Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam trong tuần qua theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Các đơn hàng đặt trên nền tảng này không được phép thông quan. Ngôn ngữ giao diện trên ứng dụng lẫn website cũng đã chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Bộ Công Thương yêu cầu Temu phải hoàn thành đăng ký hoạt động theo quy định Pháp luật Việt Nam, nếu không sẽ bị chặn truy cập. Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Ủy ban Cạnh tranh sẽ phối hợp giám sát Temu thực hiện trách nhiệm với người dùng Việt Nam.
Khó chồng khó tại Đông Nam Á
Không chỉ tại Việt Nam, Temu đang gặp phải nhiều rào cản tương tự tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia và Thái Lan. Chính phủ Indonesia đã ra lệnh xóa Temu khỏi các kho ứng dụng vào tháng 10/2023. Quốc gia cáo buộc mô hình kinh doanh của nền tảng làm tổn hại đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nội địa.
Theo Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Indonesia, ông Budi Arie Setiadi, mô hình kinh doanh của Temu cho phép các nhà sản xuất nước ngoài bán trực tiếp cho người tiêu dùng Indonesia.
Điều này tạo ra lợi thế không công bằng đối với các doanh nghiệp trong nước. Chính phủ Indonesia thậm chí còn tăng thuế nhập khẩu lên mức 100-200% đối với một số mặt hàng, không chỉ nhằm vào Temu mà còn với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới khác.
Muhammad Habib Abiyan Dzakwan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS) cho biết mức giá, các ưu đãi miễn phí vận chuyển, giảm giá của Temu sẽ không có lợi cho Indonesia về lâu dài.
“Có khả năng Indonesia sẽ phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ, làm giảm thặng dư thương mại của Indonesia, đồng thời làm giảm khả năng cạnh tranh của các SME”, ông nói với Straits Times.
Đơn hàng được giảm giá cực sâu, có đơn còn không cần thanh toán thêm gì. |
Jiayu Li thuộc công ty tư vấn chính sách Global Counsel tin rằng Temu khó có thể từ bỏ Indonesia vì dân số đông, trẻ và nhạy cảm về giá của đất nước này. Bà nói: “Trong giới các công ty Trung Quốc, có câu nói rằng không thể chiếm được thị trường Đông Nam Á nếu không giành chiến thắng ở Indonesia”.
Dù đã 3 lần nộp đơn đăng ký giấy phép hoạt động, Temu vẫn chưa được cấp phép tại Indonesia. Công ty này còn thay đổi tư cách pháp nhân từ công ty mẹ tại Trung Quốc sang một công ty địa phương, nhưng vẫn không vượt qua được rào cản pháp lý.
Tại Thái Lan, sau khi Temu chính thức ra mắt vào cuối tháng 7/2023, thủ tướng nước này đã yêu cầu điều tra xem liệu nền tảng này có tuân thủ pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế hay không. Chính quyền Thái Lan cho biết sẽ tăng cường giám sát các nền tảng như Temu để bảo vệ doanh nghiệp nội địa trước làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.
“Cột thu lôi” cơ quan quản lý
Từ khi ra mắt tại Mỹ năm 2022, Temu đã mở rộng nhanh chóng sang châu Âu và Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự phát triển thần tốc này cũng khiến Temu trở thành mục tiêu giám sát gắt gao từ các cơ quan quản lý.
Tại Mỹ, Temu phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao và những quy định nghiêm ngặt hơn nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nội địa. Dù vậy, Temu vẫn kiên trì tìm cách thích ứng, như thay đổi mô hình kinh doanh từ quản lý toàn phần (full-managed) sang bán quản lý (semi-managed), nhằm cải thiện hiệu quả logistics và giảm chi phí cho người dùng cuối.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu đã mở 2 cuộc điều tra liên tiếp về Temu, cáo buộc nền tảng này vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng và an toàn sản phẩm. Hãng bị cáo buộc dùng chiến dịch giảm giá giả, đánh giá giả à khuyến mại "giới hạn thời gian" gây hiểu nhầm.
Các quốc gia EU cũng đang xem xét bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng hóa từ các nước ngoài khu vực. Động thái này này có thể ảnh hưởng nặng nề đến lợi thế cạnh tranh của Temu.
“Temu đã trở thành ‘cột thu lôi’ đối với mọi cơ quan quản lý. Giờ đây, mọi nơi đều lo lắng về việc liệu có nên thay đổi các quy định nhập khẩu xuyên biên giới hay không”, Simon Torring, đồng sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Cube, nhận định với Guardian.
Hàng giá rẻ là con dao hai lưỡi
Temu nổi tiếng nhờ chiến lược giá rẻ và các chiến dịch quảng cáo gây sốc. Đơn cử như một giá đỡ điện thoại MagSafe trên Temu có giá chỉ 3 USD, rẻ hơn 7 lần so với giá bán lẻ thông thường. Hay áo khoác được bán ở thị trường Việt Nam với giá 15 USD, nhưng lại có sẵn trên Temu với mức giá tương tự và miễn phí vận chuyển.
Dù người tiêu dùng hưởng lợi từ giá cả thấp, nhiều doanh nghiệp địa phương đang bị đẩy đến bờ vực phá sản. Reuters đưa tin gần 2.000 nhà máy ở tất cả ngành công nghiệp ở Thái Lan đã đóng cửa và hơn 50.000 công nhân mất việc trong năm tài chính vừa qua. Một phần do sự cạnh tranh ngày càng lớn của Trung Quốc và chi phí cao.
Bất chấp khó khăn, Temu vẫn tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới nhờ tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT toàn cầu. Theo phân tích của Bain & Co công bố vào tháng 11, chủ nghĩa tiêu dùng gia tăng từ tầng lớp trung lưu đang phát triển ở Đông Nam Á đã biến khu vực này trở thành mảnh đất màu mỡ cho các sàn TMĐT. Năm 2024, doanh số mua sắm trực tuyến khu vực dự kiến đạt gần 160 tỷ USD.
Temu phải ngừng các chương trình tiếp thị liên kết tại Việt Nam. Ảnh: Xuân Sang. |
Với Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thị trường TMĐT hàng năm đạt 16-30% trong 4 năm qua. Tổng khối lượng hàng hóa (GMV) tăng tới 52,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Do đó, Temu không ngần ngại áp dụng các chiến lược khuyến mãi mạnh tay để cạnh tranh với Shopee và Lazada như miễn phí vận chuyển, hoàn trả miễn phí trong 90 ngày, hay giảm giá sản phẩm 90%.
Temu còn triển khai các chương trình chiết khấu lên đến 30%, cộng với tiền thưởng giới thiệu lên đến 150.000 đồng, nhằm lôi kéo người dùng Việt Nam tham gia quảng bá nền tảng. Mức hoa hồng này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ hoa hồng trung bình 1,5-2% trên các sàn TMĐT hiện tại ở Việt Nam như Shopee, thậm chí còn vượt qua chương trình thưởng tối đa 30% do TikTok Shop quảng bá.
Về logistics, Temu cũng đã cải thiện đáng kể tốc độ giao hàng tại Việt Nam. Trước đây, do các lô hàng được gửi từ Trung Quốc nên dịch vụ vận chuyển miễn phí tiêu chuẩn thường có thời gian giao hàng ước tính từ 8-12 ngày, trong khi giao hàng nhanh sẽ mất từ 5-9 ngày.
Nhờ tận dụng tuyến vận chuyển đường bộ từ Quảng Châu, thời gian giao hàng tiêu chuẩn đã được rút ngắn xuống chỉ còn 4-7 ngày, cải thiện đáng kể so với Malaysia và Philippines.