Đầu những năm 1980, cảnh sát Minnesota (Mỹ) phải đối mặt với một vụ án kỳ quái. Từ năm 1980 đến năm 1982, một số phụ nữ đã bị sát hại hoặc hành hung đến tử vong ở khu vực Twin Cities. Sau mỗi cuộc tấn công, cảnh sát sẽ nhận được cuộc gọi ẩn danh thú nhận tội ác trong nước mắt, tên giết người bí ẩn này bị gọi là “sát nhân có giọng nói nức nở”.
Trong mỗi cuộc gọi, người ở đầu dây bên kia sẽ bày tỏ sự hối hận về những điều mà mình vừa gây ra và khẳng định có những giọng nói trong đầu đã thôi thúc hắn ta làm điều đó, còn lo lắng rằng mình sẽ không bao giờ lên được thiên đường. Nhưng lần nào người gọi cũng từ chối tiết lộ danh tính.
Đến năm 1982, một trong những nạn nhân của hắn đã may mắn trốn thoát và làm kẻ tấn công bị thương. Khi người đàn ông gọi điện cho nhà chức trách để được hỗ trợ y tế, cảnh sát nhanh chóng nhận ra đó chính là giọng nói của “sát nhân có giọng nói nức nở” - Paul Stephani.
Đây là câu chuyện đằng sau những cuộc điện thoại đáng lo ngại này - và cách cảnh sát cuối cùng đã tìm ra kẻ giết người.
Paul Stephani - “Sát nhân có giọng nói nức nở” là ai?
Paul Michael Stephani sinh ngày 8/9/1944, là con thứ hai trong gia đình 10 anh chị em ở Austin, Minnesota. Được biết, cha dượng của Stephani thường xuyên có hành vi bạo hành thể xác như thường xuyên đánh đập bọn trẻ, đôi khi đẩy chúng ngã xuống cầu thang.
Theo tờ Star Tribune, Stephani chuyển đến St. Paul vào giữa những năm 1960, bắt đầu làm nghề nhân viên vận chuyển và gác cổng. Sau đó, người đàn ông này kết hôn và có một cô con gái, nhưng cuối cùng hắn ta đã ly dị vợ và từ bỏ cả đứa con của mình.
Đó là khoảng thời gian mà những tư tưởng bạo lực của hắn ta thực sự bắt đầu thành hiện thực.
Stephani bề ngoài là một người sùng đạo Công giáo, nhưng bên trong, những suy nghĩ đen tối và đáng lo ngại đã dày vò hắn. Hắn tự cho rằng luôn có giọng nói nào đó thúc giục bản thân thực hiện tội ác, để rồi sau đó cố “cứu vớt” tội lỗi của mình bằng cách vừa khóc lóc vừa gọi cảnh sát để báo cáo về những gì đã xảy ra.
Những cuộc tấn công dã man
Vào ngày 3/6/1981, một thiếu nữ 18 tuổi mới tốt nghiệp trung học tên là Kimberly Compton đã từ Wisconsin chuyển đến Minneapolis-St. Paul để tìm việc làm. Cùng ngày hôm đó, cô bị sát hại.
Một nhóm thanh thiếu niên tình cờ nhìn thấy thi thể đầy máu của cô khi đang đi chơi trên một cánh đồng ở St. Paul. Theo một bài viết trên Tạp chí Tư pháp Hình sự và Văn hóa Đại chúng, nạn nhân đã bị đâm 61 nhát bằng cuốc đá một cách dã man.
Trong vòng 48 giờ sau khi xảy ra thảm án, cảnh sát nhận được một cuộc gọi đầy ám ảnh.
Với giọng nói nức nở và đầy ăn năn, người gọi điện giấu tên thú nhận mình đã phạm tội. Lúc đầu, cảnh sát nghĩ rằng đó có thể là một cuộc gọi chơi khăm, cho đến khi người bí ẩn ở đầu dây bên kia nói ra được cả loại hung khí giết người mà cảnh sát vẫn chưa tiết lộ với giới truyền thông.
“Xin hãy tìm tôi. Tôi vừa đâm ai đó bằng một cái cuốc đá. Tôi không thể ngăn mình lại được. Tôi liên tục giết tất cả mọi người… Tôi không biết tại sao mình lại phải đâm cô ấy và rất khó chịu về điều đó”, người đàn ông trong điện thoại nói với cảnh sát.
Cảnh sát đã xem xét lại hồ sơ, so sánh bản ghi âm cuộc gọi với giọng nói của những người gọi khác và liên hệ với một cuộc gọi ẩn danh nữa từ nhiều tháng trước.
Đó là một ngày đầu năm 1981, một người gọi cho cảnh sát lúc 3 giờ sáng, vừa nói vừa khóc nức nở cầu xin họ đến giúp đỡ một cô gái bị thương. Cảnh sát đã nhanh chóng đến hiện trường mà người gọi mô tả và tìm thấy cô sinh viên đại học 20 tuổi Karen Potack nằm không mảnh vải che thân trên tuyết, bị hành hung dã man bằng một chiếc cần cạy lốp xe.
Potack sau đó vẫn sống sót một cách kì diệu, nhưng não bị tổn thương nghiêm trọng đến mức cô không thể nhớ được điều gì về vụ tấn công mà mình đã trải qua. Cuộc điều tra của cảnh sát đã đi vào ngõ cụt, cho đến gần một năm sau, kẻ sát nhân có giọng nói nức nở đó lại gọi đến.
Đầu mối mới cho vụ án
Vào ngày 6/8/1982, một cậu bé đang đi giao báo thì nhìn thấy một thi thể nằm dài trên bờ sông Mississippi. Nạn nhân nhanh chóng được xác định là nữ y tá Barbara Simons (40 tuổi) bị đâm hơn 100 nhát dao. Hai ngày sau, kẻ sát nhân có giọng nói nức nở quen thuộc đã gọi cảnh sát để báo cáo vụ giết người do chính mình gây ra. "Tôi xin lỗi vì đã giết cô gái đó. Tôi đã đâm cô ấy 40 nhát", hắn nói.
Cảnh sát điều tra được rằng vào đêm trước khi thi thể của Simons được tìm thấy, cô đã rời quán bar Hexagon ở Minneapolis cùng một người lạ và nói với người bạn của mình: “Tôi hy vọng anh ta là người tử tế vì tôi chỉ cần quá giang về nhà”.
Dựa trên mô tả của người bạn, cảnh sát đã xác định được Stephani là nghi phạm. Họ bắt đầu theo dõi, sắp xếp một đội giám sát bên ngoài căn hộ của hắn.
Vào ngày 21/8/1982, cảnh sát đã mất dấu Stephani trong một thời gian ngắn. Cũng trong vài giờ đó, một nhân chứng đã gọi điện báo cáo rằng họ đã nhìn thấy một người đàn ông dùng tuốc nơ vít đâm một phụ nữ.
Nạn nhân là Denise Williams (21 tuổi), đã khai với cảnh sát rằng kẻ tấn công cô bắt đầu đâm cô sau khi đề nghị cho cô đi nhờ. Denise Williams đã chống trả, đập chai vào đầu kẻ tấn công khiến hắn bị thương và trốn thoát.
Ngay sau đó, Stephani đã gọi trợ giúp y tế và khi cảnh sát đến lấy lời khai, họ nhanh chóng nhận ra giọng nói nức nở quen thuộc đã nghe thấy nhiều lần qua điện thoại. Cảnh sát buộc tội Stephani hành hung Denise Williams và giết Barbara Simons nhưng hắn không nhận tội.
Phóng viên tờ KTTC cho biết: "Mặc dù đã từng gọi điện thú tội và chỉ cho mọi người nơi tìm những nạn nhân này, nhưng đến khi bị bắt nghi phạm lại một mực phủ nhận tội ác của mình".
Tại phiên toà xét xử tên sát nhân năm 1983, cả vợ cũ, em gái và một người phụ nữ từng chung sống cùng Stephani vào thời điểm đó đều đứng ra làm chứng và cho biết họ tin rằng hắn chính là người gọi điện cho cảnh sát. Người đàn ông bị kết án 18 năm vì tấn công Denise Williams và 40 năm vì tội sát hại Barbara Simons.
Lời thú tội muộn màng
Hơn một thập kỷ sau phiên tòa xét xử Paul Michael Stephani, hắn được chẩn đoán mắc bệnh u ác tính và chỉ còn sống được vài tháng. Đối mặt với tin tức này, tên sát nhân cuối cùng cũng ngừng chối tội. Vào ngày 19/12/1997, Stephani nhận tội tất cả những vụ tấn công mà cảnh sát đã nêu ra trong cáo trạng.
Hắn cũng thú nhận về hai vụ giết người chưa được giải quyết khác, bao gồm vụ sát hại Kimberly Compton và Karen Potack. Hắn nói: "Vì tôi đã bị giam giữ trong 15 năm qua, nên tôi đã tự hỏi làm thế nào mà tất cả những điều này có thể xảy ra. Và tất cả những gì tôi có thể nói là tôi xin lỗi, nếu lời xin lỗi đó còn có ý nghĩa sau 15 năm".
Ngoài ra, Paul Michael Stephani cũng thú nhận thêm về một vụ án mà cảnh sát tưởng rằng không hề liên quan đến "kẻ sát nhân có giọng nói nức nở", bởi hắn đã không gọi cảnh sát sau khi gây án. Stephani khai đã dìm chết Kathleen Greening trong bồn tắm vào ngày 21/7/1982, trước vụ án sát hại nữ y tá Barbara Simons.
Paul Stephani chết ngày 12/6/1998 ở tuổi 53 tại Nhà tù Oak Park Heights, Minnesota sau những năm tháng gieo rắc tội ác máu lạnh khiến cả khu vực Minneapolis-St. Paul khiếp sợ.
Trần Trang