Thực hư chuyện vướng con dấu của Chi cục thi hành án trên sổ đỏ thế chấp ngân hàng

Người vay tiền và Ngân hàng đã thỏa thuận được việc trả tiền và giải chấp tài sản. Nhưng đương sự đang gửi đơn kêu cứu cho rằng cơ quan thi hành án vi phạm pháp luật.
Vừa qua, Báo Sức khỏe Cộng đồng nhận được đơn của ông L.N.T - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển thương hiệu T&T, bị đơn trong vụ án "Tranh chấp Hợp đồng tín dụng” do Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) khởi kiện tại Tòa án nhân dân Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
 
Theo nội dung vụ việc, ông L.N.T thế chấp nhà đất để Công ty vay tiền của ngân hàng Á Châu. Quá hạn không trả, ngân hàng kiện ra tòa. TAND quận Nam Từ Liêm đã xử ông L.N.T thua kiện và phải thi hành án.
 
Tuy nhiên, ông L.N.T cho rằng trong quá trình thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã làm trái quy định của pháp luật.

Theo đơn, ông T. cho biết: "Ngày 3/9/2019, gia đình tôi nhận được Quyết định thi hành án của Chi Cục Thi Hành án dân sự Huyện Thanh Oai. Tuy nhiên thời gian này, tôi đang kháng cáo lên Tòa án Cấp cao để xem xét lại toàn bộ bản án của TAND quận Nam Từ Liêm.
 
Ông T. làm đơn gửi đi các cơ quan tố cáo Chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Oai tự ý đóng dấu vào sổ đỏ
 
Điều khiến ông T. bức xúc và khó hiểu là không hiểu dựa vào cơ sở pháp luật nào mà Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Oai tự ý đóng dấu vào bản gốc sổ đỏ (GCNQSD nhà đất mà ông T. đã thế chấp). Theo ông đây là việc làm hoàn toàn trái quy định pháp luật. Vì vậy ông T. đã làm đơn gửi lên Cục THADS Hà Nội và các cơ quan tố cáo chấp hành viên Lê Thị Thịnh (người mà ông T cho rằng đã đóng dâu lên sổ đỏ của ông).

Ông T cho hay: "Sau khi bị xử thua kiện, tôi và Ngân hàng Á Châu (ACB) đã có thỏa thuận về việc trả nợ cho ngân hàng và đã đạt được thỏa thuận. Ngày 16/12/2019, ngân hàng đã có công văn chốt tổng số tiền tôi phải tất toán trả nợ và lấy sổ đỏ đi xóa chấp. Ngày 24/12/2019, tôi cùng anh rể Quách Thanh Dũng và chị gái Lưu Thị Kim Xuân (người đứng tên sổ đỏ) mang tiền trả nợ cho Ngân hàng Á Châu. Ngân hàng đã gọi điện cho Chấp hành viên Lê Thị Thịnh mang sổ đỏ ra ngân hàng để trả lại cho tôi. Khi ngân hàng đưa sổ đỏ và đơn đăng ký xóa thế chấp để tôi về Văn phòng đăng ký đất đai làm thủ tục xóa thế chấp thì cán bộ Văn phòng ĐKDĐ cho biết là không thể xóa được. Lý do là chấp hành viên Lê Thị Thịnh đã đóng dấu vào sổ đỏ gốc. Nay phải có văn bản của Chị cục thi hành án gửi sang thì mới xóa chấp được." - Điều này đã khiến gia đình ông T không biết phải giải quyết ra sao, chạy qua chạy lại mà không thể giải quyết được thủ tục nhà đất.
 
Trả lời PV, lãnh đạo Chi Cục THADS huyện Thanh Oai trả lời ngắn gọn rằng chưa nhận được đơn thư nào của ông L.N.T. Hơn nữa theo lãnh đạo chi cục, thẩm quyền giải quyết và phát ngôn thuộc về Cục THADS chứ mình không có quyền.
 
Trong khi đó, làm việc với PV, lãnh đạo Cục THADS Hà Nội cho hay, trách nhiệm giải quyết đơn tố cáo đối với chấp hành viên thuộc về Chi Cục trưởng ở dưới. Ông Chu Quang Tiến (Phó cục rưởng Cục THADS Hà Nội) xác nhận đã nhận được đơn tố cáo của ông L.N.T. Nhưng đơn này cũng đã được gửi tới Chi cục và Chi cục sẽ có trách nhiệm xử lý, Cục không cần phải chỉ đạo gì.
 
Trao đổi về nội dung vụ việc, lãnh đạo này cũng cho rằng, nếu đương sự và ngân hàng đã thỏa thuận được việc trả nợ và giải chấp thì ngân hàng phải có thông báo bằng văn bản gửi cho Chi Cục thi hành án để ra quyết định đình chỉ thi hành. Phó Cục trưởng cũng khẳng định việc chấp hành viên đóng dấu vào sổ đỏ là sai quy định. Nhưng lãnh đạo Cục thi hành án Hà Nội lại cho rằng việc đó không ảnh hưởng gì đến quyền lợi nghĩa vụ các bên: “Cấp lại sổ đỏ bình thường chứ ảnh hưởng gì đâu”?
 
Theo ông T., việc mà lãnh đạo Cục nói rằng không ảnh hưởng thực chất đang hành gia đình ông đến khổ. Bằng chứng là để giải chấp đươc tài sản này, ông T đang không biết phải làm thế nào và sẽ mất bao lâu nữa.
 
Trao đổi với PV, đại diện Ngân hàng Á Châu chi nhánh Bát Đàn cũng xác nhận đương sự đã trả nợ cho ngân hàng và ngân hàng đồng ý giải chấp. Tuy nhiên ông T. vẫn không tài nào xóa chấp ở VP đất đai được chỉ vì vướng thủ tục của thi hành án.
 
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe Cộng đồng, Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết:

Đánh dấu bút lục là việc quan trọng, cần thiết giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ để giải quyết vụ án nhanh chóng, thuận tiện hơn. Cơ quan thi hành án cũng là một trong các cơ quan có thẩm quyền đánh dấu bút lục trong lĩnh vực dân sự. Thông tư 01/2016/TT-BTP quy định chấp hành viên lập hồ sơ thi hành án gồm rất nhiều thứ: bản án, quyết định; các biên bản bàn giao, xử lý vật chứng, tài sản đã kê biên, tạm giữ; biên bản xác minh, biên bản giải quyết việc thi hành án; giấy báo; giấy triệu tập,... Các tài liệu có trong hồ sơ thi hành án phải được đánh số bút lục và liệt kê đầy đủ vào bảng danh mục in trên bìa hồ sơ thi hành án.

Tuy nhiên, việc chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự tự ý đánh dấu bút lục vào bản gốc GCNQSDĐ là hoàn toàn trái quy định pháp luật. Bởi lẽ: Theo quy định của Luật đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, chỉ duy nhất cơ quan cấp GCNQSDĐ – Văn phòng đăng ký đất đai mới có thẩm quyền đính chính, sửa đổi và bổ sung nội dung trên GCNQSDĐ. 

Báo Sức khỏe Cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin...
 
Lưu Đại - Tân Phong