Lý do người trẻ cũng bị máu nhiễm mỡ

Máu nhiễm mỡ tuy không gây tác hại tức thời nhưng về lâu dài thì có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm và không dễ điều trị.

Máu nhiễm mỡ là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khó điều trị khác như bệnh tim mạch, bệnh gan, tiểu đường... Ảnh: Science photo library.

Hiện nay, cùng với ung thư và tiểu đường thì bệnh máu nhiễm mỡ được xem là căn bệnh nguy hiểm và có Xu hướng gia tăng trong cuộc sống hiện đại.

Máu nhiễm mỡ là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khó điều trị khác như bệnh tim mạch, bệnh gan, bệnh tiểu đường. Máu nhiễm mỡ tuy không gây tác hại tức thời, về lâu dài, có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm và không dễ điều trị. Vì vậy, việc phòng ngừa và phát hiện sớm rất quan trọng.

Thông thường, ở cơ thể con người luôn có một tỷ lệ mỡ nhất định trong máu. Mỡ trong máu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol.

Cholesterol có ở tất cả màng tế bào và tham gia vào quá trình chuyển hóa của cơ thể, tăng sự hoạt động của cơ thể. Khi lượng cholesterol tăng quá mức hoặc giảm quá mức sẽ gây hại cho cơ thể, trong đó gây nên bệnh máu nhiễm mỡ.

Bệnh máu nhiễm mỡ hay còn gọi là bệnh mỡ máu cao, rối loạn chuyển hóa lipid máu, là tình trạng tăng Cholesterol và triglycerid, hoặc giảm nồng độ mỡ tốt (HDL-C), tăng nồng độ mỡ xấu (LDL-C). Để chẩn đoán chính xác, một người có bị mỡ máu hay không thì cần phải đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và được tư vấn điều trị.

Hiện nay, một số quan điểm cho rằng người gầy thì không bị mắc máu nhiễm mỡ. Trên thực tế, người thừa cân béo phì là đối tượng có nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ (hay còn gọi là mỡ máu cao) do trọng lượng cơ thể tăng lượng mỡ, đặc biệt ở vùng bụng khiến việc kiểm soát cholesterol gặp khó khăn.

Tuy nhiên, ngay cả những người có cân nặng bình thường, thậm chí người gầy cũng phải đối mặt với nguy cơ máu nhiễm mỡ. Nguyên nhân là yếu tố di truyền và sự rối loạn chuyển hóa lipit máu trong gan. Thông thường, gan nhận nhiệm vụ chuyển hóa cholestero, trong đó 80% cholesterol do gan tổng hợp, 20% còn lại từ thức ăn.

Chức năng gan bị rối loạn khiến việc chuyển hóa mỡ bị suy giảm, mỡ không được đào thải hết dẫn đến mỡ máu cao. Như vậy, những người có chức năng gan kém, ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể cũng có nguy cơ mỡ máu cao, không phụ thuộc vào cân nặng hay thể trạng bệnh nhân.

Bên cạnh đó, khi mắc chứng tăng cholesterol máu do di truyền các gene bị biến đổi sẽ ảnh hưởng quá trình tổng hợp và phân giải chất béo. Đây cũng là nguyên nhân khiến người gầy cũng có thể bị máu nhiễm mỡ.

Ngoài ra, mỡ máu cao ở người gầy còn do chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, nhiều người chủ quan cho rằng cơ thể mình khó hấp thụ các chất, ăn mà không béo được nên không chú ý đến các thực phẩm nhiều dầu mỡ, tinh bột, đường hay rượu bia, đặc biệt lười vận động, ngồi một chỗ trong thời gian dài cũng là những yếu tố góp phần tăng cholesterol trong máu. Do vậy, dù ở bất kỳ độ tuổi hay thể trạng nào cũng không nên chủ quan với bệnh máu nhiễm mỡ.

Bệnh máu nhiễm mỡ thường trải qua quá trình điều trị lâu dài, trở thành gánh nặng kinh tế. Nếu không kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng đến mạch máu, gây xơ vữa mạch máu, kèm theo các vấn đề tim mạch gây tai biến mạch máu não, tắc mạch máu não, tắc mạch máu tim...

Vì vậy, việc tìm hiểu về bệnh lý nguy hiểm này để chủ động phòng bệnh là rất cần thiết để tránh những biến chứng nguy hiểm. Trong đó, người dân cần duy trì việc đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, hiệu quả chữa trị cao, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, việc điều trị máu nhiễm mỡ chủ yếu gồm 2 mục đích là cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng. Giải pháp được đưa ra là sử dụng thuốc và duy trì lối sống khoa học, chế độ ăn uống lành mạnh.

Nguyên nhân tăng cholesterol máu là chế độ ăn không hợp lý, mắc một số bệnh về rối loạn chuyển hóa hoặc do di truyền. Vì vậy, để dự phòng và điều trị tăng mỡ máu thì chế độ ăn uống đóng vai trò quyết định.

Khi đã được chẩn đoán rối loạn mỡ máu, người bệnh cần:

Điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt; Ăn uống lành mạnh như: Ăn nhạt, Cân bằng dinh dưỡng mỗi ngày, các dưỡng chất được cung cấp đầy đủ, hạn chế mỡ động vật, không nên ăn quá nhiều chất đạm và chất béo đặc biệt là các loại thịt mỡ, nội tạng động vật, da của các loại gia cầm, lòng đỏ trứng gà, hạn chế rượu bia và các chất kích thích, không hút thuốc lá.Với những bệnh nhân thừa cân, béo phì cần giảm cân nặng bằng cách giảm khẩu phần ăn hàng ngày và tập thể dục.

Dùng thuốc điều trị có thể giúp quá trình điều trị mỡ máu hiệu quả nhanh hơn, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh nên đi khám và mua thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ. Trong khi dùng thuốc chúng ta vẫn duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh như trên.