Theo SCMP, các thương hiệu xa xỉ đã mất hơn 50 tỷ USD doanh thu tiềm năng vào năm 2020 do hàng giả.
Trong đó, một số người trẻ đã hoàn toàn chấp nhận sự xuất hiện của mặt hàng siêu giả. Họ bình thường hóa việc mua sắm, sử dụng và phô trương những sản phẩm hàng nhái này trên mạng xã hội.
Các thương hiệu xa xỉ phải chiến đấu với sự trỗi dậy của hàng nhái trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, hàng siêu giả (super fake) ngày càng được làm giả một cách tinh vi hơn, nhằm đánh lừa các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm nhất.
Các nhà chế tạo vì thế trở nên hiểu biết hơn trong việc tạo ra sản phẩm trông giống sản phẩm thật một cách kỳ lạ.
Hàng super fake là gì?
Hàng nhái của quần áo và phụ kiện hàng hiệu đã tồn tại hơn một thế kỷ. Chúng nổi lên vào những năm 80 và 90 khi logo thương hiệu trở thành biểu tượng đẳng cấp trên mọi thứ.
Những người không đủ tiền mua hàng hiệu đã đến các khu chợ đường phố sầm uất như Canal Street ở thành phố New York, Mỹ - nơi những người bán hàng rong bán túi xách, ví và giày giả.
Hầu hết thiết kế hàng giả này không lừa được ai. Chúng có thể có logo Gucci hoặc Chanel, nhưng chúng được sản xuất với giá rẻ và thường dễ nhận biết là hàng giả như da giả, đường khâu không đều hoặc chất lượng thấp.
Hiểu được tâm lý của người tiêu dùng, các nhà sản xuất Trung Quốc ngày càng trở nên thành thạo trong việc sao chép hàng hiệu. Họ sao chép các chi tiết giống thật đến mức ngay cả những người xác thực có kinh nghiệm nhất cũng phải chật vật mới giải mã được hàng giả.
Theo một bài báo của New York Times, các nhà sản xuất hàng giả lấy nguồn chất liệu da từ một số nhà cung cấp Ý giống các hãng thời trang lớn. Họ thậm chí còn mua nhiều túi xách hàng hiệu chính hãng để nghiên cứu cách chúng được sản xuất.
Làm thế nào super fake trở nên phổ biến?
Phương tiện truyền thông xã hội và sự bùng nổ thương mại điện tử đã thúc đẩy thị trường hàng nhái. Người tiêu dùng trẻ ngày càng quan tâm đến các sản phẩm xa xỉ. Chính họ đang thúc đẩy phong trào sử dụng hàng nhái là bình thường, không vi phạm về bản quyền hay đạo đức.
Những người mua sắm trẻ mặc đồ giả với niềm tự hào. Thậm chí, nhiều tài khoản mạng xã hội còn quay video chia sẻ việc họ vui mừng như thế nào khi phát hiện ra những địa điểm bán hàng giả có thiết kế giống hệt hàng thật.
Những người sử dụng hàng giả không chút bận tâm về việc họ đang gián tiếp ủng hộ cho hành động ăn cắp chất xám từ nhà sản xuất.
Bất kỳ sản phẩm nào cố tình sao chép sản phẩm của thương hiệu, sử dụng logo, tên hoặc quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu đó đều bị coi là hàng nhái.
Theo SCMP, bán hàng giả là bất hợp pháp tại Mỹ. Ở một số quốc gia trên thế giới như Pháp và Ý, việc sử dụng hàng giả cũng là bất hợp pháp.
Người tiêu dùng mua hàng siêu giả ở đâu?
Giá của một chiếc túi Hermès Birkin thật bắt đầu từ 10.000 USD (hơn 243 triệu đồng), trong khi chiếc túi siêu giả có giá từ 2.000 USD (hơn 48 triệu đồng).
Mua một chiếc túi xách siêu giả cũng không dễ dàng. Theo video TikTok của người sáng tạo Charles Gross, bạn thường phải biết ai đó đã mua một chiếc super fake để có được thông tin liên hệ của người bán. Thông thường, túi được sản xuất theo đơn đặt hàng và người bán sẽ gửi ảnh kiểm tra chất lượng trong suốt quá trình.
Theo Statista, năm 2020, ngành thời trang mất hơn 50 tỷ USD doanh thu tiềm năng vì hàng giả. Cả thương hiệu thiết kế và thị trường bên thứ 3 đều đã đầu tư hàng triệu USD vào việc chống hàng giả, nhưng vấn đề này lan rộng đến mức không thể ngăn chặn được.