Kinh nghiệm chiến thắng ung thư [7]: Thấu hiểu cái chết để lựa chọn cách sống an nhiên, ý nghĩa

Ai mắc bệnh hiểm nghèo cũng đều suy nghĩ về cái chết nhưng chọn cách ra đi như thế nào còn tùy thuộc vào cách họ đối diện với bệnh tật. Có người bị dằn vặt về cả thể xác và tinh thần, có người ra đi thật an nhiên.
Bệnh tật sẽ giúp ta thấu hiểu cái chết. Tử thần lúc nào cũng chọn khi người ta không ngờ tới nhất để xuất hiện. Ta sẽ chắn chắn thua cuộc nếu tìm cách tránh né nó.
 

Cái chết chỉ là bắt đầu của một kiếp sống mới

 
Huyền, người phụ nữ ngoài 30 tuổi phát hiện ung thư vú cách đây 6 năm, thời điểm đứa con đầu lòng vừa được 1 tuổi rưỡi. Huyền mắc căn bệnh hiểm nghèo giống hệt cô bạn thân là người sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam. Cả hai phát hiện bệnh cách nhau khoảng 1 năm.
 
Cảm giác chung của những người đang khỏe mạnh khi hay tin mình mắc ung thư đều là bàng hoàng, sụp đổ và tuyệt vọng. Huyền cũng có cảm giác hệt như vậy. Những nỗi sợ dồn dập kéo tới, trước khi sợ chết, Huyền hoang mang không biết quãng thời gian còn lại phải chung sống với bệnh tật như thế nào. 
 
Niềm hạnh phúc của người phụ nữ ung thư vú giai đoạn cuối khi nhận ra giá trị của cái chết
 
Bước đầu tiên trên hành trình chống chọi với ung thư vú của Huyền là ca phẫu thuật kéo dài 3 tiếng. Sau phẫu thuật, cô tiếp tục xạ trị và truyền hóa chất. Dù cố giấu nhưng ngoại hình vẫn đủ sức tố cáo cô là một bệnh nhân ung thư với cái đầu trọc lốc, đến lông mày lông mi cũng nhẵn nhụi, sụt cân nhanh chóng khiến cô tiều tụy đi rất nhiều.
 
Hóa chất dần gặm nhấm người phụ nữ nhỏ bé ấy. Vùng mạch máu ở cổ tay cô thâm đen lại vì bỏng hóa chất. Có khi hóa chất khô khiến móng tay và chân sưng lên, mưng mủ rồi thối rữa. Có bệnh ở ngực nhưng Huyền thậm chí không thể nói bởi dây thanh quản cũng bị bỏng, cổ họng phồng rộp vì hóa chất. Trong lúc mệt mỏi đến tàn lụi, Huyền đã nghĩ mình sẽ chết vì hóa chất hay vì căn bệnh quái ác kia hay cả hai. Điều này có quan trọng không. Có, nhưng không quan trọng bằng cách người ta chết trong tâm thế nào?
 
Khi Huyền còn đang bải hoải chống chọi với bệnh tật thì những tin dữ ùn ùn kéo tới. Người bạn thân của cô đang ở Úc ra đi không lời từ biệt sau hơn 2 năm chống chọi với ung thư vú. Chính người bạn ấy đã truyền cho Huyền sức mạnh và năng lượng tích cực trong suốt thời gian đầu trị bệnh, vậy mà chính nó lại ra đi trước. Những người xung quanh lần lượt từ giã cõi đời vì bệnh tật, vì chính căn bệnh mà cô đang mang, hơn lúc nào hết, tinh thần Huyền như rơi xuống đáy vực thẳm, không gì cứu vãn nỗi.
 
Hơn 1 năm sau ngày phẫu thuật, bệnh tình của Huyền ổn định nhưng rồi nói bất chợt tái phát sau 5 năm và di căn vào phổi. Bác sĩ cũng không dám tiên lượng thời gian cô có thể sống sót. Lần này, cô phải tiếp tục chung sống với hóa chất. Đến khi nào ư? Đến khi nào không chịu được nữa.
 
Niềm hạnh phúc của người phụ nữ ung thư vú giai đoạn cuối khi nhận ra giá trị của cái chết
 
Kể từ đó đến nay, Huyền đã trải qua gần 15 lần hóa chất và 2 ca phẫu thuật nặng. Lạ thay cô không còn cảm thấy mệt mỏi như những lần truyền hóa chất đầu tiên. Huyền của ngày hôm nay bình thản hơn, không còn chìm trong sự dằn vặt về tinh thần, thứ mà nhiều bệnh nhân K gọi là "đáng sợ hơn cả cái chết". Cô nói, 5 năm bệnh tình ổn định là đủ thời gian cho cô giác ngộ về cái chết.
 
Huyền kể về người chồng thường xuyên quan tâm chăm sóc mình. Có lần anh động viên cô: "Tất cả những gì em đang trải qua, anh không thể hiểu hết. Nhưng dù có vui mừng, hạnh phúc hay khổ đau… thì cũng chỉ là cảm giác của em. Tất cả rồi sẽ qua". Sau những cảm giác lo sợ về cái chết, giờ đây cô tin luân hồi là có thật. Thứ gì được sinh ra rồi mất đi, sẽ lại tiếp tục được sinh ra một lần nữa. "Con người sống ở kiếp này chỉ là để hoàn thành một sứ mệnh. Trần gian cũng chỉ là cõi dừng chân. Nếu như tin cuộc sống có sự kéo dài sau cái chết, trong đó tận cùng của sự chết cũng là khởi thủy của kiếp sống mới… thì không còn gì đáng sợ nữa".
 

Bệnh tật sẽ giúp ta thấu hiểu cái chết

 
Trước khi bị bệnh, Huyền rất tích cực tham gia công tác xã hội. Tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện giúp cô quen biết và học hỏi từ nhiều người đáng nể trong xã hội. Rất nhiều người làm chủ các dự án xã hội thực chất đều mang trong mình bạo bệnh. Huyền tham gia CLB Phụ nữ Kiên Cường của chị Ngọc - người phụ nữ mất 1 chân nhưng 11 năm chung sống với bệnh ung thư vú. Từ bản thân mình, chị ngày ngày truyền nghị lực sống cho hàng trăm bệnh nhân khác. Còn chị Nguyễn Thị Vân – Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống dù mắc bệnh teo cơ tủy sống bẩm sinh vẫn vươn lên thành đạt và có cuộc tình đẹp như mơ với một chàng trai ngoại quốc. Những sự kết nối xã hội dạy cho Huyền nhiều điều, kéo cô trở lại cuộc sống hòa nhập với cộng đồng, không chỉ thu mình "gặm nhấm" bệnh tật.
 
Huyền nhận ra điều đáng trân quý nhất với mình lúc này là những người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Họ không bao giờ coi cô là bệnh nhân ung thư, ai cũng sẵn lòng hỗ trợ cô hết mình. Mỗi khi mệt mỏi, chán nản cô lại nhớ đến câu nói của chồng: "Có anh luôn ở đây" hay "em đừng lo, mọi thứ rồi sẽ qua". Khi ấy, mọi nỗi bất an đều bị trấn áp.
 
Cô nhận ra, những người luôn phải thường trực đối diện với cái chết lại luôn nghĩ về cái chết màu hồng. Có phải bệnh tật khiến người ta thấu hiểu cái chết? Người bệnh ung thư nào chẳng nghĩ nhiều về cái chết. Nhiều người lo sợ về cái chết vì nghĩ chết là hết. Còn Huyền luôn cho rằng sinh, lão, bệnh, tử là chu trình tuần hoàn, lặp đi lặp lại từ người này sang người khác, từ khi cơ thể mới sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Tử thần lúc nào cũng chọn khi người ta không ngờ tới nhất để xuất hiện. Cái chết có bao giờ đem đến niềm vui, nó là đau khổ, là tội ác... Nhưng có điều chắc chắn là nếu ta tìm cách né tránh nó thì ta sẽ thua cuộc.
 
Niềm hạnh phúc của người phụ nữ ung thư vú giai đoạn cuối khi nhận ra giá trị của cái chết
 
Huyền luôn nói với người chồng của mình rằng: Cô sẽ dừng điều trị nếu lúc nào đó cảm thấy quá đau, đau tới không chịu nổi nữa. Đến một lúc nào đó người ta sẽ đem từng hơi thở, từng cơn đau thành thước đo của sự sống thì có lẽ, ta nên có quyền được chết. 
 
Huyền nhớ về về nhà báo Cẩm Bào, người chiến binh kiên cường rất nổi tiếng trong cộng đồng ung thư vú, vẫn kịp ra mắt cuốn sách cuối cùng mang tên Đóa hoa vô thường trước khi từ giã cõi đời. Rất nhiều người mà Huyền quen biết cũng mang trong mình bệnh hiểm nghèo nhưng đều ra đi thanh thản, mãn nguyện. Cô nhận ra mình học được nhiều điều từ những cái chết của những người "đồng đội". Mỗi người có thể ra đi theo nhiều cách khác nhau: đau khổ hoặc nhẹ nhàng, nhưng khi họ thật sự hòa vào vòng tay cõi chết, tất cả đều an lạc, nhẹ nhõm như trút bỏ được gánh nặng.
 

Làm cho cuộc sống trở nên đáng sống hơn trước khi chết

 
Bệnh nhân ung thư nghĩ về cái chết thì chẳng có gì xa lạ, còn người luôn nghĩ về những ngày mình còn được sống thật sự là đáng quý. Sau nhiều năm trăn trở về cái chết, chứng kiến cái chết của nhiều người khác, Huyền đã lựa chọn thái độ hoàn toàn khác: Làm sao cho cuộc sống trở nên đáng sống khi đối mặt với cái chết.
 
Như lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: "Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không". Thời điểm ung thư tái phát và di căn vào phổi khiến Huyền nhận ra ý nghĩa sâu sắc của câu nói ấy. Cô mua cho con trai một bảo hiểm lớn, chuẩn bị cho tương lai đưa con sang Đức nếu mình chết sớm. Cô nhiều lần khuyên chồng về việc đi bước nữa sau khi mình chết.
 
Thay vì ở nhà dưỡng bệnh hay chờ chết, cô thành lập một công ty startup nhỏ cùng với 15 người đồng nghiệp cũ thân thiết. Huyền nói sau khi công ty này hoạt động ổn, cô sẽ rút ra và chuyên tâm vào công ty startup cùng chồng.
 
Huyền vẫn tích cực tham gia nhiều dự án cộng đồng. Cô là người kết nối tổ chức Chung tay vì cộng đồng với các nhà hảo tâm mình quen biết. Cùng với chị Ngọc - người sáng lập, Huyền là thành viên ban Chủ nhiệm CLB Phụ nữ kiên cường và các dự án nhỏ khác. Niềm vui mỗi ngày của Huyền là giải tỏa tinh thần cho chính bản thân mình và truyền cảm hứng sống cho những bệnh nhân khác.
 
Huyền nói: "Khi mình chuẩn bị mọi việc cho cái chết thì sẽ sống rất thoải mái, làm được nhiều điều mình muốn làm. Khi đó, cuộc sống cũng không còn khổ đau nữa mà chỉ còn hạnh phúc và yêu thương. Mong mỏi duy nhất của Huyền lúc này là khi chuẩn bị "đi xa", xe có đầy đủ bố mẹ, anh em, con trai và chồng ở bên cạnh, chứng kiến khoảnh khắc hơi thở của cô hóa thinh không.

 
Hà Ly (t/h)