Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm ở phía trên bên phải bụng, có chức năng chính là lưu trữ mật – một chất lỏng do gan sản xuất, giúp quá trình tiêu hóa chất béo diễn ra hiệu quả. Còn thận, với nhiệm vụ lọc các chất thải và độc tố trong máu, giúp chuyển chúng thành nước tiểu để loại bỏ khỏi cơ thể.
Khi chế độ ăn uống không hợp lý hoặc không chăm sóc sức khỏe đúng cách, sỏi có thể hình thành ở cả túi mật và thận. Những viên sỏi này có thể có kích thước từ rất nhỏ như hạt cát đến lớn như quả bóng golf, dù vậy, sỏi mật và sỏi thận lại có những đặc điểm khác biệt rõ rệt.
Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là những cặn cứng hình thành trong túi mật, thường xảy ra khi mật chứa quá nhiều cholesterol hoặc bilirubin. Những yếu tố như béo phì, giảm cân nhanh chóng, ăn nhiều chất béo hoặc các bệnh lý như tiểu đường và bệnh gan có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật.
Các triệu chứng điển hình của sỏi mật bao gồm:
- Đau dữ dội ở phần trên bên phải bụng
- Buồn nôn và nôn
- Vàng da.
Sỏi thận là gì?
Sỏi thận là những viên cặn cứng hình thành trong thận, chủ yếu được tạo thành từ các khoáng chất như canxi, oxalate và axit uric. Khi những chất này kết tinh trong nước tiểu, chúng có thể gây ra những cơn đau dữ dội khi di chuyển qua đường tiết niệu.
Các yếu tố như béo phì, mất nước, tiêu thụ quá nhiều muối và protein động vật, cùng với các bệnh lý như cường cận giáp hay nhiễm trùng đường tiết niệu, đều có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi thận.
Các triệu chứng của sỏi thận
Sỏi thận có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và đau đớn, bao gồm:
- Đau dữ dội ở lưng, bụng hoặc vùng háng
- Đi tiểu thường xuyên
- Máu trong nước tiểu.
Điểm chung giữa sỏi mật và sỏi thận
Dù hình thành ở các cơ quan khác nhau, sỏi mật và sỏi thận có một số điểm tương đồng. Một nghiên cứu năm 2014 đăng trên Tạp chí Y học Quốc tế QJM cho thấy những người bị sỏi mật có nguy cơ cao phát triển sỏi thận gấp 1,68 lần so với những người không bị sỏi mật. Dưới đây là một số điểm chung giữa hai loại sỏi này:
1. Cách hình thành
Cả sỏi mật và sỏi thận đều hình thành từ các chất kết tinh trong cơ thể. Sỏi mật thường liên quan đến cholesterol và bilirubin, trong khi sỏi thận hình thành từ canxi, oxalate hoặc axit uric.
2. Đau đớn
Cả hai loại sỏi đều gây ra cơn đau dữ dội tại các bộ phận khác nhau của cơ thể.
3. Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của cả sỏi mật và sỏi thận. Chế độ ăn nhiều chất béo có thể dẫn đến sỏi mật, trong khi ăn quá nhiều muối và protein động vật là nguyên nhân phổ biến gây sỏi thận.
4. Biến chứng
Nếu không được điều trị kịp thời, cả sỏi mật và sỏi thận đều có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc đường mật.
5. Phẫu thuật
Cả hai loại sỏi đều có thể cần phải phẫu thuật nếu chúng gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hoặc nếu kích thước sỏi quá lớn.
Sự khác biệt giữa sỏi thận và sỏi mật
Mặc dù có những điểm tương đồng, nhưng sỏi thận và sỏi mật cũng có những khác biệt rõ rệt. Dưới đây là các sự khác biệt chính:
1. Vị trí:
Sỏi mật hình thành trong túi mật, còn sỏi thận hình thành ở thận.
2. Triệu chứng:
Sỏi mật gây đau bụng, buồn nôn và vàng da, trong khi sỏi thận thường gây đau ở vùng bụng, lưng, háng, đi tiểu thường xuyên và có thể tiểu ra máu.
3. Thành phần:
Sỏi mật chủ yếu là cholesterol hoặc bilirubin, trong khi sỏi thận chủ yếu chứa canxi, oxalate hoặc axit uric.
4. Yếu tố nguy cơ:
Các yếu tố nguy cơ gây sỏi mật bao gồm béo phì, giảm cân nhanh và chế độ ăn nhiều chất béo. Còn sỏi thận thường gặp ở những người bị mất nước, ăn nhiều muối và protein động vật, hoặc có các bệnh lý như cường cận giáp.
5. Phương án điều trị:
Điều trị sỏi mật có thể bao gồm dùng thuốc làm tan sỏi hoặc phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Trong khi đó, việc điều trị sỏi thận có thể bao gồm việc kiểm soát cơn đau bằng thuốc, tăng cường chất lỏng hoặc thực hiện các thủ thuật như tán sỏi hoặc phẫu thuật loại bỏ sỏi.
Chế độ ăn uống là một yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa sự hình thành của sỏi mật và sỏi thận. Vì vậy, hãy duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng để bảo vệ sức khỏe thận và túi mật, đồng thời khuyến khích các thành viên trong gia đình bạn thực hiện các thói quen ăn uống khoa học.