Giá vàng trong nước đồng loạt giảm

Giá vàng trong nước theo đà giảm của vàng thế giới, mặt hàng vàng miếng SJC và vàng nhẫn, vàng trang sức đều giảm 50.000-250.000 đồng.

Giá vàng trong nước quay đầu giảm trong phiên giao dịch sáng 12/5. Ảnh: Chí Hùng.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 12/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào đối với vàng miếng SJC ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và giá bán ra là 67,2 triệu đồng/lượng. So với phiên liền trước, giá giao dịch mặt hàng này đã giảm 50.000 đồng/lượng.

Không riêng SJC, giá vàng miếng tại các thương hiệu lớn như Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Phú Quý, Công ty Bảo Tín Minh Châu... cũng chung xu hướng giảm 50.000 đồng, hiện giao dịch quanh mức 66,6 - 67,2 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Với nhẫn tròn trơn là mặt hàng được nhiều người quan tâm còn ghi nhận mức điều chỉnh mạnh hơn do bám sát diễn biến thị trường kim loại quý thế giới.

Tại PNJ, giá mua - bán vàng nhẫn giảm 150.000 đồng ở chiều bán và 50.000 đồng ở chiều mua, xuống còn 56,5 - 57,5 triệu đồng/lượng. Dù vậy, so với cách đây 2 tháng, tức hồi đầu tháng 3, mỗi lượng vàng nhẫn tại đây vẫn tăng 2,6 triệu đồng. Chiếu trên chênh lệch giữa giá mua - bán, người mua vàng nhẫn tại đây vẫn lãi 1,6 triệu đồng.

Tương tự, tại các doanh nghiệp như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Mi Hồng, VietAGold..., hiện giá bán ra vàng nhẫn đều dao động quanh mốc 57,5 triệu đồng/lượng, phổ biến giảm 100.000-250.000 đồng/lượng so với phiên trước nhưng vẫn đi ngang so với hồi cuối tuần trước.

Diễn biến hạ nhiệt của giá vàng trong nước phiên sáng nay chịu tác động chính từ xu hướng giảm của giá vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng thế giới giao ngay hiện niêm yết tại mốc 2.010 USD/ounce, giảm gần 19 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên trước.

Quy đổi theo tỷ giá USD trong nước chưa thuế, phí, giá vàng thế giới tương đương 57,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng gần 10 triệu đồng và giữ chiều hướng đi ngang với giá vàng vàng nhẫn, vàng trang sức.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS - ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Sỹ - cho rằng dữ liệu lạm phát của Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với vùng an toàn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này cho thấy ngân hàng trung ương có thể không sớm thay đổi lộ trình tăng lãi suất, điều đó đã ảnh hưởng đến giá vàng.

"Các cuộc đàm phán về trần nợ ngắn hạn và dữ liệu vĩ mô của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến giá vàng", ông Staunovo nói.

Về lâu dài, vàng có thể sẽ hưởng lợi từ đà suy yếu trên thị trường lao động Mỹ. Thất nghiệp gia tăng có thể làm tăng khả năng Fed đã kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Kim loại quý này cũng sẽ tăng nhu cầu trú ẩn an toàn nếu tình trạng hỗn loạn ngân hàng "nóng" lên thời gian tới.

Jim Wyckoff, chiến lược gia thị trường cao cấp tại Kitco, cho rằng với tình hình hiện tại, Fed có thể sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ.