Mỗi người cần lượng thời gian khác nhau để phục hồi sau chia tay. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Khi hẹn hò, các cặp đôi thường có xu hướng chia tay tạm thời khi xảy ra cãi vã. Nhưng theo nghiên cứu, con người chỉ trải qua sự tan vỡ trong một mối quan hệ nghiêm túc một vài lần trong đời.
Theo một cuộc khảo sát năm 2021 với 2.000 người trưởng thành ở Mỹ do OnePoll (Cơ quan nghiên cứu thị trường quốc tế chuyên khảo sát quan hệ công chúng và thăm dò dư luận) thực hiện, trung bình, một người trải qua 3 cuộc chia tay lớn.
Sau khi chia tay, mọi người sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để có thể nguôi ngoai, ví dụ như dành nhiều thời gian cho bạn bè và gia đình hay thoải mái chiêu đãi bản thân bằng những món ăn yêu thích.
Tuy nhiên, quãng thời gian khó khăn, vật vã để quên đi người cũ chính xác sẽ kéo dài bao lâu?
6 tháng
Cuộc khảo sát cho thấy sau khi chia tay, quá trình chữa lành vết thương lòng thường kéo dài khoảng 6 tháng. Điều đó có nghĩa là trung bình một người dành hơn một năm rưỡi cuộc đời để quên đi những mối quan hệ đã qua.
Điều quan trọng cần lưu ý là khoảng thời gian 6 tháng được tính từ một số mốc thời gian khác nhau trong hành trình chữa lành. Ví dụ, hầu hết mọi người chỉ dành trung bình bốn ngày để “đắm chìm trong nỗi buồn” ngay sau quyết định chia tay.
Theo khoa học, hành trình chữa lành vết thương lòng có những mốc thời gian quan trọng. Ảnh: Bestlife/ Istock. |
Cũng theo khảo sát, 42 ngày sau chia tay, một người bình thường sẽ ngừng rơi nước mắt. 4 ngày sau, họ thường xóa số điện thoại người yêu cũ. Nhưng hầu hết mọi người mất 2 tháng để có thể ngừng nhắc đến người cũ khi trò chuyện.
Đối với việc tìm kiếm tình yêu mới, trung bình, một người Mỹ thất tình sẽ cảm thấy chưa sẵn sàng để hẹn hò với đối tượng tiếp theo sau khoảng 101 ngày hậu chia tay.
Thời gian phục hồi
Kristin Davin - nhà tâm lý học chuyên tư vấn cho các mối quan hệ, hôn nhân và ly hôn - xác nhận rằng mốc 6 tháng hậu chia tay thường là khoảng thời gian mà “nhiều người chữa lành thành công và và bắt đầu cảm thấy tốt hơn”. Tuy nhiên khó để gọi đây là một mốc thời gian chuẩn xác, vì tùy vào các hoàn cảnh khác nhau mà mọi người có thể vượt qua nhanh hơn hay chậm hơn.
“Khoảng thời gian cảm thấy tốt hơn sau một mối quan hệ thường phụ thuộc vào một số yếu tố như mức độ và kiểu gắn bó, liệu họ có phải đã thân thiết như gia đình, có chung nhóm bạn bè không và lý do mà mối quan hệ kết thúc”, Davin nói.
Không phải ai cũng có thể quên được người yêu cũ chỉ sau 6 tháng. Ảnh: Rodnae Productions/ Pexels. |
Nhưng theo David Tzall, nhà tâm lý học làm việc tại thành phố New York, không có yếu tố nào có thể quyết định thời gian hồi phục sau chia tay.
Anh giải thích: “Không phải cứ hẹn hò trong thời gian ngắn hơn thì họ sẽ không mất nhiều thời gian để quên người yêu cũ. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm giảm kết nối và sự gắn bó mà họ từng có”.
Dấu hiệu nhận biết
Theo Davin, một người không cần ép bản thân phải quên đi tình cũ trong một mốc thời gian nhất định. Điều đó thậm chí có thể làm tổn thương quá trình chữa lành.
“Đừng so sánh bản thân với người khác vì điều này sẽ chỉ khiến bạn bế tắc. Không có một công thức nào phù hợp với tất cả trường hợp khi kết thúc một mối quan hệ. Đừng quên việc chiều chuộng và nhẹ nhàng với bản thân”.
Theo chuyên gia, dù có chuyện gì xảy ra, đừng quên rằng hãy yêu thương và trân trọng bản thân. Ảnh: Yaroslav Shuraev/ Pexels. |
Nhưng nếu sắp đến mốc 6 tháng mà một người không biết mình đang ở đâu trong hành trình chữa lành vết thương, có một số dấu hiệu có thể giúp nhận biết liệu họ đã thực sự vượt qua được quá khứ hay chưa. Như Tzall giải thích, hầu hết con người sẽ trải qua giai đoạn cực đoan về mặt cảm xúc sau khi chia tay, nhưng theo thời gian, họ sẽ nhận thấy rằng cường độ này đã giảm bớt.
David Tzall nói rằng khi một người bắt đầu lập kế hoạch cho tương lai mà không còn nghĩ đến người yêu cũ, đó là một dấu hiệu tốt cho thấy họ đã xoay xở được để bước tiếp.
“Cuối cùng, mối quan hệ và những khoảng thời gian tốt đẹp sẽ phai nhạt, bạn sẽ thấy mình nói về tình xưa đơn giản như một kỷ niệm và không còn cảm xúc về nó. Bạn sẽ không còn bị quá khứ kích động khi nhớ về người cũ, và có thể bước tiếp khi thấy ký ức và cảm xúc không còn ràng buộc với nhau”.