Từ vụ 9X hút mỡ bụng mới biết mang bầu: Những xét nghiệm nhất định phải làm trước khi phẫu thuật

Theo các bác sĩ sản khoa, xét nghiệm nghiệm máu beta HCG chỉ sau 1 giờ là có kết quả có thể phát hiện có thai ngay cả khi mới trễ kinh 1 ngày.

9X tố thẩm mỹ viện hút mỡ cho bà bầu

 
Như báo SKCĐ đã đưa tin, chị Đoàn Thị Nguyệt Anh (SN 1991) tố cáo Thẩm mỹ viện quốc tế Sophie (TMV Sophie International) tại địa chỉ 253A, Hoàng Sa, quận 1 (TP. HCM) và TMV Emcas (phố Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TP.HCM) hút mỡ bụng cho bà bầu.
 
Trước đó vào ngày 27/9 tại Emcas, sau khi khám tổng quát các bác sĩ tại đây kết luận chị Anh đủ điều kiện để phẫu thuật hút mỡ bụng. Do đó, chị Anh quyết định chuyển 148 triệu đồng để tiến hành hút mỡ. Thế nhưng, sau phẫu thuật chị có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn và khó thở; những biểu hiện ngày càng nặng. Đến ngày 24/10 gia đình chị Anh đưa đi khám tại một bệnh viện tư Hà Nội thì bất ngờ phát hiện chị đã mang thai 8 tuần. Tức là, thời điểm chị tiến hành hút mỡ bụng thì cái thai đã được 4 tuần.
 
Mang thai có nên hút mỡ bụng không?
Giấy khám thai của chị Anh.
 

Những xét nghiệm cần thiết trước khi phẫu thuật

 
Ngày nay, hút mỡ bụng trở thành lựa chọn chung của nhiều chị em để lấy lại vóc dáng. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng có thể tiến hành hút mỡ. Những người có bệnh mãn tính như bệnh phổi, cao huyết áp và tiểu đường, bị dị ứng với thuốc gây mê không nên hút mỡ vì có thể gặp nhiều rủi ro. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc đang trong thời kỳ kinh nguyệt cũng đừng dại mà đi hút mỡ kẻo nguy hiểm tính mạng.
 
Do đó, trước khi phẫu thuật bệnh nhân phải được khám và tư vấn đầy đủ, ghi chép tỉ mỉ về tiền sử bệnh tật cũng như phẫu thuật, dị ứng từng có trước đây. Sau đó, bệnh nhân sẽ được về nhà suy nghĩ thật kỹ về những yếu tố, trường hợp có thể xảy ra khi phẫu thuật để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
 
Mang thai có nên hút mỡ bụng không?
Trước khi hút mỡ bụng, bệnh nhân cần phải được xét nghiệm và theo dõi kỹ càng.
 
Chia sẻ về vụ việc trên, TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định, nếu bác sĩ phẫu thuật hút mỡ cho người đã có thai là hành động vô cùng ẩu đoảng. BS Ánh cũng cho rằng, khi muốn can thiệp vào cơ thể người phụ nữ, nếu có cái gì có thể tác động đến bào thai thì phải hỏi ngày kinh nguyệt của họ, phải để họ qua ngày kinh nguyệt an toàn thì mới được tiến hành. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều bác sĩ ẩu đến nỗi, cứ thấy bệnh nhân là vội vã “làm đẹp” mà chưa suy xét trước sau.
 
Bình thường, để thực hiện một ca phẫu thuật thẩm mỹ, các bác sĩ đều phải xét nghiệm cẩn thận cho người bệnh. Đối với phụ nữ có thai, kết quả sẽ được phát hiện thông qua xét nghiệm máu. TS Nguyễn Huy Cảnh – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định: Với một số trường hợp bác sĩ sẽ hỏi chu kỳ kinh nguyệt, vừa có thể xác định dấu hiệu mang thai, lại có thể tránh những ngày “nhạy cảm” trong chu kỳ để không thực hiện phẫu thuật hút mỡ. Do đó, trường hợp BS tiến hành hút mỡ bụng cho chị Nguyệt Anh ở trên là cực kỳ cẩu thả, bác sĩ đã bỏ qua các khâu cơ bản hoặc xét nghiệm bị lỗi, bị sai.
 
Để tiến hành hút mỡ an toàn, bệnh nhân thường được yêu cầu nhập viện trước một ngày để làm các xét nghiệm máu. Các bác sĩ cũng thường khuyến cáo gây mê trong các trường hợp này. Tiếp đến, người bệnh sẽ được theo dõi tỉ mỉ cả ngày rồi mới tiến hành hút mỡ vào ngày hôm sau. Khi hút, bác sĩ chỉ lấy ra lượng mỡ vừa phải. Không phải cứ hút mỡ nhiều là tốt; thực tế không nên hút quá 4-5% trọng lượng cơ thể. Mỡ vốn là nơi dự trữ năng lượng, nếu hút quá nhiều sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa. Hút mỡ dưới 1,5 lít sẽ không ảnh hưởng đến các chỉ số sinh hóa, nhưng nếu trên 3 lít sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/10/18/hon-me-sau-phau-thuat-got-cam-bv-emcas_18102019114832.mp4[/presscloud]
Người phụ nữ hôn mê sau phẫu thuật gọt cằm tại BV thẩm mỹ Emcas. Video: VTV
 
 
Thùy Nguyễn (t/h)