
Sau nhiều ngày đắn đo, chị P. đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội thăm khám lại. Qua tiến hành siêu âm, chụp cộng hưởng từ bác sĩ phát hiện chị bị vỡ túi ngực bên trái, có nang bên vú trái, vú phải có hiện tượng rò dịch, có nhân. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tại khoa Ngoại Vú – Phụ khoa.
TS.BS Vũ Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng Khoa Ngoại Vú – Phụ khoa nhận định, đây là một trường hợp ít gặp và phức tạp. Các bác sĩ phải loại bỏ túi ngực bị vỡ mà không làm tràn silicone ra khỏi khoang túi ngực đồng thời cắt bỏ u vú.
Trong trường hợp thực hiện thủ thuật không khéo, silicone có thể lẫn với cơ và tổ chức tuyến vú, có thể để lại nguy cơ sau này tạo thành các khối áp xe nhỏ, tạo phản ứng viêm, u xơ nhỏ.
Êkip phẫu thuật sau khi lấy túi ngực vỡ qua đường mở ở núm vú đã thực hiện vét sạch silicone 2 bên ngực, cắt u ngực phải, đồng thời kết hợp nâng ngực thẩm mỹ lại theo nguyện vọng của bệnh nhân. May mắn hơn, kết quả sinh thiết khối u của chị P. sau phẫu thuật là u lành tính.
TS Kiên cho biết, trường hợp này nữ bệnh nhân may mắn nhập viện sớm nếu để lâu hơn silicone bị vỡ lâu ngày có thể tạo thành ổ viêm nhiễm, thậm chí hoại tử vạt da.
Chị em lưu ý, đầu năm 2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết có hơn 400 phụ nữ bị u lympho tế bào lớn bất sản liên quan đến nâng ngực, hay một dạng ung thư máu hiếm gặp do nâng ngực. Trong số đó có 9 người đã chết vì ung thư.
Phần lớn các trường hợp xảy ra ở phụ nữ đặt túi nâng ngực bao xơ (túi nâng có bề mặt nhám). Bề mặt túi nhám có thể gây phản ứng bao xơ hoặc sinh tế bào lạ quanh vỏ túi liên quan đến ung thư.
Sau đó, túi nâng ngực loại nhám này đã bị thu hồi tại Mỹ và châu Âu như Anh, Pháp, Mỹ... đồng thời được khuyến cáo không nên sử dụng trong thẩm mỹ.
Sau khi được nâng ngực, trong tháng đầu chị em phải theo dõi các triệu chứng. Sau 5-10 năm đặt túi cần khám định kỳ xem có hiện tượng rò dịch hoặc u cục gì không. Ngoài ra còn cần đề phòng nguy cơ xô lệch hay các biến chứng khác.