Người đứng đầu nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk cho biết: “Những người bị ép buộc làm việc trong các hoạt động lừa đảo này phải chịu đựng sự đối xử vô nhân đạo ngay trong lúc bị buộc phải thực hiện tội ác”.
Bởi vậy, ông nhấn mạnh: "Họ là nạn nhân. Họ không phải tội phạm". Báo cáo lưu ý thêm rằng quy mô của vấn nạn này ở Đông Nam Á rất khó đánh giá vì tính chất bí mật và tinh vi của bọn tội phạm, cũng như sự chưa quyết liệt của một số chính quyền.
Báo cáo cho biết, các nguồn đáng tin cậy chỉ ra rằng ít nhất 120.000 người trên khắp Myanmar có thể bị giam giữ trong các điều kiện nhằm buộc họ phải thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến. Ước tính con số này ở Campuchia là khoảng 100.000.
Lào, Philippines và Thái Lan nằm trong số các quốc gia khác trong khu vực được xác định là các quốc gia điểm đến hoặc quá cảnh chính trong nạn buôn người này.
Người phát ngôn cảnh sát Campuchia, Chhay Kim Khoeun, cho biết ông chưa xem báo cáo của Liên hợp quốc nhưng thắc mắc về con số này. "Tôi không biết trả lời thế nào, họ lấy con số (100.000) từ đâu? Họ đã điều tra chưa? Họ lấy dữ liệu ở đâu? Hay chỉ nói suông thôi".
Cũng theo báo cáo, nạn nhân trong hoạt động tội phạm này không chỉ từ khắp khu vực ASEAN, mà còn cả từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Nam Á... thậm chí từ châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Báo cáo cho biết, hầu hết những người bị buôn bán vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến là nam giới, mặc dù phụ nữ và thanh thiếu niên cũng là nạn nhân. Các tổ chức tội phạm trực tuyến này bùng nổ trong đại dịch COVID-19, sau khi các sòng bạc ở một số quốc gia phải đóng cửa do lệnh phong tỏa.
Theo báo cáo, điều này dẫn đến việc các nhà điều hành sòng bạc chuyển sang các không gian ít bị kiểm tra và quản lý hơn, bao gồm các khu vực biên giới và đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến.
Đại dịch COVID-19 cũng khiến nhiều người di cư dễ bị tổn thương hơn, bị mắc kẹt ở các quốc gia và mất việc làm. Báo cáo cho biết, lệnh phong tỏa cũng khiến mọi người dành nhiều thời gian trực tuyến hơn và dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo trực tuyến.
Huy Hoàng (theo U.N, CNA)