Trầm cảm vì ám ảnh bệnh tật

Chị tìm đến Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An thăm khám với tâm lý thoải mái như một cuộc kiểm tra sức khỏe thông thường. Nhận tin từ bác sĩ khẳng định ung thư vú, cả bầu trời sụp đổ trước mặt chị. "Khi nhận tin từ bác sĩ, tôi vẫn cố gắng trấn an bản thân rằng kết quả sai rồi, bác sĩ cũng sai rồi… mình không thể mắc ung thư được", chị Hương kể lại. Một lần nữa, chị cùng chồng ra Hà Nội, tìm tới Bệnh viện K Hà Nội làm sinh thiết lại với hy vọng kết quả khả quan hơn. Những ngày chờ kết quả sinh thiết với chị Hương thực sự là cực hình. Cảm giác lo sợ, nặng nề đè nặng trong đầu. Ngày nào chị cũng cầu nguyện cho cái chẩn đoán ung thư vú kia là sai. Ngày nào chị cũng chắc mẩm chắc là không sao đâu, chắc là nhầm lẫn thôi.
Đã không có phép màu nào xảy ra, kết quả, chị được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 2. Chồng chị Hương kể lại, cầm tờ giấy kết quả sinh thiết trên tay, vợ anh quỵ xuống, nước mắt chực trào. Bản thân là người chồng nhưng không biết làm cách nào an ủi vợ. Sau thăm khám, ngày 2/6/2016, chị Hương cùng chồng ra Hà Nội nhập viện để đoạn nhũ (cắt bỏ vú trái) theo chỉ định. Chị Hương kể lại, thời điểm sau phẫu thuật, cảm giác mất hẳn một bên vú khiến chị thấy một phần cơ thể như tách rời. Cảm giác mất mát, hụt hẫng khiến chị càng suy sụp, tiều tụy.

"Phải tấn công ung thư trước khi ung thư tấn công mình"
Những ngày đắm chìm trong đau khổ, tuyệt vọng và bệnh tật, vẫn may mắn chị Hương luôn có người chồng ở bên chăm sóc. Những ngày tháng 6, Hà Nội nóng như đổ lửa, lo vợ ra mồ hôi nhiều, chồng chị thường xuyên giặt khăn lau khắp người cho vợ. Họ hàng thân thích và gia đình thường xuyên lui tới động viên an ủi, trò chuyện để chị vơi bớt nỗi mặc cảm bệnh tật. Sau này kể lại chị bảo, lúc đó mới thấu hiểu và cảm thấy may mắn khi có chồng và người thân ở cạnh bên. Những tưởng cuộc sống sẽ mãi tối tăm, đau khổ cho đến một ngày, chồng chị mua tặng cuốn sách, chị vô tình đọc được một câu tâm đắc: "Thân bệnh là ta đã bị trúng một mũi tên, nếu để tâm bệnh ta trúng thêm một mũi tên nữa, cùng lúc trúng hai mũi tên đau sẽ thêm đau khi đó ta có chịu nổi không...".

Câu nói ấy như thức tỉnh chị, xóa tan mọi mệt mỏi, mặc cảm bệnh tật. Vượt qua nỗi buồn chán, chị quyết định đối diện và chiến đấu với bệnh tật. "Tôi nghĩ, dù khóc hay cười thì mình vẫn phải sống, xung quanh còn chồng con, người thân và bạn bè. Từ đó tôi có thái độ tích cực và hợp tác với mọi người hơn", chị Hương kể lại. Chị tìm hiểu thông tin về bệnh ung thư vú, tham gia các nhóm - diễn đàn với chị em đồng bệnh để có thêm kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc bản thân. Chị nói luôn nhắc mình phải lạc quan vui vẻ bởi đây là yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh. "Tôi thật sự vui khi học được cách chấp nhận. Với tôi bây giờ sống bao lâu không quan trọng, quan trọng là chất lượng cuộc sống và tôi quyết định tấn công ung thư trước khi để ung thư tấn công mình", chị Hương tâm sự.
Rất nhiều người sau khi gặp lại chị đều ngạc nhiên trước sự thay đổi về thể chất và tâm lý. Hơn 3 năm kể từ khi phát hiện bệnh, sức khỏe chị Bình Hương ổn định hơn nhờ thường xuyên vận động và chơi thể thao. Trong lần tái khám gần nhất, bác sĩ thông báo mọi chỉ số của cơ thể đều bình thường. Chị tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, uống thuốc và tiêm thuốc theo đơn từ 5-10 năm.
1. Tránh căng thẳng: Căng thẳng kéo dài là một trong những yếu tố làm suy giảm hệ thống miễn dịch và gây viêm, tiền đề cho bệnh ung thư tấn công. Để giảm bớt căng thẳng và lo âu về bệnh tật, chị Hương tham gia các lớp thiền định, yoga, thường xuyên cùng bạn bè đi picnic, tham gia các hội hoa lan hoặc làm từ thiện.
2. Tăng cường vận động: Vận động cơ thể nhẹ nhàng bằng cách tập thể dục, chơi thể thao được chứng minh là giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh. Bản thân chị Hương từng là 1 giáo viên dạy yoga và là "con nghiện" tennis. Trước khi bị bệnh chị thường xuyên chơi thể thao. Sau khi hồi phục, chị đều đặn tập yoga 30 phút mỗi sáng, các buổi chiều lại vác vợt ra sân "để được cười, được đổ mồ hôi đầm đìa kể cả trời đông lạnh buốt".
3. Bổ sung vitamin D đều đặn: Vitamin D đóng vai trò quan trọng với sức khỏe bao gồm giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh và phòng chống bệnh tật. Việc bổ sung khá đơn giản thông qua đường ăn, uống hoặc tắm nắng mỗi ngày. Chơi thể thao mỗi ngày, ăn uống đủ chất là cách chị Hương nạp vitamin D. Ngoài ra, chế độ ăn hàng ngày cần đảm bảo ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, tránh khói thuốc.
4. Duy trì cân nặng: Bác sĩ khuyến cáo việc duy trì cân nặng là cần thiết đặc biệt với người có tiền sử điều trị bệnh ung thư vú.
Khi đã trải qua đủ mọi đau khổ của người mắc bệnh ung thư, vật lộn giữa ranh giới sự sống và cái chết, chị Hương đã trở lại là chính mình. Chị nhắn nhủ tới những bệnh nhân ung thư còn đang buồn chán, đau đớn hãy làm tất cả vì chính bản thân mình, vì gia đình. "Không quan trọng số lượng ngày sống, mà chỉ quan trọng ý nghĩa và chất lượng của một ngày sống. Nếu còn một ngày để tồn tại hãy luôn là ngày bạn được sống khỏe và sống có ích nhất".