Nhập viện đúng ngày 30 Tết
Hai ngày sau khi xuất viện, T. cảm thấy sức khỏe đã ổn định nhưng vẫn phải cách ly thêm 14 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Đôi chút ngại ngùng kể về hành trình điều trị tại bệnh viện, cô gái nhắc đến nỗi lo, sự cô đơn những ngày Tết và cảm xúc vỡ òa khi cầm trên tay phiếu xét nghiệm âm tính.
T. là công nhân Công ty Nihon Plast được cử sang tập huấn tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cùng 7 người khác ở Vĩnh Phúc hồi tháng 11/2019. Hai tháng sau cả 8 người trở về bằng đường hàng không thì gần một tuần sau, T. đón xe về Thanh Hóa ăn Tết.

Ngày 24/1, T. bắt đầu có biểu hiện viêm long hô hấp, sốt cao, ho nhiều. T. đến viện khám với tâm lý hoang mang nhưng không dám tin mình mắc bệnh. Cô gái kể lại: "Khi nghe tôi nói vừa từ vùng dịch trở về ai cũng giật mình và lo lắng. Tôi không nghĩ mình mắc bệnh vì suốt 2 tháng ở Vũ Hán mình không đi đâu, không tiếp xúc quá nhiều với người bản địa". Cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm dương tính trên tay, cô gái trẻ buộc phải tin mình đã nhiễm virus.
T. kể lại những ngày nằm viện, cảm giác trống vắng, buồn bực kéo đến. Căn phòng cách ly được kê 3-4 giường nhưng chỉ có duy nhất mình cô. Nhận thức được mức độ nguy hiểm của virus corona, cô gái trẻ không tránh khỏi tâm lý sợ hãi cực độ.
"Ngày nhập viện đúng hôm 30 Tết, mọi người đi sắm đồ cho ngày cuối năm, mình thì nằm viện. Có mẹ đón giao thừa ở viện nhưng không thể gần nhau vì bị cách ly. Lúc ấy buồn không tả nổi, chỉ muốn bỏ viện về nhà”, T. tâm sự.
Cô gái trẻ cố gắng suy nghĩ tiêu cực, chỉ tìm hiểu thông tin dịch bệnh qua những nguồn chính thống, cô không muốn để bản thân chìm vào những nỗi ám ảnh lây lan và chết chóc trên mạng xã hội.
T. chủ động gọi điện cho người thân và bạn bè mình đã từng tiếp xúc xem họ có bị lây bệnh từ mình không. Cô lo lắng những người già, trẻ nhỏ mà mình từng gặp sức đề kháng yếu sẽ bị lây bệnh. "Tôi không sợ bị bệnh, tôi chỉ sợ do mình mà lây cho bố mẹ, cho người thân, cho bạn bè thì khổ người ta”. Cô tự nhủ phải có ý chí mạnh mẽ mới có sức chiến đấu với bệnh tật và mau khỏe lại.
10 ngày chiến đấu với virus
T kể, 3 ngày đầu nhập viện sốt cao, ho nhiều. Cứ mở mắt là thấy cảnh tượng y bác sỹ bịt kín mặt mũi mới vào truyền thuốc cho mình. Mỗi ngày bác sĩ đều lấy mẫu, hỏi han rồi lại đi ra khiến cô không khỏi buồn lo.
"Đến ngày thứ tư, tôi khỏe dần và không còn sốt. 10 ngày sau tôi nhận kết quả âm tính với virus, cuộc đời mới như mở ra với tôi”, T nhớ lại.

Dẫu biết căn bệnh chưa có thuốc đặc trị nhưng cô gái trẻ luôn có niềm tin và sự lạc quan vào đội ngũ y bác sĩ. Cô luôn nhắc nhở bản thân thực hiện đúng các quy định vệ sinh, phác đồ điều trị của bệnh viện thì chắc chắn sẽ khỏi bệnh.
Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, khi biết bệnh nhân trở về từ vùng dịch, bệnh viện đã nhanh chóng thực hiện cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm và điều trị theo đúng phác đồ quy định của Bộ Y tế.
Đặc biệt, với trường hợp này, bệnh nhân có ý thức phát hiện sớm, chủ động đến bệnh viện khám, cách ly, điều trị các triệu chứng nên không dẫn đến các biến chứng nặng nề.

Sau 10 ngày điều trị tích cực, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân âm tính với virus corona, bệnh viện vẫn tiến hành cách ly trong 14 ngày tiếp theo để tránh những diễn biến bất ngờ có thể khiến dư luận hoang mang.
Được biết, BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa là BV tuyến tỉnh đầu tiên điều trị thành công cho bệnh nhân nhiễm virus corona. Ông Sỹ khẳng định, việc điều trị thành công là hiệu quả bước đầu để có những bước tiến lớn hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh.