Anh Kim Đa R. Q. là người dân tộc Khơ-me, sống tại một vùng quê nghèo tỉnh Trà Vinh. Sau một tai nạn giao thông từ lâu, chàng trai 25 tuổi này đã phải chịu cảnh mù lòa suốt 8 năm qua. Suốt thời gian dài không nhìn thấy ánh sáng, chàng trai gặp khó khăn trong mọi sinh hoạt khi hoàn toàn phải trông cậy vào sự giúp đỡ của người khác.
Còn trường hợp của anh Trương M.M. đã sống cảnh mù lòa suốt 5 năm vì gặp phải một chấn thương nặng ở mắt. Sau khi được ghép giác mạc, anh M. mong muốn điều đầu tiên là được nhìn thấy cô con gái bé bỏng của mình. Anh mong muốn được trông thấy khuôn mặt đáng yêu của con gái, hai cha con sẽ đưa nhau đi thăm ông bà họ hàng. Anh M. cũng không quên bày tỏ niềm cảm kích với gia đình cô gái trẻ đã hiến giác mạc cho mình.
Được biết, hai ca ghép giác mạc thành công này nằm trong chương trình mổ mắt từ thiện do BV Nguyễn Trãi phối hợp với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM (Hội BTBNN TP.HCM) thực hiện hơn 10 năm qua. Việc ghép giác mạc miễn phí đã đem lại cơ hội được tìm lại ánh sáng cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo ở khắp các tỉnh, thành đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Theo BS Trần Thành Danh – Trưởng khoa mắt kỹ thuật cao BV Nguyễn Trãi cho hay, chương trình này ưu tiên đối tượng là những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đó có thể là những trụ cột lao động chính nhưng đôi mắt mù lòa sẽ cản trở cuộc sống không chỉ của cá nhân mà của gia đình họ. Hầu hết các đối tượng được ghép giác mạc là những người mắc bệnh lý giác mạc ở cả hai mắt nhưng không có bệnh lý thần kinh để tỷ lệ khôi phục thị lực đạt hiệu quả cao nhất. Các bệnh nhân của chương trình đều được ghép giác mạc miễn phí.
Mới đây, chàng trai Phạm Công Tuấn Anh (26 tuổi, Hà Nam) mắc bệnh hiểm nghèo dị dạng mạch máu não không qua khỏi đã được gia đình hiến toàn bộ nội tạng để cứu người. Tim, gan, 2 thận được ghép cho 4 bệnh nhân khác nhau. Các tạng còn lại của bệnh nhân được dùng để cứu sống 3 người khác nữa. Giác mạc của anh cũng được lưu trữ tại Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương chờ người nhận phù hợp. Vượt qua những rào cản về tâm lý và định kiến xã hội, ông Phạm Văn Thụ đã quyết định "cho đi để nhận lại". Người cha già bất chấp mang tiếng "bán con" để cứu giúp những mảnh đời bất hạnh khác trong xã hội. |