Giáo viên bật mí cách đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội

Chưa đầy 2 tháng nữa, học sinh lớp 9 tại Hà Nội sẽ chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập đầy cam go. Thầy cô lưu ý, thí sinh cần nhanh chóng hệ thống lại kiến thức, ôn chắc nội dung trong SGK cũng như thường xuyên luyện tập các dạng bài trong đề thi để ghi nhớ kiến thức và rèn kỹ năng.

Chưa đầy 2 tháng nữa, học sinh lớp 10 tại Hà Nội sẽ chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập đầy cam go. Thời điểm này, các trường THCS đang gấp rút hoàn thành chương trình chính khóa kết hợp ôn tập chương trình đã học cũng như rèn kỹ năng làm bài cho học sinh.

giao vien bat mi cach dat diem cao trong ky thi tuyen sinh lop 10 tai ha noi hinh anh 1

Các trường THCS trên địa bàn Hà Nội đang triển khai nhiệm vụ kép vừa dạy chương trình mới, vừa ôn tập kiến thức cho học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10

Thầy Bùi Mạnh Tùng, Tổ trưởng Tổ Tự nhiên Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh lớp 9 năm nay có đến 3 năm liên tiếp phải học online, do đó kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng rõ rệt.

Riêng với môn Toán, qua quá trình giảng dạy và kiểm tra đánh giá cho thấy, kỹ năng trình bày, lập luận của học sinh bị ảnh hưởng rõ rệt khi học trực tuyến. Trong khi đó, bài thi môn Toán vào lớp 10 THPT công lập được ra theo hình thức tự luận, yêu cầu học sinh không chỉ đưa ra đáp án chính xác mà cần trình bày đầy đủ lời giải, các bước trình bày, lập luận, phân tích.

“Thời gian học online sự tương tác trực tiếp với thầy cô bị hạn chế, nên khả năng trình bày, lập luận của các em cũng bị kém hơn. Trong giai đoạn nước rút, thầy cô đang hoàn thiện kỹ năng cần thiết cho các em để tránh mất điểm khi làm bài.

Ví dụ, ở môn hình học, khi học trực tuyến các em chủ yếu nhìn vào hình vẽ để trả lời câu hỏi, thầy cô cũng không thể nhìn trực tiếp để sửa lỗi sai cho học sinh. Do đó, kỹ năng vẽ hình của các em còn rất nhiều thiếu sót. Ngoài việc uốn nắn hàng ngày, thông qua các bài kiểm tra định kỳ, giáo viên cũng có thể nhận ra những hạn chế mà học sinh đang gặp phải, từ đó có hướng dẫn hiệu quả, phù hợp cho từng em, thầy Tùng cho biết.

Đưa ra lời khuyên cho thí sinh trong cách ôn tập và làm bài thi môn Toán, cô Đỗ Thu Hà, giáo viên môn Toán Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) lưu ý, trong giai đoạn nước rút, học sinh nên tập trung vào các dạng bài quen thuộc, cần tìm cách đưa các dạng bài lạ về dạng Toán thường gặp.

“Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần chú ý một số lỗi thường gặp khi làm bài như rút gọn nhưng quên điều kiện, hay sau khi giải không đối chiếu điều kiện phía trên. Tương tự, ở các bài toán có lời văn, nhiều thí sinh cũng thường không để ý đến điều kiện của đề bài. Ví dụ, các sản phẩm, số luống rau… phải là số nguyên dương, hay dạng phương trình bài toán tăng giảm, các em chỉ chú ý đến tổng số mà không đọc kỹ đề bài. Khi gặp các câu hỏi lạ, nhiều em lập tức bối rối, nhưng chỉ cần thay đổi một chút các em đã có thể đưa về dạng toán quen thuộc, hay với các bài hình, lỗi nhiều thí sinh gặp phải là bỏ bước, dẫn đến mất điểm”, cô Đỗ Thu Hà lưu ý.

Để đạt điểm cao môn Toán, cô Hà cho rằng, học sinh cần có lộ trình ôn tập cụ thể, ôn kỹ từng dạng bài trước khi chuyển sang phần mới, xây dựng mục tiêu và thời gian biểu cụ thể. Trong quá trình ôn tập, nếu gặp các dạng bài khó, chưa vững kiến thức cần ghi lại để nhờ thầy cô hướng dẫn.

Với môn Ngữ văn, cô Hoàng Diệu Thúy (Trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội) cho rằng, khi thời gian ôn tập không còn nhiều, không ít thí sinh đang rơi vào trạng thái lo lắng, áp lực, tuy nhiên các em cần bình tĩnh, tập trung ôn tập hiệu quả. Với môn Ngữ văn, thí sinh có thể ôn theo phương pháp cuốn chiếu, nắm chắc kiến thức từng phần, sau đó luyện các dạng câu hỏi thường xuất hiện trong đề thi. Đặc biệt, thí sinh cần tránh học tủ, loại trừ các tác phẩm đã thi những năm trước.

Theo cô Thúy, đề thi Ngữ văn lớp 10 những năm gần đây không yêu cầu thí sinh học thuộc nhiều, mà tập trung vào phát triển kỹ năng của học sinh. Do đó, thí sinh nên đọc hiểu, nắm chắc kiến thức, ôn tập theo từng dạng bài, với mỗi dạng bài lại vận dụng vào các tác phẩm đã học để luyện tập, tránh học thuộc, học vẹt.

Ngoài ra, ngữ liệu trong đề thi cũng có thể lấy từ chương trình các lớp dưới, do vậy học sinh cần đọc kỹ đề, rèn luyện các kỹ năng làm bài.

“Những năm gần đây, câu hỏi trong đề thi vào lớp 10 thường bám sát hệ thống kiến thức trong SGK, không mang tính đánh đố. Tuy nhiên học sinh vẫn thường mắc một số lỗi như không đọc kỹ đề thi, xác định sai yêu cầu của đề. Ví dụ đề bài yêu cầu xác định phương thức biểu đạt, thí sinh cần phân biệt giữa phương thức biểu đạt hay phương thức biểu đạt chính. Ngoài ra, đề thi có những câu hỏi thí sinh chỉ cầm bám vào đoạn trích để trả lời, nhưng cũng có những câu hỏi yêu cầu tư duy để làm tốt. Hoặc khi viết một đoạn văn, nhiều em vẫn mắc lỗi diễn đạt, trình bày. Tất cả những lỗi này thí sinh cần đặc biệt chú ý để tránh mất điểm khi làm bài”, cô Hoàng Diệu Thúy lưu ý.

Với môn Tiếng Anh, cô Bùi Ngọc Hà (Trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội) cho rằng, trong 2 tháng nước rút, thí sinh cần tập trung hệ thống lại kiến thức trong SGK từ lớp 6 đến lớp 9, học kỹ các thành tố như từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm, đồng thời cũng cần củng cố thêm những kỹ năng cơ bản khác như đọc hiểu, đọc lấy ý chính khi làm bài đọc. Luyện tập những câu hỏi về giao tiếp hàng ngày như cách đáp lại lời khen, lời cảm ơn, xin lỗi, phàn nàn, đề xuất...

“Học sinh lớp 9 năm nay chịu ảnh hưởng khá lớn của dịch Covid-19, thời gian lớp 7, lớp 8 chủ yếu các em học online, trong khi đó, 2 năm học này có rất nhiều kiến thức nền tảng quan trọng chuẩn bị cho lớp 9, bởi vậy kết quả học tập của các em ít nhiều bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, đề thi tiếng Anh vào lớp 10 những năm gần đây chủ yếu là mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng ở mức độ thấp. Nhưng nhiều em đang có xu hướng học quá khó so với đề thi thực tế. Đặc biệt là những em chỉ thi vào THPT công lập, không thi chuyên, các em chỉ cần bám sát nội dung SGK”, cô Hà lưu ý.

Năm 2023, Hà Nội sẽ tuyển khoảng 72.000 học sinh vào lớp 10 các trường Trung học Phổ thông công lập, chiếm 55,7% tổng số học sinh đăng ký dự tuyển, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023..

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay, thí sinh dự thi lớp 10 THPT công lập sẽ làm 3 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thay vì 4 môn như những năm trước khi có dịch Covid-19. Việc giảm số môn thi xuất phát từ việc học sinh lớp 9 năm nay trải qua 3 năm liên tiếp ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Trong đó, bài thi môn Toán và bài thi môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi; bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút; có nhiều mã đề trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề.

Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.

Trong đó, đề thi môn Toán và Ngữ văn bảo đảm 4 cấp độ nhận thức gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và có một số câu ở cấp độ vận dụng./.