Chuyên gia chỉ cách ăn mít không lo nóng trong người cũng chẳng sợ tăng cân

Admin
Mít là loại trái cây mùa hè thơm ngon được nhiều người ưa chuộng. Nếu chị em nào còn lo lắng ăn mít bị nóng trong người hay tăng cân hãy học cách của chuyên gia sau đây.
Mít là loại trái cây mùa hè rất được yêu thích bởi hương vị thơm ngon nức mũi. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia), mít rất giàu vitamin C và các dưỡng chất thực vật như ignans, isoflavones và saponins có đặc tính chống ung thư và lão hóa. Vitamin A có trong những múi mít vàng rực rất có lợi cho mắt và da, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến mắt như thoái hóa điểm vàng và bệnh quáng gà.
 

Những ai không nên ăn mít


Dù thơm ngon và giàu dinh dưỡng là vậy nhưng không phải ai cũng có thể ăn mít. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, vì mít có hàm lượng đường cao nên những người bị rối loạn đường máu, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, suy thận mạn, sức khỏe yếu, người bị thừa cân, béo phì… cần hạn chế ăn mít.
 
Chuyên gia chỉ cách ăn mít không lo nóng trong người cũng chẳng sợ tăng cân
 
Do đó, nhóm đối tượng này nên hạn chế thậm chí là kiêng hẳn những loại quả nhiều đường như mít đặc biệt là người tiểu đường, gan nhiễm mỡ.

Người hay bị mọc mụn nhọt, rôm sảy, hay bị chắp lẹo mắt không nên ăn nhiều mít, vì hàm lượng đường cao sẽ làm tăng lượng đường trong máu là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, nhất là tụ cầu, nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nhọt, chốc lở ngoài da.

Ăn mít đúng cách, đúng thời điểm


Dù có hương vị ngon ngọt khó cưỡng nhưng nhiều chị em không dám ăn mít bởi quan niệm ăn mít gây nóng trong và dễ tăng cân. Tuy nhiên, PGS.TS Lâm khẳng định, không có loại quả nào gây nóng mà chỉ có loại quả có hàm lượng đường cao, ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, có thể bị tăng đường huyết đột biến, choáng váng, hoa mắt, do đó khi ăn cần hết sức lưu ý.

Do đó chuyên gia khuyến cáo một số cách ăn mít để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Nguyên tắc hàng đầu là không ăn nhiều mít cùng lúc. Mỗi lần ăn mít, bạn chỉ nên ăn 80-100g mít tươi, tương đương 4-5 múi. Ăn quá nhiều mít một lúc sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao, nóng gan, không tốt cho gan thận, đặc biệt là dễ gây khó tiêu.
 
Chuyên gia chỉ cách ăn mít không lo nóng trong người cũng chẳng sợ tăng cân

Không nên ăn mít lúc đói bởi hàm lượng đường cao sẽ khiến cơ thể bị đầy bụng, khó tiêu. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhận định chỉ nên ăn mít sau 1-2 giờ sau khi ăn bữa chính. Khi ăn mít, chú ý nhai từng múi thật kỹ, để tránh gây khó tiêu.

Không nên ăn vào chiều tối và tối bởi mít có hàm lượng chất xơ cao, ăn vào thời điểm muộn như vậy dễ gây cảm giác ấm ách, khó chịu vào ban đêm.

Nên ăn mít kèm với những loại hoa quả khác: Ăn mít kèm với những loại trái cây khác sẽ cung cấp thêm vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Người bị nóng trong, hay bị nổi mụn nhọt khi ăn mít vẫn cần bổ sung đủ nước và rau xanh. Nếu bình thường bạn là người ít uống nước thì ngay cả khi ăn mít càng cần uống nhiều nước hơn. Tốt nhất nên uống đủ 2-2,5 lít nước và 200-300 g rau xanh mỗi ngày để việc ăn mít hạn chế tối đa nguy cơ nổi mụn nhọt.
 
[presscloud]http://media.tuoitrexahoi.vn/upload/video/2019/06/12/cong-dung-cua-mit_12062019163221.mp4[/presscloud]
Công dụng của mít

 
Theo Hà Ly/SKCĐ