiều công lao trong việc gìn giữ, mở mang bờ cõi của nhà Hậu Lê.
Ngôi đền được xem là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và lịch sử khi còn giữ được 3 tòa thượng điện, trung điện và hạ điện, 38 sắc phong do các triều đại phong kiến phong tặng và rất nhiều cổ vật, di vật có giá trị.
Cương Thanh - Trương Nghị