Chỉ số chiều cao cân nặng cho nam tuổi 18
Cơ thể cần rất nhiều thời gian để điều chỉnh cân nặng lên xuống tùy theo thời điểm nhưng chỉ có một khoảng thời gian nhất định để phát triển chiều cao. Nếu bỏ lỡ cơ hội, đến tuổi trưởng thành nhiều người sẽ không đạt được chiều cao như mình mong muốn.
Ở tuổi 18, các bạn nam đã bước qua giai đoạn dậy thì và chạm sang ngưỡng trưởng thành. Ở độ tuổi này, chiều cao sẽ phát triển chậm lại so với trước đó, bởi vậy các bạn nam nên chú ý đến cân nặng để có thể đạt được sự cân đối giữa hai chỉ số.
Nhiều người thắc mắc: Nam giới 18 tuổi có chỉ số chiều cao cân nặng bao nhiêu là chuẩn? Thực tế, chiều cao cân nặng cho nam giới tuổi 18 lần lượt là 175,7 cm và 66,9kg. Nếu chiều cao vượt mức là tốt, chiều cao cân nặng thấp hơn một chút cũng không sao, nhưng nếu thấp hơn quá nhiều thì bạn nên xem lại chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình.
Để sở hữu thân hình chuẩn không chỉ dựa vào chỉ số chiều cao cân nặng mà phải có chỉ số khối cơ thể BMI cân đối. Chỉ số BMI được tính bằng công thức: Lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét).
Nếu BMI dao động từ 18,5 – 24,9, thân hình đó thuộc loại cân đối, thấp hơn 18,5 hoặc lớn hơn 24,9 thi thân hình sẽ thuộc diện gầy hoặc béo.
Bí quyết cải thiện chiều cao, cân nặng ở tuổi 18
Thực tế, bạn vẫn có thể có cơ hội cải thiện thêm một chút chiều cao cũng như sở hữu cân nặng khỏe mạnh nếu như hiểu được cơ chế của quá trình tăng chiều cao cũng như áp dụng đúng các bí quyết.
Có rất nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển chiều cao của con người, ngoài yếu tố di truyền (23%) không thể thay đổi thì dinh dưỡng (chiếm 32%), vận động (18%) và giấc ngủ chiếm (17%).
Để tuổi 18 có thể phát triển chiều cao tốt nhất thì cơ thể phải khỏe mạnh. Bạn phải sống trong môi trường tốt, tuân theo chế độ dinh dưỡng khoa học và rèn luyện thể dục thể thao, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý, đúng giờ giấc.
Dinh dưỡng: Bổ sung đa dạng các nhóm thực phẩm như chất đạm, chất béo, tinh bột, rau xanh và trái cây. Để phát triển chiều cao, nên tăng cường các loại thực phẩm giàu sắt, kẽm, canxi như cá, tôm, cua, thịt bò, lợn, gà, trứng, đậu nành.... Trong các bữa ăn, chỉ nên ăn đủ no, không nên ăn quá nhiều.
Ngoài các bữa chính, thêm các bữa phụ bằng cách tiêu thụ sinh tố, hoa quả, sữa tươi, sữa chua, phô mai... Hạn chế tiêu thụ đồ đóng hộp, đồ nhiều dầu mỡ, đồ nhiều muối và đồ ngọt; không uống đồ có gas, rượu bia, chất kích thích, nước ngọt...
Vận động: Thường xuyên chơi 1 môn thể thao ít nhất 60 phút/ngày. Các môn thể thao có thể thúc đẩy chiều cao như: yoga, nhảy dây, đá bóng, bóng rổ, đạp xe, chạy bộ, bơi lội...
Thùy Nguyễn (t/h)