Bánh mì 58 nghìn/ ổ người dân vẫn háo hức xếp hàng mua: 16 người làm không kịp

Admin
Mặc dù bánh mì 58 nghìn đồng/ ổ người dân vẫn xếp hàng háo hức để mua.

Khi giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều quán ăn nổi tiếng bắt đầu tấp nập và đông khách trở lại, khiến dân tình phải xếp hàng dài.

Ví như mấy ngày qua, vào mỗi buổi chiều, dòng người xếp hàng gần 200m chờ gần nửa tiếng mua bánh mì tại một tiệm trên đường Lê Thị Riêng (quận 1). Anh Nguyễn Quang Huy (37 tuổi, chủ tiệm) cho biết:

"Tiệm có tuổi đời 32 năm, trước dịch đã đông khách. Gần nửa tháng nay khi thành phố nới lỏng giãn cách, thực hiện "bình thường mới", tiệm lại đông như trước". Bên trong tiệm rộng khoảng 30m2, gần chục nhân viên người lựa bánh mì, bỏ nhân, cắt rau, dưa leo... để kịp phục vụ khách.

hình ảnh

Dòng người xếp hàng dài để mua bánh mì (Ảnh: VNE)

Một số nhân viên phải ra ngoài hướng dẫn khách để xe, xếp hàng đảm bảo giãn cách. Bánh mì ở tiệm có giá 58.000 đồng mỗi ổ và chỉ bán đúng một giá. Bên trong có 13 loại nhân như pate, dăm bông, giò thủ, xúc xích, chả lụa, thịt heo xá xíu... ", anh Huy nói trong lúc làm bánh.

Trước dịch, ổ bánh mì này có giá 48.000 đồng. Một ổ bánh mì nặng khoảng 400 gram, đầy đủ loại thực phẩm kẹp bên trong. Theo chủ tiệm, tất cả các loại nhân ăn cùng đều do nhà tự làm theo công thức riêng nên có hương vị đặc trưng hút khách nhiều năm qua. Tiệm thuê 16 người làm, mỗi nhóm thực hiện một công việc để đảm bảo kịp phục vụ khách hàng.

Trước kia tiệm bỏ sẵn rau ớt, dưa leo ăn kèm vào bánh mì nhưng nay để riêng vào bịch. Việc này để ổ bánh bớt đầy, làm nhanh hơn và đáp ứng được nhiều cách thưởng thức của thực khách. Tiệm bán từ 9h đến 19h mỗi ngày, cao điểm thường vào buổi chiều, xếp thành hai hàng nối dài cả trăm mét.

hình ảnh

Dù chờ đợi rất lâu, nhưng mọi người đều kiên nhẫn xếp hàng (Ảnh: VNE)

Theo anh Huy, vì mọi nguyên liệu phần lớn tự làm trong khi lượng khách đông, nhân viên hạn chế nên chưa thể mở bán thêm vào sáng sớm. Vào khung giờ cao điểm khách phải đợi trung bình 20 phút để mua được bánh mì, mỗi người thường mua từ 3 đến 6 ổ.

"Tôi ăn bánh mì ở đây gần chục năm nay rồi, quen hương vị nên mua chỗ khác không quen lắm. Tuần nào cũng phải ghé đây ít nhất một lần mua vài ổ về cho cả nhà thưởng thức", chị Kim Uyên (quận 4) nói trong lúc xếp hàng.

Chạy xe máy hơn gần 10 km từ quận Bình Thạnh lên mua 4 ổ bánh mì, bà Trần Thị Mộng Liên cho biết: "Bánh ở đây so với nơi khác hơi đắt xíu nhưng ăn ngon, có hương vị riêng nhất là bơ và pate. Mà bên trong nhiều nhân, tôi chỉ ăn nửa ổ là thấy no rồi".

Đến 17h30, dòng người vẫn xếp hàng dài trên đường chờ mua bánh mì có tuổi đời hơn 30 năm. Mỗi ngày tiệm bán được hàng trăm ổ bánh mì, thời gian tới dự định mở thêm một điểm bán mới.

hình ảnh

Tiệm bánh mì phải huy động hết công suất

Có lẽ ngày bình thường, việc xếp hàng mua bánh mì là hình ảnh vô cùng quen thuộc với người dân Sài Gòn, nhưng khi dịch dã như thế này, trên mạng xã hội lại bắt đầu nhiều quan điểm khen chê khác nhau. Nhiều ý kiến không lý giải được, tại sao có nhiều người lại yêu thích bánh mì như thế, dù phải xếp hàng chờ đợi, dù giá cả không hề rẻ và dù nhiều nguy cơ tiềm ẩn xung quanh.

Tuy nhiên, với những ai yêu ẩm thực mà nói, gần 3-4 tháng nay thiếu đi những món ngon của Sài Gòn, nhiều người thèm da diết. cực một chút, mắc một chút, đội nắng mưa một chút cũng chẳng sao, đâu phải họ ăn mỗi ngày, ăn chỉ là đẻ thỏa cơm thèm. Với lại, 58 ngàn không có gì quá mắc, và người có tiền thì càng không nên cấm họ tiêu tiền.

Rõ ràng, chuyện ăn uống mùa giãn cách không đơn giản như chúng ta vẫn tưởng tượng. Nhưng qua đó, chúng ta cũng thấy món ăn Việt Nam thực sự gây thương nhớ như thế nào. Ngày bình thường ăn uống đuề huề, chúng ta hiếm khi thấy được giá trị của nó. Nhưng hôm nay, khi giãn cách quá dài, mới hiểu được có những món ăn khiến chúng ta thêm trân quý ẩm thực Việt.

Cũng giống như đợt lễ Trung thu vừa qua, nhiều người dân Hà Nội vẫn xếp hàng đi mua bánh, dù thời điểm ấy, dịch bệnh tại đó đang có xu hướng tăng nhanh. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở TP HCM hay Hải Phòng, trước cửa các hiệu bánh lâu đời.

hình ảnh

Bánh mì được xem là tinh túy ấm thực Việt

Mặc dù chờ đợi rất mất thời gian, đi kèm với nguy cơ lây nhiễm nhưng nhiều người cho biết, họ không thể nào thiếu đi hương vị bánh Trung thu trong dịp Tết Trung thu. Thậm chí nhiều bạn trẻ phải năn nỉ mãi thì mới được chú công an cho qua chốt đi mua bánh. Với họ, được ăn bánh trong mùa dịch thế này mừng lắm, giống như ngày Tết được ăn bánh chưng vậy.

Suy cho cùng, chuyện xếp hàng dài để mua một ổ bánh, một tô bún… không có đúng sai mọi người ạ. Bởi ai cũng có nhu cầu ăn uống. Và xã hội có cung thì có cầu, miễn sao mọi người chấp hành tốt 5K, người dân đã tiêm vaccine, và các điểm bán hàng sắp xếp được không gian mua bán an toàn, trật tự giữa mùa dịch bệnh, thì mọi chuyện sẽ lại ổn và “đẹp” như xưa.