Dù các bác sĩ đã hết mình cứu chữa nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi. Hiện tại, bệnh nhi đã được bệnh viện bàn giao cho gia đình đưa về để an táng. Theo đó, các ngành chức năng sẽ kiểm sát chặt chẽ mọi thủ tục để tránh lây lan dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai cũng khuyến cáo: “Trước mắt người dân cần tiềm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em, đặc biệt là bạch hầu. Nếu có triệu chứng sốt, ho, đau họng cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, sàng lọc và điều trị kịp thời”.
Như Tuổi trẻ Xã hội đã đưa tin, bệnh nhi V. được phát hiện dương tính với bạch hầu vào ngày 4/7. Trước đó, ngày 28/6, V. bắt đầu và xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng thì được gia đình tự mua thuốc tự điều trị nhưng 6 ngày sau vẫn không đỡ.
Ngày 3/7, cháu bé 4 tuổi được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Đăk Đoa điều trị. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán bị áp xe amidal thành họng và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Gia Lai vào lúc 6h sáng. Sau khi được thăm khám các bác sĩ Bệnh viện Nhi Gia Lai nghi ngờ V. mắc bệnh bạch hầu.
Ngay sau đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai đã thực hiện lấy mẫu sinh phẩm, gửi xét nghiệm. Theo kết quả ngày 4/7 từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xác định bệnh nhi dương tính với bạch hầu.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, ngày 28/6, V. được mẹ đưa đi thăm người thân ở tỉnh Kon Tum - nơi hiện đã có 22 ca bệnh bạch hầu. Tuy nhiên các bác sĩ chưa xác định được nguồn lây của bệnh nhi. Đáng chú ý, bệnh nhi này đã từng được tiêm đầy đủ 3 mũi Quinvaxem ( phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong 1 năm đầu đời, và tiêm nhắc lại mũi thứ 4 khi 18 tháng tuổi.