Những điều quan trọng cần biết khi mang thai lần đầu

Có rất nhiều điều chị em phụ nữ cần biết để chuẩn bị hành trang cho lần đầu làm mẹ. Những điều quan trọng nhất được tổng hợp ở bài viết dưới đây, chị em cùng tham khảo nhé!

1. Dấu hiệu mang thai


Ngoài những biện pháp giúp phát hiện chính xác đến 99% việc có thai như que thử thai, siêu âm, xét nghiệm… Chị em vẫn có thể tự nhận biết việc bắt đầu thai kỳ qua các dấu hiệu phổ biến như: chậm kinh; đau ngực; máu báo thai; buồn nôn bất thường; đầu vú thâm quầng; mệt mỏi; nhạy cảm với mùi vị; buồn ngủ…

Mệt mỏi có thể dấu hiệu mang thai
Mệt mỏi có thể dấu hiệu mang thai

Nhận biết mang thai sớm giúp chị em chuẩn bị tâm lý, chủ động trong việc bồi bổ và chăm sóc sức khỏe cho cả bản thân và thai nhi.
 

2. Thăm khám bác sĩ trước khi sinh


Nhiều cặp vợ chồng đến gặp bác sĩ phụ khoa, sản khoa ngay cả trước khi lên kế hoạch sinh con chỉ để đảm bảo rằng lần đầu mang thai của người vợ khỏe mạnh và không có biến chứng. Khi phát hiện mang thai, bạn cần thăm khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Điều quan trọng là hạn chế và phát hiện kịp thời sự rối loạn trong sự phát triển của thai nhi.
 

3. Kiểm tra bất thường nhiễm sắc thể


Các ca sảy thai có thể bắt nguồn từ sự bất thường nhiễm sắc thể. Để tầm soát điều này, trước khi mang thai người mẹ có thể kiểm tra máu tĩnh mạch. Việc tìm hiểu lịch sử gia đình sẽ đem lại những thông tin quan trọng liên quan đến những rối loạn về máu, các rối loạn mang tính di truyền, rối loạn nhiễm sắc thể hoặc dị tật bẩm sinh. Các bệnh di truyền thông thường bao gồm cả bệnh máu không đông, thiếu máu, thiếu hồng cầu hoặc xơ nang…
 

4. Tiêm phòng rất quan trọng


Với mỗi lần khám thai, bác sĩ sẽ thông báo cho bạn về những mũi tiêm chủng bạn sẽ phải thực hiện tiếp theo.Việc tìm hiểu các loại vắc xin cần thiết trong thời gian mang thai và chủ động tiêm phòng là rất cần thiết. Điều này giúp phòng tránh một số loại bệnh có khả năng gây dị tật thai nhi hoặc ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ sau này.

Tiêm phòng giúp mẹ bầu tránh bệnh và thai nhi phát triển khỏe mạnh
Tiêm phòng giúp mẹ bầu tránh bệnh và thai nhi phát triển khỏe mạnh

Một số loại vắc xin quan trọng mẹ bầu nên tiêm là: ho gà, virus viêm gan B, cúm, viêm gan A, não mô cầu…
 

5. Theo dõi tuổi thai


Mang thai được chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm 3 tháng (được gọi là tam cá nguyệt). Với mỗi giai đoạn đi qua, những thay đổi sinh lý xảy ra bên trong cơ thể người phụ nữ dưới dạng thay đổi nội tiết tố, huyết áp, nhịp thở và sự trao đổi chất. Theo dõi tiến trình này giúp mẹ bầu chủ động bổ sung chất dinh dưỡng cũng như nhận biết sự phát triển bình thường của thai nhi. Đồng thời, tính được khoảng thời gian lâm bồn. Mẹ bầu thường sinh vào khoảng tuần từ 37 đến 40.
 

6. Bà bầu tăng bao nhiêu cân là đủ?


Thông thường, người mẹ có cân nặng bình thường trước khi mang thai nên tăng 11,3kg – 16kg. Nếu người mẹ thiếu cân trước khi mang thai nên tăng 12,7kg – 18kg. Trường hợp phụ nữ dư thừa cân trước khi mang thai nên tăng 7kg – 11,3 kg. Nếu mẹ có song thai nên tăng 16kg – 20,5kg.

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu nên tăng 1kg, ba tháng giữa tăng 5kg, ba tháng cuối tăng khoảng 6kg. Việc tăng cân quá nhiều hay quá ít trong khi mang thai cũng đều ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Bởi vậy, chị em cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý trong suốt thai kỳ.
 

7. Nên hoạt động thể chất


Ngoài những trường hợp mẹ bầu gặp những vấn đề sức khỏe trong thai kỳ, bác sĩ sẽ yêu cầu nghỉ ngơi và hạn chế đi lại. Thói quen tập thể dục hàng ngày giúp đảm bảo cơ thể hoạt động dễ dàng hơn. Nếu bạn có thói quen tập thể dục thì nên duy trì, nhưng thời lượng nên ít hơn và động tác cũng nhẹ nhàng hơn trước một chút.

Mẹ bầu nên hoạt động thể chất nhẹ nhàng
Mẹ bầu nên hoạt động thể chất nhẹ nhàng

Theo nhiều nghiên cứu y khoa, tập thể dục giúp người mẹ và thai nhi khỏe mạnh , chống lại đa số những đợt cảm cúm thông thường… Thời gian đau đẻ ở những thai phụ có tập luyện cũng ngắn hơn so với thai phụ ít vận động thường xuyên.
 

8. Tinh thần người mẹ rất quan trọng


Thai nhi được 3-4 tuần đã bắt đầu phát triển hệ thống thần kinh, tủy sống và não bộ. Thai nhi đã có tri giác và có thể tiếp nhận thông tin từ mẹ cho đến khi chào đời. Đó là lý do vì sao tâm lý thai phụ ảnh hưởng đến thai nhi và tính cách của con sau này.
 

9. Nhận biết cơn đau chuyển dạ

Bụng đau thắt từng cơn cảnh báo chuyển dạ

Bụng đau thắt từng cơn cảnh báo chuyển dạ

Vào giai đoạn cuối thai kỳ, các mẹ bầu thường xuất hiện các cơn gò sinh lý hay còn gọi là chuyển dạ giả. Bởi vậy, chị em cần hết sức lưu ý, dấu hiệu chuyển dạ sinh con thực sự thường là: bụng tụt xuống thấp, xuất hiện ngày càng nhiều của những cơn co thắt, bong nút nhầy tử cung (là khối nhỏ chất nhầy, có tác dụng bịt kín tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm, nút nhẩy tử cung có thể bong ra trước khi đau đẻ một vài tuần, vài ngày hay vài giờ) và vỡ nước ối là dấu hiệu sát sao nhất của việc chuyển dạ sắp sinh.


Như Quỳnh (t/h)