Hàng chục y bác sĩ chạy đua cứu sống cặp song sinh mắc bệnh lý nguy hiểm

Đội ngũ 20 y bác sĩ tới từ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phối hợp thành công cứu sống hai bé trai song sinh bị yếu tim từ khi còn trong bụng mẹ.
Đó là trường hợp của nữ bệnh nhân Đ.T.N.D (quê ở Tiền Giang), lập gia đình đã 5 năm và chưa có con. Hai năm trước chị phát hiện mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống và phải điều trị thường xuyên tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
 
Mới đây chị phát hiện mình mang song thai trong khi vẫn còn điều trị bệnh lupus ban đỏ. Lúc này chị D. vô cùng lo lắng về tình hình sức khỏe của bản thân. Một mặt bệnh tự miễn của chị có thể ảnh hưởng tới hai thai nhi trong bụng. Mặt khác, việc có thai có thể làm tình trạng lupus ban đỏ của chị trở nên trầm trọng hơn. Dù vậy gia đình vẫn giữ lại hai em bé trong bụng.
 
Đội ngũ 20 y bác sĩ của hai bệnh viện nỗ lực cứu sống bé trai bị yếu tim

Chị D. mang thai tới được 23 tuần, các bác sĩ thông báo cả 2 bé đều có biểu hiện nhịp tim chậm (block nhĩ thất độ II-III). Tuổi thai càng lớn, cả hai thai đều biểu hiện kém tăng trọng. Trong vòng một tháng, các bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 2 liên tục họp hội chẩn liên viện để đánh giá diễn tiến sức khoẻ của 2 em bé lẫn thai phụ.
 
Trường hợp của sản phụ D khiến đội ngũ y bác sĩ luôn bị đặt trong thế khó. Các bác sĩ phải làm sao lựa chọn được thời điểm chấm dứt thai kỳ hợp lý một mặt vừa để phổi của hai em bé có đủ thời gian trưởng thành một mặt đảm bảo an toàn cho bệnh lý tim mạch. Do cân nặng của hai bé quá nhỏ so với tuổi thai nên việc đưa ra quyết định càng cần chính xác hơn nữa.
 
Quá trình theo dõi cho hai thai nhi được các bác sĩ thực hiện sát sao trong nhiều tuần liền. Đến khi thai nhi được 34 tuần tuổi, kết quả siêu âm cho thấy mức độ chậm tăng trưởng bắt đầu ảnh hưởng tới thai và nhịp tim bé chậm tới ngưỡng đe dọa tính mạng, các bác sĩ đã chỉ định mổ lấy thai cho chị D.
 
Gương mặt của người bệnh lupus ban đỏ
 
Ca mổ lấy thai được thực hiện vào sáng 21/5/2019 bởi một đội ngũ nhân viên y tế hùng hậu gồm 8 y bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 và 12 người đến từ Bệnh viện Từ Dũ.
 
Đ.T.N.D chỉ được gây tê chứ không gây mê, do đó người mẹ hoàn toàn có thể nghe được con cất tiếng khóc. Hai bé trai chào đời với cân nặng như nhau là 1,9kg (nhẹ hơn so với cân nặng tiêu chuẩn của thai 34 tuần là 2,2-2,4 kg).
 
Tuy nhiên, một trong hai bé trai có nhịp tim thấp hơn, chỉ khoảng 40-50 lần/phút. Các bác sĩ kho Nhi đã đặt catheter tĩnh mạch rốn. Sau đó các bác sĩ đã gây mê cho bé ngủ để đặt máy tạo nhịp tạm thời nhằm đưa huyết động của bé ổn định, duy trì sự sống.
 
Bé trai còn lại dù không có dấu hiệu nhị tim thấp nhưng vẫn được theo dõi sát, nếu ảnh hưởng về huyết động, không đảm bảo tuần hoàn sẽ được can thiệp tương tự.
 
Theo Bs. CK2. Lê Ngọc Diệp- Bệnh viện Từ Dũ, cả hai bé sau đó được chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 2 để theo dõi. Khi cân nặng bé được 2,5 kg, bé sẽ được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
 

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là loại bệnh tự miễn 90% xảy ra ở nữ giới trong độ tuổi từ 15 - 50 tuổi. Lupus ban đỏ có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng trên tim. Bệnh là nguyên nhân gây ra tổn thương đường dẫn truyền nhịp tim dẫn đến rối loạn nhịp tim, khiến nhịp thất còn 40 lần/phút.

Bệnh nhân lupus ban đỏ hoàn toàn có thể mang thai và sinh con, tuy nhiên tình trạng bệnh và quá trình mang thai sẽ có những tác động qua lại lẫn nhau. Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc mang thai có thể là một trong những yếu tố gây khởi phát đợt cấp của bệnh Lupus, ảnh hưởng tới nhiều cơ quan như da, thận, máu và khớp.

Đối với phụ nữ mang thai thì bệnh Lupus khởi phát có thể làm tổn thương nặng nhất với biểu hiện viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận, là một trong những yếu tố tiên lượng xấu, có thể dẫn đến tử vong mẹ trong thai kỳ.

Mặt khác, bà bầu mắc bệnh Lupus có thể dẫn tới nhiều nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi, như tỷ lệ sảy thai và thai lưu, đẻ non, thai chậm phát triển...


Hà Ly (Th)