Gen Z mất phương hướng

Nguyễn Trang
Các quản lý cấp trung, thường là Gen Y, chiếm hơn một nửa số vụ sa thải trong năm 2023. Gen Z cũng bị ảnh hưởng lớn khi các “sếp nhỏ” mất việc.

Các quản lý cấp trung chiếm khoảng 1/3 số vụ sa thải trong năm 2023 - tăng từ 20% vào năm 2018. Ảnh: Vecteezy.

Theo Business Insider, các công ty đang sa thải ngày càng nhiều quản lý cấp trung - những người chịu trách nhiệm quản lý nhân sự chuyên môn và kết nối với quản lý cấp cao. Xu hướng này được gọi là “unbossing” (Tạm dịch: sa thải “sếp”).

Tuy nhiên, không chỉ những người mất việc bị ảnh hưởng mà những nhân viên cấp dưới được giữ lại, đa số là Gen Z, cũng gặp nhiều vấn đề khi các quản lý đột nhiên biến mất.

“Giữ tốt, thí xe”

Lara Milward, chuyên gia xây dựng văn hóa làm việc cho các tập đoàn lớn, nói những người ở độ tuổi 30, đang làm ở các trị trí như trưởng phòng, trưởng nhóm, là những người dễ bị mất việc trong giai đoạn này. “Ngoài Gen Y, các thế hệ khác cũng bị ảnh hưởng từ xu hướng ‘unbossing’ này”, cô nói.

Joe Galvin, giám đốc nghiên cứu của Vistage - một công ty về quản lý nhân sự, cho biết nguyên nhân của hiện tượng “unbossing” là do mô hình làm việc tại nhà (work from home) ngày càng được ưa chuộng. Đồng thời, những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo cũng là một trong những nguyên nhân.

“Trong những năm 1980, người ta phải có mặt trực tiếp để nói chuyện, phân công và giám sát nhân viên của họ. Và các giám đốc, chủ tịch sẽ thuê quản lý cấp trung để làm công việc đó”, Galvin nói. “Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các quản lý cấp cao có thể làm việc trực tiếp với nhân viên thay vì thông qua một người nào khác. Do đó, nhiều ông chủ quyết định ‘thí xe’ để giữ lại các chuyên viên - những người trực tiếp kiếm ra tiền”.

Theo ông, người ta hiếm khi thấy những “ông sếp bụng bự” đi quanh văn phòng và kiểm tra xem nhân viên của mình đang làm gì trong những tập đoàn hiện đại. “Cách phân công và giám sát công việc đã thay đổi rất nhiều nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ”, Galvin phân tích.

lan song sa thai anh 1

Tỷ lệ nhân viên - quản lý bậc trung - giám đốc điều hành bị sa thải từ năm 2018-2023. Ảnh: Bloomberg.

Một phân tích gần đây của Bloomberg cho thấy các quản lý cấp trung chiếm khoảng 1/3 số vụ sa thải trong năm 2023 - tăng từ 20% vào năm 2018. Phân tích của Live Data Technologies cũng cho thấy những người lao động từ cấp quản lý trở lên chiếm gần 50% những vụ sa thải trong năm 2023, tăng 57,6% so với 5 năm trước.

Đặc biệt, Gen Y, những người có tuổi từ 28 đến 43 và đang trong hành trình leo lên vị trí quản lý cấp cao, chiếm gần 94% trong tổng số người bị sa thải, theo Revelio Labs.

“Vì thế hệ Y chiếm tỷ lệ rất lớn trong số các quản lý cấp trung nên họ là người bị ảnh hưởng nhiều nhất”, Chris Lovell, cố vấn sự nghiệp tại Sofi Technologies, cho biết. “Đây cũng là thế hệ được nuôi dạy theo con đường phát triển sự nghiệp truyền thống: Đi học, lấy bằng và thăng tiến trong công ty”.

Gen Z mất phương hướng

Shoshanna Davis, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, phân tích Gen Z và Gen Y đang cố gắng bỏ công việc ở lại cơ quan và tận hưởng trọn vẹn thời gian nghỉ ngơi của bản thân. “Nếu được, họ sẽ ưu tiên làm việc tại nhà để không phải di chuyển quá lâu hoặc làm việc dưới sự giám sát”, cô nói thêm các quản lý cấp trung bị đuổi việc là vì họ không còn đủ nhân viên làm việc trực tiếp để giám sát.

Theo Davis, điều này có thể ảnh hưởng đến các Gen Z khi họ bắt đầu công việc đầu tiên hoặc thứ hai. “Đa số Gen Z hiện nay chỉ vừa bắt đầu sự nghiệp của bản thân và cần một người dẫn dắt, kết nối họ với môi trường công sở”, cô nói.

lan song sa thai anh 2

Khi các quản lý cấp trung bị loại bỏ, các Gen Z sẽ mất đi những người hướng dẫn, huấn luyện và cố vấn. Ảnh: Business Insider.

“Khi các quản lý cấp trung bị loại bỏ, các Gen Z sẽ mất đi những người hướng dẫn, huấn luyện và cố vấn. Điều này sẽ làm họ chao đảo và mất phương hướng trong hành trình phát triển sự nghiệp”, Davis phân tích.

Cô nhận xét Gen Z thường là những người “không được cấp trên yêu thích” vì suy nghĩ tôn thờ lối sống work-life balance (sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống). Theo Business Insider, Gen Z còn là thế hệ phân loại những công việc “dành cho người lười” và tin vào những lợi ích của trào lưu “nghỉ việc im lặng”.

Tuy nhiên, theo Davis, khi ngày càng nhiều quản lý cấp trung bị sa thải, những nhân viên còn lại có quyền đặt câu hỏi liệu họ có được tăng lương hoặc thăng chức hay không. Mặt khác, sự nghiệp của họ có bị trì trệ hay không khi những vị trí quản lý cấp trung đang có xu hướng bị loại bỏ trong hệ thống phân cấp của công ty.

“Nếu xu hướng ‘unbossing’ tiếp diễn, tôi e rằng động lực làm việc của mọi người sẽ dần mất đi. Bởi lẽ, nếu thăng chức từ chuyên viên lên quản lý cấp trung và tự đẩy mình vào nguy cơ bị sa thải, chẳng ai dại gì mà làm điều đó?”, cô nhấn mạnh.