Chia sẻ với báo chí, bác sĩ Sang cho biết, ban đầu ông Li Ding không hợp tác lắm còn người con chỉ nghĩ đưa cha đi khám cho an tâm chứ không hề nghĩ mình bị mắc bệnh.
Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, bệnh nhân vẫn tỏa ra nghi hoặc. Các bác sĩ phải dùng liệu pháp tâm lý cho cả hai người bệnh để họ an tâm điều trị và cảm giác được an toàn dù ở khu cách ly.

Có tất cả 30 người bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng kiểm soát nhiễm khuẩn, thu dọn chất thải làm nhiệm vụ điều trị và chăm sóc cho hai cha con người Trung Quốc trong khu vực cách ly.
Bác sĩ kể mỗi lần vào khu cách ly anh lại mặc lên người bộ đồ bảo hộ rất cồng kềnh nặng gần 2kg, khẩu trang N95, áo choàng, găng tay, nón, bao giày, kính che mặt trùm kín mít từ đầu đến chân như phi hành gia. Chỉ cần ở trong phòng cách ly 1 tiếng là cơ thể mất nước nhanh, đầu óc choáng váng nên trước mỗi lần vào bác sĩ phải bù 0,5 lít nước.

Khi đã hoàn thành công việc thì việc tháo bộ đồ cũng mất rất nhiều thời gian, chưa kể phải vệ sinh, sát khuẩn nghiêm ngặt.
Suốt từ 29 tháng Chạp đến mùng 3 Tết Âm lịch, 30 y bác sĩ và nhân viên y tế thay nhau túc trực điều trị, chăm sóc cho hai bệnh nhân.
Bác sĩ Sang kể, suốt 5 ngày tết anh là người trực tiếp ở lại bệnh viện. Vợ và con gái 3 tuổi rưỡi ở nhà đều ngóng bố về đi chúc Tết. Trước khi từ viện về nhà, anh phải sát khuẩn và vệ sinh sạch sẽ khắp cơ thể. Dù có thể sinh hoạt bình thường nhưng bác sĩ tránh tiếp xúc gần gũi với vợ con. Anh không muốn gia đình lo lắng và bất an vì công việc của mình.

Sau 14 ngày được cách ly, điều trị, ông Li Ding từ một người không thể tự đi đứng đã sinh hoạt bình thường. Còn anh con trai Li Zichao đã hoàn toàn khỏi bệnh, được xuất viện.
Việc điều trị thành công cho ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Việt Nam thể hiện trình độ y khoa của BV Chợ Rẫy nói riêng và ngành y tế nước nhà nói chung. Với thành công này, Bệnh viện Chợ Rẫy được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen.