Hiệu quả nhanh nhưng không bền
Khoảng gần chục năm trở lại đây, thị trường làm đẹp rộ lên 'mốt' tiêm filler để nâng mũi, độn cằm hay thậm chí nâng ngực. Nhiều người thực tế không hiểu filler là gì mà chỉ nghe lời quảng cáo làm đẹp không đụng dao kéo là lập tức chi tiền làm ngay, bất chấp hậu quả có thể xảy ra.
Theo Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, filler hay còn gọi là chất làm đầy là một chất lỏng được tiêm vào cơ thể người như một phương pháp làm đẹp không xâm lấn. Chất filler có khả năng thay thế acid hyaluronic trong tế bào hoặc các tổ chức bị thiếu hụt trong mô. Ngày nay, tiêm filler thường được dùng để làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó trong thời gian ngắn như: nâng cao sống mũi, đầu mũi, xóa đi khuyết điểm mũi gồ xương hoặc mũi gãy, giúp mũi đầy hơn, cao hơn cũng như có hình dáng như mong muốn.

PGS Sơn lý giải, sở dĩ phương pháp nâng mũi bằng tiêm filler được nhiều người ưa chuộng bởi hiệu quả tức thì, làm đẹp không cần đụng dao kéo, không đau đớn hay chảy máu. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả trong vòng 4-6 tháng. Nếu muốn duy trì hiệu quả, chị em cần chịu chi, tiếp tục làm thủ thuật điều trị. Đó là chưa kể, chi phí để thực hien tiêm filler không hề rẻ khoảng 10-20 triệu đồng.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Tại khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, PGS Sơn đã gặp rất nhiều trường hợp biến chứng sau tiêm filler nâng mũi. Hầu hết trường hợp là chị em phụ nữ đến viện với vùng mũi sưng vù, biến dạng, có người thậm chí bị biến chứng mắt mất thị lực, không có khả năng hồi phục hoặc nguy cơ hoại tử da mũi, hốc mắt... Không chỉ phụ nữ, nhiều nam giới tiêm filler vào dương vật nhằm tăng kích thước bị biến chứng viêm, nhiễm trùng thậm chí phải cắt bỏ hoàn toàn.
Vị bác sĩ đầu ngành trong phẫu thuật thẩm mỹ khuyến cáo: Chị em nào muốn nâng mũi bằng cách tiêm filler nên dừng ngày ý định này. Tạo hình mũi bằng tiêm filler thực chất chỉ là đánh lừa khách hàng. Chất filler được tiêm vào mũi, có khả năng lấp đầy nhưng không thể giữ lại trên sống mũi. Cấu tạo sống mũi của người có cấu tạo nửa phần trên là xương, phần dưới là sụn. Cả phần mũi có hình tháp, nếu bổ ngang sẽ cho hình tam giác.

Cũng theo PGS Sơn, sử dụng chất làm đầy không rõ nguồn gốc cộng với tay nghề của kỹ thuật viên thẩm mỹ cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng. Trên thị trường hiện nay, các loại chất làm đầy được sử dụng chủ yếu có nguồn gốc từ Mỹ, Thụy Sĩ và Ukraine. Theo PGS Sơn, về bản chất, các loại filler chỉ khác nhau về hãng nhưng lưu ý loại an toàn chỉ đóng trong một xilanh có hàm lượng, khối lượng nhất định, thường là 1 cc, dùng sẽ bỏ đi.
Quá trình thực hiện thủ thuật không được vô trùng, không đảm bảo vệ sinh chính rất dễ gây nhiễm trùng, mưng mủ, sưng phù cho vùng mũi. Nhân viên thẩm mỹ thực hiện tiêm filler nếu không có tay nghề, kỹ thuật tốt rất dễ tiêm sai vị trí làm hỏng mũi khách hàng, nặng hơn là tiêm filler đúng vào vị trí mạch máu, gây mù mắt.
Bác sĩ khuyến cáo chị em muốn tiêm filler làm đẹp cần tìm tới các chuyên khoa thẩm mỹ lớn, uy tín, được cấp phép để được tư vấn chi tiết. Chỉ thực hiện thủ thuật khi hiểu biết rõ bản chất của phương pháp làm đẹp cũng như biến chứng có thể gặp. Chị em tuyệt đối không nhẹ dạ cả tin hay ham rẻ làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ 'chui' mà tiền mất tật mang.