Chỉ 2 tháng sau khi chữa khỏi bệnh (tháng 10/2018), Chài bắt đầu có dấu hiệu khó thở nên tới khám tại Bệnh viện Lao phổi tỉnh Nghệ An. Tại đây các bác sĩ phát hiện Chài bị hẹp đường khí quản và đồng ý chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Đầu tháng 5/2019, Chài tìm tới Bệnh viện Phổi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng. BS Nguyễn Viết Nghĩa, Phó khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, bệnh nhân chịu hậu quả nặng nề của tổn thương lao. Sẹo lao làm hẹp phế quản, hẹp khí quản khiến phổi phải tắc hoàn toàn, mất hết chức năng hô hấp.
Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương đã can thiệp nhiều lần để nong khí quản tạm thời, đặt stent khí quản cho bệnh nhân. Thế nhưng đặt stent tại phế quản thì gặp phải khó khăn do stent bằng silicon mềm không cố định được đúng vị trí, gây tới chít hẹp. Việc này khiến cho tình trạng khó thở của bệnh nhân vẫn nặng hơn.
Hồi sinh kỳ diệu sau 3 ca phẫu thuật
Lúc này các bác sĩ đã đưa ra quyết định táo bạo phẫu thuật cho bệnh nhân. Ngày 21/5, các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện E sử dụng hệ thống tim phổi máy nhân tạo.
Ngày 26/5, bệnh nhân tiếp tục được áp dụng kỹ thuật chạy tim phổi máy nhân tạo để phẫu thuật. Tuy nhiên trong quá trình phẫu thuật, rốn phổi bên trái của bệnh nhân bị biến dạng quá nhiều nên không thể tái tạo được nữa. Các bác sĩ buộc phải phẫu thuật mở lồng ngực để đặt stent mềm dài 6ml thông từ khí quản xuống phế quản.
Ca phẫu thuật thứ hai kết thúc, khi các bác sĩ tưởng chừng đã xử lý hết các vấn đề hô hấp của bệnh nhân. Nào ngờ, một ngày sau đó (ngày 28/5), bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch hơn bao giờ hết, cơ hội sống sót chỉ còn 1/1000.
Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, sau 24 giờ phẫu thuật lần hai, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp. Kết quả nội soi phổi phế quản cho thấy nguyên nhân của tình trạng này là do stent silicon mềm vừa được đưa vào cơ thể bệnh nhân đang nằm ngang.
Cũng theo BS Nhung, thời điểm đó bệnh nhân tưởng chừng như đã cận kề cái chết. Mỗi lần hô hấp, bệnh nhân chỉ thở được chừng 10-50ml khí oxy một lần, hầu như không thở. Các bác sĩ buộc phải bơm oxy cao áp vào phổi, chấp nhận cho phổi "tắm" trong oxy, không đào thải được CO2.
Các bác sĩ Bệnh viện Phổi TW phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đưa ra một giải pháp đột phá. Mất 3 tiếng đồng hồ để các bác sĩ thay thế ống stent trong phổi bệnh nhân bằng một ống stent bằng kim loại có giá đỡ tốt hơn, dài 10ml chạy dọc từ khí quản tới tận phế quản gốc trái.
Kể từ thời điểm đó đến nay, tức là hơn 10 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hô hấp lại bình thường có thể ăn uống đi lại. Dự kiến trong một tuần tới Chài sẽ được xuất viện.
Giờ đây, bà Vi Thị Nga (mẹ của Chài) lau nước mắt kể lại: "Lúc tôi nhìn con tím phồng cơ thể, cơ hội sống chỉ còn 1/1000, tôi khuỵu xuống vì không thể ngờ con gái mình mới 25 tuổi lại rơi vào cửa tử như vậy”. May mắn thay đội ngũ y bác sĩ đã đưa con gái bà từ cõi chết trở về.
Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ, trước đây 100% các ca bệnh như của Chài là không thể cứu chữa được. Nhưng ngày nay, phương pháp tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể đã cho phép bác sĩ có đủ thời gian để xử lý tất cả các tổn thương trong cơ thể người bệnh. BS Nhung khẳng định, đây là một ca bệnh được cứu sống kì diệu trong vài chục năm qua tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Được biết, hoàn cảnh gia đình Lò Thị Chài rất khó khăn. Bệnh nhân đã được Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao đã chi trả toàn bộ chi phí phẫu thuật lên tới hàng trăm triệu đồng.
Bệnh lao phổi hoàn toàn có thể chữa khỏi khi được phát hiện sớm và người bệnh tuân thủ đúng pháp đồ điều trị. Dù vậy, vi trùng lao sau khi xâm nhập vào phổi sẽ gây tổn thương nhu mô phổi và có thể để lại biến chứng nặng nề. Ngay cả khi bệnh lao đã được chữa khỏi, vi khuẩn lao đã được tiêu diệt nhưng phổi vẫn có thể bị tổn thương nặng nề, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng.
Một số di chứng có thể gặp sau khi điều trị lao phổi Di chứng mạch máu, ho ra máu: Các động mạch phổi và tĩnh mạch phổi khi bị nhiễm trùng sẽ bị viêm, huyết khối và hoại tử. Khi các đó các mạch máu có thể bị giãn hoặc vỡ mạch, khiến bệnh nhân ho ra máu, tùy vào lượng máu mất có thể gây nguy hiểm đến tình trạng huyết động của bệnh nhân. U nấm phổi Aspergillus: Vi khuẩn lao tấn công vào nhu mô phổi sẽ tạo thành những hoại tử ngay cả khi được điều trị khỏi vẫn có thể để lại những hang lao. Những hang lao này nếu nhỏ sẽ bị xơ hóa và biến mất, nhưng nếu nhu mô phổi bị tổn thương nhiều tạo thành những hang lớn thì rất khó bị xơ hóa và lấp đầy hang. Khi đó, các hang lao tồn tại lâu ngày dễ dẫn tới việc bị nấm Aspergillus fumigatus trong không khí bám vào rồi sinh sôi, phát triển thành cục nấm gọi là u nấm. U nấm sẽ làm người bệnh ho ra máu, lượng nhiều, dai dẳng. Tràn khí màng phổi: Khoang màng phổi bị lấp đầy bởi không khí do các tổn thương dạng bóng khí nằm ở sát bên màng phổi vỡ ra gọi là tràn khí màng phổi. Đây được coi là một biến chứng nặng, có thể xảy ra đột ngột như đau tức ngự, khó thở. Trường hợp tràn khí màng phổi đối với bệnh nhân có tiền sử suy hô hấp do di chứng của các bệnh phổi khác có thể đe dọa tính mạng. Xơ hóa phổi: Các nhu mô phổi bị phá hủy dẫn tới không thể hồi phục lại các cấu trúc phức tạp ban đầu là phế nang, vách phế nang, mạch máu. Khi đó các tổn thương dưới dạng các mô hạt chứa các sợi fibrin và collagen gây xơ hóa. Các sợi mô này sẽ hình thành các vùng bị mất chức năng hô hấp bình thường. Suy hô hấp mạn tính: Nhu mô phổi sau khi bị phá hủy bởi vi trùng lao sẽ không hồi phục, phổi bị xơ hóa sẽ không còn chức năng hô hấp. Chức năng phổi suy giảm, đồng nghĩa với việc hô hấp của bệnh nhân sẽ khó khăn. Bệnh nhân sẽ thường xuyên cảm thấy khó thở, thở dốc do thiếu oxy cung cấp cho máu. Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, thời gian có một nghiên cứu đã cho thấy những người đã từng chữa khỏi lao vẫn có tỷ lệ tử vong cao hơn cộng đồng khác. Sau khi khỏi lao, những xơ sẹo sẽ còn tiến triển gây nên các bệnh như phổi tắc nghẽn mãn tính. Các chuyên gia khuyến cáo, người bị bệnh lao không nên vì tâm lý mặc cảm, sợ kỳ thị hoặc sợ tốn kém mà giấu bệnh lao. Điều này có thể khiến bản thân trở thành nguồn lây bệnh trong cộng đồng và tự làm cho tình trạng bệnh của bản thân nặng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng. Đối với người đã chữa khỏi lao vẫn cần kiểm tra định kỳ để biết tình trạng phổi và phát hiện sớm những rối loạn có thể mắc phải do vi khuẩn lao để lại. |