Xã Thụy An chôn lợn dịch chưa đúng quy định, UBND huyện Ba Vì rút kinh nghiệm

Liên quan sự việc xã Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) chôn hơn 6 tấn lợn dịch khoảng cách hố chôn tối thiểu 30m chưa đủ, UBND huyện Ba Vì đã rút kinh nghiệm và chỉ đạo các xã phải chọn vị trí chôn lấp đúng quy định...
Trước đó, báo Sức khỏe Cộng đồng điện tử có bài viết “Thụy An, Ba Vì: Người dân bức xúc vì hố chôn lợn dịch chưa đúng quy định” phản ánh về việc:  Nhiều người dân ở thôn Cơ Giới, xã Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) rất bức xúc và có đơn phản ánh về việc xã Thụy An chôn hơn 6 tấn lợn dịch của gia đình chị Lê Thị Nhung, ngay trong vườn nhưng khoảng cách không quy định.
 
Người dân Cơ Giới, (xã Thụy An, huyện Ba Vì) bức xúc phản ánh khoảng cách hố chôn hơn 6 tấn lợn dịch quá gần nhà dân, không đúng quy định tối thiểu 30m.
 
Theo đó, tập thể người dân cụm 3 thôn Cơ Giới đã gửi đơn phản ánh tới Báo Sức khỏe Cộng đồng điện tử, về sự việc ngày 25/5/2019, chính quyền xã Thụy An (huyện Ba Vì, Hà Nội) đã tiến hành chôn hơn 6 tấn lợn mặc dịch tả ngay trong khu vườn của gia đình chị Lê Thị Nhung. Tuy nhiên, khoảng cách hố chôn lợn dịch này tới giếng nước, nhà dân gần chất lại chưa đúng quy định là tối thiểu 30m (căn cứ theo Quyết định số 3400/2005 của Bộ NN-PTNT).
 
Người dân cho biết, theo quan sát thực tế thì hố chôn hơn 6 tấn lợn dịch cách nhà dân, giếng nước gần nhất chỉ khoảng 15-20m. Chính vì thế, đã khiến cho người dân rất bức xúc và phản đối chính quyền xã Thụy An thực hiện không đúng quy định. Đồng thời, người dân Cơ Giới cũng kiến nghị UBND huyện Ba Vì xem xét và có phương án xử lý, di dời ra khu vực khác, để đảm bảo sức khỏe, nguồn nước ngầm, môi trường sống xung quanh…
 
Người dân cụm 3 thôn Cơ Giới phản ánh UBND xã cho đào hố chôn lợn dịch quá gần nhà dân, chưa đúng quy định tối thiểu từ 30m, lo lắng ảnh hưởng nguồn nước ngầm.
 
Khoảng cách hố chôn chưa đúng quy định
 
Trả lời xác nhận với PV, ông Nguyễn Đắc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Thụy An đã xác nhận: “Việc chôn lấp số lợn dịch của hộ Nhung Chiến ở xã Thụy An thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" khẩn trương, để dịch không lây lan... Dù việc hố chôn lợn dịch gần nhà dân là không đúng theo quy định khoảng cách tối thiểu là từ 30m (căn cứ theo Quyết định số 3400/2005 của Bộ NN-PTNT). Nhưng, quá trình chôn lấp xã làm rất cẩn thận, có lớp bọc nilon, đổ nhiều vôi, hóa chất dập dịch…”.
 
Còn theo ông Đỗ Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Thụy An cho hay, lý do xử lý chôn lợn dịch tại chỗ là do: "Hiện tại, địa bàn huyện Ba Vì chưa có quy hoạch vùng, khu vực chôn lợn dịch rõ ràng. Cho nên, nếu xã không tiến hành chôn lợn dịch ở ngay vườn nhà dân thì cũng chưa biết chôn ở đâu nữa?".
 
Ông Nguyễn Đắc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Thụy An trả lời. 
 
Liên quan đến kiến nghị di dời hố chôn hơn 6 tấn lợn dịch của người dân thôn Cơ Giới, Chủ tịch xã Thụy An Nguyễn Đắc Nguyên đã thông tin: “Chúng tôi không thể di dời, việc đó không thể làm được, vì không thể lường được trước những gì xảy ra, dịch bệnh có thể lây lan không?”.
 
“Chúng tôi hứa sẽ giám sát, sau đó sẽ có quan trác, tiến hành giám định môi trường… Nếu không đủ điều kiện, chúng tôi sẽ báo cáo huyện, cơ quan chức năng sẽ giải quyết… Còn những thắc mắc liên quan đến trang thiết bị vật tư là việc bên Trạm thú y huyện hay kinh phí thì làm việc với Phòng Kinh tế với Phòng Tài chính huyện”, ông Nguyên trả lời.
 
Ông Nguyên cũng lý giải: “Hiện tại vẫn chưa quyết toán kinh phí. Toàn bộ là xã tự bỏ ngân sách của xã. Việc hỗ trợ kinh phí cho đến thời điểm này (11/6/2019) mới chỉ có 3/19 hộ chăn nuôi lợn bị mắc dịch là được nhận”.
 
Để làm rõ những phản ánh của người dân thôn Cơ Giới, cũng như trách nhiệm của UBND xã Thụy An thực hiện hố chôn lợn không đúng khoảng cách quy định, PV đã liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Ba Vì.
 
Cấp Huyện trả lời… thực hiện theo Thông tư Bộ?
 
Theo chỉ đạo phân công của ông Nguyễn Đình Dần - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, giao tiếp và làm việc với PV là ông Hứa Bá Trình – Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND huyện Ba Vì.
 
Trao đổi với PV, ông Hứa Bá Trình – Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND huyện Ba Vì xác nhận: “UBND huyện có nhận được báo cáo của lãnh đạo xã Thụy An về việc tiêu hủy lợn dịch ở thôn Cơ Giới, xảy ra ngày 25/5/2019”.
 
Trụ sở HĐND - UBND Huyện Ba Vì.
 
Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND huyện Ba Vì thông tin: Tổng đàn lợn tại huyện Ba Vì là 314.000 con/17.000 hộ chăn nuôi, chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát trong các khu dân cư, cho nên cũng chưa đầy đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP. Nhưng đây lại là sinh kế của bà con, với >80% dân số hoạt động nông nghiệp. “Do vậy, việc xảy ra bùng phát dịch bệnh tả lợn, cũng như việc kiểm soát dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh là rất khó khăn. Đó là thực trạng, thực tế xử lý dịch bệnh là chưa đảm bảo”.-  ông Trình nói.
 
Theo ông Trình cho biết, tại địa bàn huyện Ba Vì, công tác triển khai độc lập, xử lý dịch bệnh theo quy định phương châm “5 không” và “4 tại chỗ”. Về ngân sách, quy định hiện nay thì ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo công tác vật tư hóa chất, công phun…, và hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi. Nhưng để đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” thì ngân sách địa phương phải sử dụng trước, khi vượt quá nguồn dự phòng thì báo cáo cấp trên để được hỗ trợ.
 
Ông Hứa Bá Trình - Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND huyện Ba Vì trả lời.
 
“Đây là nguyên tắc của cả nước, nên tại chính quyền xã phải thực hiện trước. Các vật tư tập trung do cấp trên TP hoặc huyện cấp, tùy từng đợt như: vật tư máy móc, hóa chất… Phòng Kinh tế cũng đã cấp vật tư hỗ trợ tiêu hủy dịch bệnh 2 đợt. Còn các loại vật tư đơn giản như vải, ủng, vôi, bạt.. những cái nhỏ thì xã phải chịu trách nhiệm ứng tiền ra thực hiện mua”. ông Trình trả lời.
 
Về kinh phí phòng chống dịch, hồ sơ hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi: “Theo Luật Thú y, việc tổ chức tiêu hủy và lập hồ sơ tiêu hủy ban đầu do UBND xã chịu trách nhiệm, hồ sơ kiến nghị hỗ trợ xã phải thực hiện báo cáo sau 5 ngày. Nếu khó khăn thì báo cáo cấp huyện để tăng cường lực lượng, cũng như hỗ trợ xử lý”. - Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND huyện Ba Vì nói.
 
Về giá hỗ trợ, hiện TP Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết 16, bao gồm: 1-Đối với lợn con, lợn thịt là 80% giá thị trường; 2-Đối với lợn nái đực là giá 1,8 lần mức hỗ trợ của lợn thương phẩm. Giá này do Sở Tài chính sẽ thông báo từng ngày. “Về hồ sơ hỗ trợ UB huyện sẽ hoàn thiện sau 5 ngày tiêu hủy, tuy nhiên thực tế là chậm hơn vì các xã không thực hiện được. Do yếu tố công khai minh bạch, thời gian hoàn thiện hồ sơ, và thông qua Mặt trận tổ quốc xã tham gia giám sát”. Ông Trình nói.
 

Nhiều người dân cụm 3 thôn Cơ Giới bức xúc vì xã Thụy An thực hiện hố chôn hơn 6 tấn lợn quá gần nhà dân, giếng nước, lo lắng ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, nguồn nước ngầm...
 
Ông Trình cũng cho hay, đến nay, UBND huyện Ba Vì đã thực hiện hỗ trợ người chăn nuôi được 2 đợt cho các hộ dân có số lợn mắc dịch. Tổng số tiền huyện Ba Vì hỗ trợ gần 5 tỷ đồng. Chịu trách nhiệm thực hiện là Tổ Tổng hợp hồ sơ hộ trợ kinh phí do UBND huyện Ba Vì thành lập.
 
Về nội dung hố chôn lợn khoảng cách chưa đủ 30m tại nhà chị Lê Thị Nhung, ông Hứa Bá Trình lý giải: “Quy định theo Thông tư 06 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cụ thể là tại Phụ lục 07: Địa điểm hố chôn phải đảm bảo khoảng cách tới công trình, cách ly tối thiểu là 30m. Và cũng tại quy định của Bộ, hướng dẫn của đơn vị chuyên môn, thì “ưu tiên chôn lấp tiêu hủy trong khuân viên hộ gia đình nếu đủ điều kiện”. Bạn cứ tìm hiểu thêm Thông tư 06 của Bộ NN&PTNT, quy định rất rõ tại Phụ lục 07.”.(!?)
 

Phụ lục 06 Thông tư 07/2016/BNNPTNT của Bộ NN&PTNT nêu rõ quy định hố chôn cách nhầ dân, giếng nước khoảng cách tối thiểu 30m.
 
Ông Trình trả lời: “UBND Huyện Ba Vì cũng đã có văn bản hướng dẫn gửi các xã. Tuy nhiên, thực hiện thực tế các xã tại huyện việc chôn lấp rất vị trí rất khó khăn. Theo quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch chung không có bố trí vị trí chôn lấp động vật mắc dịch tập trung, đất chủ yếu giao các hộ gia đình; đất quỹ 2 tại địa bàn các xã vị trí lại không phù hợp để chôn lấp… là ao hồ, đất trũng.”
 
Ông Trình cũng cho biết, tất cả các xã trện địa bàn xã Thụy An có 16 hộ chăn nuôi lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, thì cả 16 hộ đều thực hiện chôn lấp tiêu hủy tại chỗ, trong khuân viên vườn hộ gia đình, đây là xã đồi gò. Việc chôn lấp tại xã Thụy An thực hiện theo quy định của Bộ NT&PTNT. Chính quyền xã Thụy An chôn lấp lợn dịch bệnh tại chỗ như vậy giải quyết được vấn đề không phải vận chuyển, giảm được lây lan dịch bệnh, vi-rút dịch bệnh...
 
“Xã Thụy An phát dịch thứ hai tại huyện, nhưng đến nay, xã Thụy An đứng tốp cuối, đã tiêu hủy hơn 32 tấn lợn mặc dịch, việc chôn lấp tại chỗ là có hiệu quả, theo quy định của Bộ. Cái việc đó có tác dụng, tất nhiên nó có những mặt trái nhưng nó có mặt tích cực. Bạn cứ về nghiên cứu Thông tư 07, Luật Thú y đều có quy định nội dung này”. – Ông Trình nói. (!?)
 
“Việc chôn lấp hố chôn khoảng cách dưới 30m tại thôn Cơ Giới xã Thụy An, gia đình chủ nhà Nhung Chiến, chúng tôi biết nội dung là do lãnh đạo Xã gọi điện báo cáo. Ngay ngày sau đó, chúng tôi đã trực tiếp xuống kiểm tra, cán bộ Phòng Kinh tế, Trạm Thú y vào kiểm tra, về mặt chủ quan và báo cáo của xã, cán bộ Thú y huyện giám sát, việc tiêu hủy thực hiện đào hố sâu 5-6m, rải vôi, lót bạt phía dưới và vòng quanh hố…
 
Tôi cũng có vào kiểm tra thì không có mùi hôi thối bốc ra. Chúng tôi tiếp tục hướng dẫn chủ hộ gia đình, nếu có hiện tượng sụt lún thì phải đắp đất bổ sung để đảm bảo”. - Ông Trình nói.
 
Ngày 10/5/2019, UBND xã Thụy An có thực hiện kiểm tra tại hộ gia đình Nhung Chiến và tổng số lợn khai trong biên bản chỉ có là 42 con; nhưng khi tiêu hủy lợn mắc dịch bệnh lại lên tới 80 con (hơn 6 tấn lợn)... Trách nhiệm kiểm tra, thông kế số liệu không chính xác này là do ai?
 
Sự việc đã rồi… rút kinh nghiệm
 
Đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT TP Hà Nội cũng đã về kiểm tra, đánh giá: “Về cơ bản hố chôn đảm bảo kể cả về khoảng cách, về quy trình. Tuy nhiên, việc chôn ở vùng khu vực đất hẹp như vậy, gần một số hộ dân gây tạo ra phản cảm, cho bà con lo lắng, những bức xúc nhất định. Vấn đề này, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các xã, trong thời gian tới, thứ nhất một mặt chọn vị trí chôn lấp đảm bảo đúng quy định hướng dẫn. Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền để bà con đồng cảm, chia sẻ”.
 
“Sau đó, UBND huyện Ba Vì đã rút kinh nghiệm, huyện chỉ đạo các xã, thứ nhất là chọn vị trí chôn lấp đúng quy định đủ khoảng cách, quy trình chôn lấp đúng kỹ thuật. Thứ hai, nói thật là chỉ hạn chế ô nhiễm môi trường, không thể chống được đâu. Chăn nuôi là xác định đi theo kèm ô nhiễm, phải xác định như thế”. - Ông Hứa Bá Trình trả lời.
 
“Sở đã về kiểm tra, huyện cũng đã có báo cáo. Về mặt mùi hôi thối bốc ra là không có, nhưng ở đây bà con phản ánh ô nhiễm về nguồn nước. Hiện nay, việc di dời lợn dịch ở hố chôn này sang vị trí khác là không thể, vì đang phân hủy. Hiện nay, UBND huyện Ba Vì tiếp tục chỉ đạo Phòng TN&MT, Phòng Kinh tế, cùng UBND xã theo dõi hố chôn, nếu có hiện tượng ô nhiễm thì sẽ có biện pháp xử lý. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền cho người dân chia sẻ, đồng cảm với vấn đề này, để tạo ra bức xúc cho bà con như vậy cần rút kinh nghiệm”. – Ông Trình bày tỏ.
 
Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi tiếp cận các văn bản liên quan, thì ông Hứa Bá Trình - Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND huyện Ba Vì chưa cung cấp được và cho rằng: “Những nội dung này, phía UBND xã Thụy An và Trung tâm Y tế huyện đều nắm, PV có thể liên hệ để lấy”.
 
Đồng thời, liên quan nội dung phản ánh, các thông tin số liệu thống kê tổng số lợn của hộ gia đình Nhung Chiến mà UBND Thụy An đã kiểm tra và báo cáo không chính xác và có sự chênh lệch từ 42 con lên đến 80 con (hơn 6 tấn lợn mắc dịch), ông Hứa Bá Trình cho hay “Nội dung này không nắm rõ, nên sẽ báo cáo lãnh đạo UBND huyện Ba Vì để kiểm tra lại và sẽ thông tin sau”.(!?)
 
Văn bản trả lời số 90/KT của Phòng Kinh tế - UBND huyện Ba Vì trả lời người dân.
 
Điều khiến người dân thôn Cơ Giới them phần bức xúc và lo lắng, là ngày 14/6/2019, Trưởng phòng Phòng Kinh tế - UBND huyện Ba Vì Ngô Vi Khả có ban hành văn bản số 90/KT gửi trả lời Bà Đỗ Thúy Sinh – đại diện các hộ dân cụm 3 thôn Cơ Giới, xã Thụy An; nội dung nêu rõ:
 
“Ngày 11/6/2019, Đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT đã kiểm tra hiện trạng hố chôn lợn mắc bệnh phải tiêu hủy tại vườn nhà ông Chiến: Qua kiểm tra, xác minh đoàn đánh giá: hố chôn lợn đảm bảo quy định tại thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch động vật trên cạn. Tuy nhiên việc tiêu hủy lợn bệnh trong khu dân cư có nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm. Do đó, UBND huyện Ba Vì đã giao Phòng Kinh tế, Phòng TN&MT phối hợp với xã Thụy An thường xuyên kiểm tra, theo dõi hố chôn lợn tại hộ ông Chiến và nguồn nước tại khu vực: kịp thời xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường của các hộ dân trong khu vực”.
 
Người dân cụm 3 thôn Cơ Giới cho rằng, chính quyền xã Thụy An cũng như lãnh đạo UBND huyện Ba Vì không thể “đá bóng trách nhiệm” sau khi mà sự việc đã rồi? Vì thế, đại diện các hộ dân phản ánh đề nghị lãnh đạo UBND huyện Ba Vì và UBND xã Thụy An phải nhận trách nhiệm cụ thể, liên quan đối với sự việc hố chôn hơn 6 tấn lợn dịch bệnh, khoảng cách tối thiểu chưa đủ 30m này.
 
Đồng thời, đại diện các hộ dân cụm 3 thôn Cơ Giới tha thiết bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị đến lãnh đạo UBND TP Hà Nội, các cơ quan ngành NN&PTNT, Tài nguyên–Môi trường, Cảnh sát môi trường-CATP Hà Nội và cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan vào cuộc thanh kiểm tra tại khu vực hố chôn hơn 6 tấn lợn dịch bệnh, để sớm có kết quả rõ ràng và phương án xử lý phù hợp đảm bảo cho sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, nguồn nước xung quanh.
 
Báo Sức khỏe Cộng đồng điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
 
Đại Lộc