Trước đó, thi hài bà được hỏa táng, gia đình cho biết sẽ rải tro cốt xuống huyệt vị, không lập bia mộ, không ghi họ tên người mất, theo đúng di nguyện của văn sĩ. Sau đó, người thân và đơn vị quản lý nghĩa trang sẽ trồng hoa ở vị trí chôn cất.
Hiện có chín nơi cung cấp địa điểm để thực hiện hoa táng, riêng Đài Bắc, nơi Quỳnh Dao sống có khu nghĩa trang trên núi Dương Minh, với hơn 12.000 huyệt vị dành cho nghi lễ này.
Ngoài hoa táng, hình thức thụ táng cũng được áp dụng ở đây, nghĩa là trồng cây cổ thụ thay vì trồng hoa trong khu nghĩa trang. Theo UDN, đây là các hình thức "chôn cất xanh", thân thiện với môi trường.
Tối 5/12, con trai, con dâu và các cháu của nghệ sĩ dùng tài khoản trang cá nhân của Quỳnh Dao, đăng bức thư gửi người hâm mộ nhà văn. Gia đình làm theo lời bà dặn dò trước khi mất, không tổ chức bất kỳ buổi họp báo hay hoạt động tưởng niệm nào.
Người thân mong có không gian riêng tư để vơi bớt nỗi đau. Con cháu của nhà văn viết: "Chúng ta có chung hồi ức, cùng chung nỗi nhớ. Cuộc sống vẫn cần bước về phía trước, tinh thần của nhà văn Quỳnh Dao luôn ở đó".
Bà dặn con không làm giỗ, không cúng bái, đốt vàng mã hay tảo mộ tiết Thanh Minh.
Quỳnh Dao là nữa văn sĩ nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc hiện nay, bà vừa qua đời ở tuổi 86, hôm 4/12 tại nhà riêng ở Đài Loan. Theo hãng thông tấn CNA, truyện và Phim Quỳnh Dao làm mưa làm gió làng văn học, phim ảnh Hoa ngữ thập niên 1980, 1990, tạo cơn sốt phim tình yêu lãng mạn.
Nhiều tác phẩm của bà được chuyển thể thành phim, làm nên tên tuổi của Lâm Thanh Hà, Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tưởng Cần Cần. Bà cũng là người viết lời nhiều ca khúc được yêu thích như Trong mơ, Bến xe ly biệt, Chàng là gió thiếp là cát.
Nghệ sĩ được mệnh danh "bà hoàng dòng tiểu thuyết ngôn tình" Trung Quốc, sức ảnh hưởng lan ra một số quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.