Tăng cường sức đề kháng bằng các loại dược liệu sẵn có trong bếp nhà

Admin
Tiêu lốt, gừng, tỏi và hoàng kỳ đều chứa các hoạt chất có tính kháng khuẩn, hỗ trợ tăng cường đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Theo Tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trong dân gian từ xưa có nhiều vị thuốc, bài thuốc đã được sử dụng trong điều trị cảm cúm. Còn trong y học hiện đại đã chứng minh một số loại thảo dược có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch lại còn rất dễ tìm và rẻ tiền.
 
Trong thời buổi dịch bệnh đang diễn biến hết sức khó lường, ngoài các biện pháp bảo vệ bản thân, mọi người có thể sử dụng các dược liệu này để tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus gây bệnh.

Tiêu lốt


Trái tiêu lốt khô chứa rất nhiều tinh dầu, được sử dụng làm gia vị trong nấu ăn. Ở nhiều nước châu Á như Ấn Độ, tiêu lốt được sử dụng như một loại dược liệu có tác dụng chữa ho, long đờm, dị ứng, kháng viêm, nâng cao hệ miễn dịch và thể trạng người bệnh.
 
Dược liệu thiên nhiên tăng cường sức đề kháng

TS.DS Nguyễn Thành Triết khuyến cáo liều dùng tiêu lốt ở người lớn là 1 - 3gr và ở trẻ em là 125 - 250mg bột quả khô. Sử dụng 2 - 3 lần/ngày, trộn chung với mật ong hoặc nước ấm ăn vào buổi sáng hoặc tối.

Các khác là kết hợp tiêu lốt, tiêu đen và gừng khô mỗi loại 50gr đem xay thành bột. Hòa bột này với nước ấm hoặc mật ong uống hàng ngày 2-3 lần. Người lớn mỗi lần uống 2 gr bột còn trẻ em uống 125 - 500 mg.

Tỏi


Tỏi là một loại gia vị quen thuộc còn trong y học cổ truyền, tỏi có tính ấm, có tính kháng khuẩn cực tốt. Trong tỏi chứa hoạt chất Allicin có tính kháng khuẩn, hỗ trợ hệ miễn dịch, có tác dụng phòng và chữa nhiều bệnh cảm lạnh, cúm... Ngoài ra tỏi còn có thể chữa bệnh đau dạ dày, mỡ máu.

Cách dùng: Thêm tỏi tươi vào bữa ăn hàng ngày như xào nấu hay ăn sống 2 - 5 gr/ngày. Nếu dùng bột tỏi khô 0,4 - 1,2 gr/ngày hoặc dầu tỏi 2 - 5 mg/ngày.

Gừng


Gừng trở thành loại gia vị quen thuộc trong mâm cơm hàng ngày của người Việt. Gừng có tính ấm, vị cay nồng có nhiều tác dụng chữa bệnh như cảm lạnh, sốt, chống nôn, kích thích tiêu hóa, điều hòa hệ miễn dịch, chống lại phản ứng dị ứng. Không chỉ củ gừng mà thân rễ đều có thể dùng làm thuốc.

Cách dùng: Lấy thân rễ gừng khô dùng với liều 1 - 3 gr/ngày, uống 2 lần trong ngày. Hoặc thái lát gừng tươi đem hãm với nước sôi trong 30 phút uống như trà gừng.

Hoàng kỳ


Y học Trung Quốc đã có trên 2.000 năm sử dụng hoàng kỳ làm vị thuốc bồi bổ cơ thể, tăng cường thể trạng cho người mới ốm dậy, đặc biệt để phòng và trị một số bệnh.
 
Dược liệu thiên nhiên tăng cường sức đề kháng

Khoa học hiện đại chứng minh hoạt chất polysaccharid có trong rễ hoàng kỳ có tác dụng tăng cường hoạt động của đại thực bào và các tế bào bạch cầu lympho B, đây là những "chiến binh" tốt nhất của hệ miễn dịch, hoạt động hết công suất bảo vệ các tế bào trước sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Hoàng kỳ có khả năng điều hòa hệ miễn dịch nên được dùng trong điều trị cảm lạnh, cảm cúm, làm giảm các triệu chứng, giúp người bệnh nhanh khỏi.

Cách dùng: Hoàng kỳ khô đem sắc với liều 8 - 12 gr, chia làm 2 lần uống trong ngày. Lưu ý, hoàng kỳ chỉ nên được dùng như một phương thuốc tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ trị bệnh. Tuyệt đối không dùng trong trường hợp nhiễm trùng cấp tính.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/03/19/vi-chat-giup-nang-cao-suc-de-khang_19032020144655.mp4[/presscloud]
Các loại vi chất giúp nâng cao hệ miễn dịch. Video: HanoiTV
 
 
Hà Ly (t/h)