"Khi xem hình ảnh quảng cáo về sản phẩm với một bên da đen sạm và một bên đã được "bóc" trắng sáng, tôi đã mua ngay không suy nghĩ. Số tiền mua sản phẩm chỉ hết 100.000 đồng nên ngay sau khi nhận được hàng tôi đã dùng ngay theo hướng dẫn"- bệnh nhân N. kể lại.
Khi bôi lớp đầu tiên, cô thấy da bị tẩy nhẹ, theo hướng dẫn sau 30 phút sau N. bôi thêm lần nữa nhưng ngay lần này cô cảm thấy da châm chích như kim châm, nóng rát và da đổi màu thâm sạm.
Quá lo lắng, cô gái tìm hỏi người bán hàng thì được giải thích là do da chưa đủ thời gian bong tróc, cần bôi thêm vài lần. Nào ngờ càng bôi thì da càng bỏng rát và đen sạm.
Khoảng 4-5 tiếng sau khi bôi, cô bạn cùng phòng hét lên khi nhìn thấy làn da đen sạm của chị N. mới khiến chị bừng tỉnh. "Khi đó tôi chỉ biết khóc, thậm chí đã nghĩ đến cái chết khi nhìn khuôn mặt kinh khủng của mình trong gương. Được mọi người động viên tôi mới đến bệnh viện khám"- bệnh nhân N. kể.
Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân N. mới hết cảm giác ngứa rát, không còn phù nề, giảm đỏ... lớp da bị bỏng đã bong dần và đang lên da non.
Theo bác sĩ Thành, sau khi phục hồi làn da bị tổn thương bệnh nhân sẽ được điều trị mụn trứng cá và rám má để hồi phục và cải thiện làn da cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Trung, Khoa Laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, hiện nay công nghệ sản xuất mỹ phẩm giả ngày càng tinh vi nhưng vẫn đánh lừa được những cô nàng nhẹ dạ cả tin hoặc làm đẹp giá rẻ.
Các loại mỹ phẩm trôi nổi được sản xuất bằng những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua. Nếu người dùng bôi lên da sẽ gây hậu quả là dị ứng, mẩn ngứa, nổi mụn, rám da nặng nề hơn.
Nếu sản phẩm có tính chất lột rửa mạnh, thì thời gian đầu da đẹp hơn nhưng một càng dùng chúng càng gây biến đổi giãn mạch, mọc lông, teo mỏng da, thay đổi sắc tố, phụ thuộc corticoid, nếu không dùng sẽ bị mẩn ngứa.