"Biết trước cái chết đến với mình em cảm giác vô cùng phẫn uất vì sao thần chết lại điền tên em vào danh sách dự bị sớm thế này. Rõ ràng là em còn rất trẻ mà...", cô gái 19 tuổi chia sẻ khi biết mình mắc ung thư vú.
Ung thư vú ở người trẻ tuổi có nguy cơ tái phát rất cao. Khi trái phát bệnh không có triệu chứng bất thường và chỉ có thể phát hiện khi làm xét nghiệm.
Cú sốc phát hiện ung thư năm 19 tuổi
Đặng Trần Thuỷ Tiên, sinh năm 2000, quê ở Hải Phòng hiện đang là sinh viên năm thứ hai trường đại học Ngoại Thương Hà Nội. Tiên kể lại khoảng thời gian kinh hoàng khi hay tin mình mắc ung thư vú cách đây 4 tháng. Đó là môt ngày mùa hè cuối tháng 6, khi đi tắm biển cùng bạn bè, Tiên vô tình sờ thấy cục cứng di động ở vú trái. Ban đầu cô bé sinh viên chủ quan nghĩ rằng chắc chỉ là xơ vú thôi "vì mình còn trẻ mà, chắc không sao đâu".
Đặng Trần Thủy Tiên xinh đẹp khi chưa phát hiện bệnh
Lên mạng tìm kiếm thông tin, phần lớn kết quả chỉ ra cục cứng đó là ung thư khiến Tiên càng hoảng sợ. Một tuần sau, Tiên tới một bệnh viện ở Hải Phòng thăm khám, bác sĩ chẩn đoán đó là u xơ tuyến vú và chỉ định phẫu thuật cắt bỏ u xơ. Sau phẫu thuật, bác sĩ tư vấn để chắc chắn cần làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Nghe lời bác sĩ, Tiên và gia đình chỉ nghĩ làm sinh thiết cho chắc thôi chứ không thể là ung thư. Ngày cầm tờ giấy kết quả trên tay, bác sĩ kết luận Tiên mắc ung thư vú giai đoạn 2A. Cả gia đình sững sờ, Thủy Tiên càng sốc hơn vì căn bệnh quái ác "ghé thăm" khi em mới còn chưa bước sang tuổi 20. Cả gia đình không ai tin vào kết quả này, còn bác sĩ lại tư vấn ung thư vú khi còn trẻ tỷ lệ tái phát cao hơn và khuyên Tiên lên tuyến trên kiểm tra lại lần nữa.
Gia đình đưa Tiên tìm tới Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), một lần nữa nhận được kết quả là ung thư vú. Thủy Tiên không còn cách nào khác ngoài tin vào sự thật, kết quả là chính xác. Tiên tâm sự: "Biết trước cái chết đến với mình, em cảm thấy bầu trời như sụp đổ, em vô cùng phẫn uất vì sao ông trời lại bất công với mình, vì sao thần chết lại điền tên em vào danh sách dự bị sớm thế này. Rõ ràng là em còn rất trẻ mà...".
Giữa lúc sụp đổ nhất, Tiên buộc phải bảo lưu kết quả học tập để chiến đấu với ung thư. Cả gia đình, bạn bè, thầy cô giáo đồng hành cùng Tiên để giúp em lấy lại thăng bằng và niềm tin vào cuộc sống. Ca phẫu thuật sau đó lấy đi ½ ngực trái của cô gái. Bác sĩ cho biết, Tiên phải truyền hoá chất cả năm nên tâm lý cực kỳ quan trọng với bệnh nhân. Cô gái chủ động cắt trọc đầu trước khi hoá chất làm rụng tóc mình. Em lên mạng tìm hiểu về ung thư vú và tác dụng phụ của hóa trị. Đến tháng 7, Tiên bước vào liệu trình hoá chất đầu tiên. Dù đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý nhưng tác dụng phụ của hoá chất cũng khiến cô gái bé nhỏ mệt mỏi, cả ngày lúc nào cũng nôn nao, móng tay móng chân đen, da sạm, tiểu cầu thấp và thiếu máu.
Thủy Tiên chủ động cạo trọc đầu trước khi hóa trị
"Bây giờ 1 tuần 1 lần em sẽ từ Hải Phòng lên Hà Nội để truyền hóa chất trong 2 ngày rồi lại về và bồi bổ tĩnh dưỡng ở nhà". Tiên kể trước khi bị bệnh, em thường thức rất khuya, lười tập thể dục và ăn những món ăn không tốt cho sức khoẻ. Còn bây giờ, em phải thay đổi hoàn toàn từ lối sống đến ăn uống hàng ngày. Mỗi ngày Tiên dậy từ 5h sáng tập thể dục cùng bố, ăn uống theo chế độ nghiêm ngặt và đi học đàn. Đến nay sau 10 lần hóa trị, Tiên đã tăng 10 kg, khác hẳn hình ảnh gầy rộc suy nhước thường thấy ở những bệnh nhân ung thư. "Việc học đàn giúp em ko còn nghĩ nhiều nữa, ko nghĩ đến căn bệnh của em nữa, bớt u uất đi rất nhiều luôn", cô gái chia sẻ khi tìm được niềm vui trong cuộc sống.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/10/29/dang-tran-thuy-tien_29102019223508.mp4[/presscloud]
Video: Zing.vn
Giờ đây, khi sức khỏe đã ổn định hơn, Tiên chia sẻ câu chuyện của mình đến tất cả mọi người cùng lời nhắn: "Mong những bạn trẻ hãy thay đổi lối sống, đừng thức khuya, lười vận động, ăn uống linh tinh. Bệnh tật không chừa một ai cả, từ già đến trẻ, hãy biết quý trọng bản thân mình hơn. Em cũng mong là những ai đang phải đương đầu với các căn bệnh hiểm nghèo như em hãy lạc quan hơn, dù chỉ còn một ngày được sống cũng hãy sống thật trọn vẹn và ý nghĩa". Dù vẫn đang trong thời gian điều trị ung thư, Tiên vẫn vui vẻ tham gia cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương năm 2019. Bất chấp không có tóc, ở cô gái 19 tuổi vẫn tràn đầy lạc quan với nụ cười rạng rỡ để chiến thắng bệnh tật.
Ung thư vú ngày càng trẻ hóa
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2 triệu trường hợp mắc mới bệnh
ung thư vú, đứng thứ hai chỉ sau ung thư phổi. Về tỷ lệ tử vong, ung thư vú đứng thứ tư sau ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc ung thư vú đang ngày càng gia tăng, mỗi năm có khoảng hơn 15.000 bệnh nhân mắc mới ung thư vú. Tần suất mắc bệnh ung thư vú chuẩn hoá theo tuổi đã tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỉ gần đây. Từ 13,8/100.000 (năm 2000) lên 29,9/100.000 phụ nữ (năm 2010). Tỷ lệ mắc mới ung thư vú hằng năm trên cả nước lên tới 12.533 ca, chiếm trên 20% tổng số ca mắc ung thư ở nữ giới. Theo TS Lê Hồng Quang - khoa Ngoại Vú - Bệnh viện K Trung ương, cho biết hiện nay bệnh ung thư vú đang ngày càng trẻ hoá. Thậm chí nhiều trường hợp nữ sinh mới 19, 20 tuổi đã mắc bệnh. TS Quang lý giải có 3 nguyên nhân chính dẫn tới ung thư vú đó là do tuổi tác, nội tiết tố di truyền và ảnh hưởng của lối sống sinh hoạt.
Trong số này, nguyên nhân chính gây ung thư vú ở người trẻ là do ảnh hưởng nội tiết tố và hệ lụy của lối sống sinh hoạt lệch lạc, thiếu khoa học. Ung thư vú nói riêng và ung thư nói chung có thể ghé thăm bất kỳ ai. Do đó, mỗi người chỉ có thể phòng chống bệnh tật bằng cách có lối sống lành mạnh, khoa học. Bệnh ung thư vú ở người trẻ càng nguy hiểm hơn bởi nguy cơ tái phát rất cao. Một nghiên cứu của các chuyên gia Singapore chỉ ra, khoảng 5 - 10% phụ nữ ung thư vú không mang gen đột biến BRCA1-2 khi đã chữa khỏi vẫn có nguy cơ tái phát bệnh khoảng 10 năm sau đó. Đối với những người mang gen BRCA thì khoảng 10 - 30% nguy cơ tái phát bệnh sau 10 năm. Đáng nói,
ung thư vú tái phát, bệnh hoàn toàn không có triệu chứng gì bất thường và chỉ có thể phát hiện khi thực hiện xét nghiệm.
Hà Ly (t/h)