Làm, ngủ, chơi đều trong phòng máy lạnh vì quá nắng nóng

"Từ văn phòng, nhà riêng đến quán cà phê, đi đâu tôi cũng ở trong điều hòa. Biết như vậy rất hại nhưng nếu không, tôi luôn trong trạng thái đầm đìa mồ hôi", Mỹ Nguyên nói.

Thu Hương (quận Cầu Giấy) cho biết, liên tiếp nhiều ngày nay cô hạn chế ra đường ban ngày bởi thời tiết nóng bức. Tiền điện phòng cô cao gấp 5 lần so với ngày thường. Ảnh: Thụy Trang.

Hai tuần qua, Mỹ Nguyên (28 tuổi) luôn đi sớm về trễ. Khoảng 6h30-7h, nữ nhân viên marketing đã rời khỏi nhà ở TP Thủ Đức để đến công ty tại quận 1 (TP.HCM). Đến khoảng 19h, khi biết nhiệt độ bên ngoài đã dịu hơn, cô mới rời khỏi văn phòng.

Vài ngày mưa đúng giờ tan tầm, cô cũng ở lại, khoảng 20h mới ra về.

Lịch làm việc thay đổi không phải vì Nguyên chăm chỉ hơn hay có nhiều công việc cần xử lý trong thời gian này. Lý do chính là TP.HCM đang trong những ngày nắng nóng cao điểm.

"Có những hôm, chỉ mới 7h nhưng trời đã nóng hầm hập. Nếu đi trễ sẽ gặp thêm cảnh tắc đường, kẹt xe. Có ngày, tôi tới công ty trong tình trạng cả người đổ mồ hôi ướt đẫm", Nguyên kể

Công việc của cô gái 28 tuổi này vốn chỉ yêu cầu nhân viên đến công ty khoảng 2-3 lần/tuần. Tuy nhiên, để tiết kiệm tiền điện ở nhà và chi phí đến quán cà phê, hầu như ngày nào Nguyên cũng tới văn phòng, "hưởng ké" máy lạnh.

Cuối tuần, khi văn phòng đóng cửa, Nguyên sẽ bật điều hòa, ngồi cả ngày trong nhà hoặc mang laptop đến quán cà phê.

Sống trong điều hòa khiến bệnh mũi của Nguyên trầm trọng hơn, cổ họng cô luôn khô rát còn da thì khô, nứt nẻ. Có những ngày đang trong điều hòa, bước ra đường, cô choáng váng vì thay đổi nhiệt độ đột ngột.

"Từ văn phòng, nhà riêng đến quán nước, đi đâu tôi cũng cần máy lạnh. Biết như vậy không tốt nhưng mùa này không có máy lạnh thì không thể chịu nổi", Mỹ Nguyên nói.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiệt độ ở khắp các địa phương đã tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của người dân. Nắng nóng cũng khiến nhu cầu sử dụng điều hòa tăng vọt.

Hôm 20/5, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay mỗi năm Việt Nam tiêu thụ đến hơn 2 triệu máy điều hòa.

Thời tiết nắng nóng, oi bức ở TP.HCM và Hà Nội khiến nhiều người chỉ muốn ngồi phòng máy lạnh. Thay vì chôn chân ở nhà như trước đây, nhân viên văn phòng, kể cả những người có giờ giấc linh hoạt, remote (làm việc từ xa), cũng lựa chọn đến văn phòng công ty, tới quán cà phê cả tuần.

Ăn, ngủ, chơi trong phòng máy lạnh

Võ Duyên (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể từ trước lễ 30/4-1/5, cô gần như chỉ "trốn" trong các phòng máy lạnh.

"Mỗi lần đi làm hay có việc cần ra đường, tôi hoàn toàn sốc nhiệt. Nhiệt độ trong nhà và ngoài trời thực sự quá chênh lệch, cộng thêm khói bụi, xe cộ đông đúc càng tăng thêm cảm giác khó chịu".

Võ Duyên lên kế hoạch du lịch tránh nóng cùng bạn bè. Ảnh: NVCC.

Trước đây, lúc nhà còn ở quận 12, Duyên mô tả mồ hôi có thể thấm ra đến áo chống nắng, mái tóc mới gội cũng bết dính sau khi cô phải chạy xe hơn 10 km đến văn phòng. Gần đây, cô đã chuyển tới gần công ty, quãng đường đi làm bớt mệt mỏi từ sáng sớm.

"Ít ra tôi cũng cảm thấy may mắn vì kịp chuyển nhà trước mùa mưa, mùa nắng nóng của thành phố", Duyên chia sẻ.

Đi làm cả ngày, Duyên cho biết chi phí điện nước của gia đình cô không thay đổi nhiều, nhưng khoản tiền dành cho việc mua nước mát hay ngồi cà phê vào cuối tuần lại tăng lên. Một khoản khác là tiền mua các loại thuốc trị bệnh mũi, họng.

"Việc ngồi máy lạnh thường xuyên cũng khiến tôi dễ nghẹt mũi, gặp các vấn đề về đường hô hấp. Nhưng tính ra, những triệu chứng này vẫn có thuốc trị, đỡ hơn phải chịu nóng, bị sốc nhiệt".

Nhà nào cũng lắp điều hòa

Ngồi trong phòng mở máy lạnh cả ngày là “cực hình” đối với một người mắc bệnh xoang mũi như Hà Phương. Nhưng giữa tiết trời oi nóng cao điểm của Hà Nội, nữ nhân viên văn phòng 27 tuổi nói rằng “không còn lựa chọn khác”.

Mỗi ngày, Phương ngồi văn phòng từ 8h-17h, vị trí lại gần luồng gió điều hòa khiến cô nhiều lần sụt sịt nếu nhiệt độ chỉnh xuống quá thấp. Những lần như vậy, cô thường tăng nhiệt độ lên một chút, tắt quạt gió để bớt khó chịu.

“Người khác khỏe mạnh sẽ thấy không sao, nhưng tôi lạnh một chút đã ngứa mũi. Hôm nào không khí bẩn, nhiều bụi mịn nữa thì tôi dùng hết một túi giấy ăn để lau mũi vì lên cơn nhức xoang”, Phương kể.

nang nong cao diem anh 1

Dù khó chịu khi ngồi máy lạnh nhiều, Hà Phương không còn lựa chọn khác vì quá nóng. Ảnh: NVCC.

Ở văn phòng của cô, nhân viên nào cũng trang bị bộ chăn gối, áo khoác gió để khoác lên khi điều hòa lạnh quá. Chưa kể, mùa hè nắng nóng, từ trong phòng máy lạnh bước ra rất dễ sốc nhiệt.

Dù vậy, Hà Phương vẫn phải lắp điều hòa ở nhà vì mùa hè quá nóng. Trước đó, phòng cô ở là căn hộ duy nhất trong chung cư mini không có máy lạnh.

“Tôi thường mở cửa ban công, bật quạt để không khí lưu thông. Nhưng mùa hè, nhà nào cũng bật máy lạnh hết công suất, phòng tôi hút hết luồng gió từ cục nóng điều hòa của các nhà khác. Quá oi bức, tôi cũng phải lắp một chiếc”.

Tương tự, Hoàng My (26 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cũng khó chịu vì chứng viêm mũi dị ứng khi liên tục ngồi điều hòa.

Cả tháng nay, khi thời tiết chuyển nắng nóng cao điểm, My gần như hoàn toàn ở trong phòng điều hòa, từ nhà tới văn phòng công ty, hay lúc đi cà phê cuối tuần với bạn.

Vì công ty cho phép làm từ xa nên mỗi tuần cô chỉ lên văn phòng 2-3 lần. Đi trên đường quá nóng, cô chỉ muốn vào chỗ có máy lạnh, nhưng tới văn phòng thì My lại khổ sở vì cứ hắt xì liên tục.

"Điều hòa công ty bật quá lạnh, đến mức tôi đau cả đầu. Không có điều hòa thì nóng không chịu nổi, mà trong phòng lạnh quá dễ bệnh", My nói.

Cô thường xuyên dùng bình rửa mũi, thuốc nhỏ mũi để bớt khó chịu khi ngồi trong phòng máy lạnh quá lâu.

Dù vậy, My cảm thấy may mắn khi công việc được ngồi trong phòng điều hòa, không phải vất vả đi ra đường giữa tiết trời oi bức.

Các chuyên gia y tế cảnh báo người dân cần sử dụng điều hòa một cách khoa học, tránh gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Theo đó, trong quá trình làm mát không khí, máy lạnh sẽ hút hết độ ẩm tự nhiên trên da và tóc. Sử dụng máy lạnh trong thời gian dài cùng với việc lười uống nước có thể khiến cơ thể bị mất nước, dẫn tới tình trạng da khô, nứt nẻ, bong tróc, mái tóc trở nên khô xơ.

Để đối phó với nắng nóng, tránh tia cực tím gây hại cho da, nhiều người phải mặc nhiều lớp áo khoác, đeo khẩu trang, kính khi ra đường. Ảnh: Thụy Trang.

Cơ thể thường xuyên rơi vào tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột, thậm chí là thay đổi chênh lệch tới cả chục độ giữa nhiệt độ máy lạnh và nhiệt độ ngoài trời. Điều này khiến cho sức đề kháng của chúng ta bị bào mòn.

Máy lạnh được bật ở nhiệt độ thấp gây ra sự chênh lệch nhiệt độ trong phòng với nhiệt độ thực tế bên ngoài, có thể gây ra tình trạng đau đầu và đau nửa đầu.

Vì vậy, trong phòng không nên bật máy lạnh quá thấp. Người ngồi điều hòa lâu nên uống nhiều nước và bổ sung các thực phẩm nhiều nước. Khi sử dụng máy lạnh, chúng ta cần sử dụng thêm các sản phẩm chăm sóc mắt và các loại sản phẩm dưỡng ẩm cho da và tóc.

Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột, cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài.